Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã thông báo một "kế hoạch 30 ngày" nhằm hạn chế sử dụng điện, theo đó giảm giờ làm việc trong ngày và kéo dài thời gian đóng cửa trường học do tình trạng mất điện nhiều ngày trên cả nước trong tháng 3 vừa qua.
Phát biểu trên truyền hình ngày 31/3, Tổng thống Maduro cho biết trọng tâm của kế hoạch trên sẽ là "đảm bảo dịch vụ cung cấp nước sạch."
Ngoài ra, Bộ trưởng Thông tin Jorge Rodriguez cho biết: "Để đảm bảo nguồn cung điện, chính phủ quyết định tiếp tục ngừng hoạt động của các trường học và thiết lập quy định ngày làm việc kéo dài đến 14 giờ tại các thể chế công và tư."
[Nhiều thành phố ở Venezuela tiếp tục gặp sự cố mất điện]
Không có điện, các trạm bơm không thể hoạt động, vì vậy dịch vụ nước sạch cũng bị hạn chế. Đèn đường và đèn giao thông cũng tắt, các trạm bơm xăng cũng phải đóng cửa, và điện thoại và dịch vụ mạng Internet phải tạm ngừng.
Người đứng đầu hiệp hội Kỹ sư điện lực và cơ khí, ông Winton Cabas nhận định tình trạng này sẽ tiếp diễn theo hướng nghiêm trọng. Theo ông, mạng lưới điện cả nước hiện chỉ phát 5.500-6.000 MW điện, trong khi công suất phát điện lên tới 34.000 MW.
Chính phủ của Tổng thống Maduro cho biết các vụ tấn công "khủng bố" đã làm hư hại nhà máy thủy điện Guri, vốn cung cấp 80% nguồn điện cho đất nước. Hồi đầu tuần, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại nhà máy này, làm hư hại một số trạm phát điện trung tâm. Tổng thống Maduro cáo buộc vụ hỏa hoạn là do một đối tượng bắn tỉa dùng súng bắn vào các máy phát điện nhằm cản trở quá trình khôi phục việc cung cấp điện và gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng một lần nữa.
Ngày 7/3 vừa qua, hệ thống điều khiển tự động ở nhà máy thủy điện Guri cũng đã phải hứng chịu một cuộc tấn công mạng quy mô lớn, đánh sập hệ thống cung cấp điện trên toàn quốc. Ngay sau đó, chính phủ đã tập trung nỗ lực để khôi phục hệ thống cung cấp điện nhưng khi công việc đang tiến triển thuận lợi thì lại phải hứng chịu thêm một loạt vụ tấn công khác khiến việc khôi phục hệ thống trở nên khó khăn. Venezuela cáo buộc Chính phủ Mỹ và phe đối lập cực đoan trong nước đứng sau các vụ việc này.
Tình hình chính trị xã hội Venezuela đang diễn biến hết sức căng thẳng sau khi thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido đã tự phong là “tổng thống lâm thời” của nước này. Tổng thống đương nhiệm Maduro cho rằng đây là một âm mưu đảo chính. Mỹ và một số nước phương Tây bày tỏ ủng hộ ông Guaido, đã gửi "tối hậu thư" tới Tổng thống Maduro, yêu cầu tiến hành bầu cử tổng thống trước thời hạn.
Trong khi đó, nhiều nước như Nga, Belarus, Bolivia, Iran, Trung Quốc, Cuba, Nicaragua, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Maduro./.