Theo các nguồn tin, Citibank và Deutsche Bank đã giữ lại số vàng nhận trước đó từ Chính phủ Venezuela để bảo đảm cho các khoản vay trị giá 1,4 tỷ USD, do các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Ngân hàng trung ương Venezuela (BCV).
Trong các năm từ 2014-2016, BCV đã sử dụng một phần vàng trong kho dự trữ ngoại tệ để bảo đảm cho các hoạt động tài chính với các ngân hàng, với dự định sẽ hoàn trả các khoản vay để không bị mất số vàng này.
Năm nguồn tin khác nhau cho biết, BCV đã đồng ý với Citibank và Deutsche Bank về việc mua lại số vàng trên vào năm 2020 và 2021, nhưng do Chính phủ Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với BCV hồi tháng Tư, hai ngân hàng này đã dẫn một điều khoản trong hợp đồng về quyền yêu cầu thanh toán trước hạn để giữ lại số vàng đó.
Citibank có quyền kiểm soát số vàng bảo đảm khoản vay khoảng 400 triệu USD mà BCV dự kiến trả vào năm 2020, trong khi Deutsch Bank có quyền kiểm soát khoảng 1 tỷ USD.
[Venezuela kiện các ngân hàng đóng băng tài sản của nước này]
Theo các nguồn tin và số liệu chính thức, kể từ năm 2017, BCV đã thu lại một phần vàng đã sử dụng để bảo đảm khoản vay, trong khi bắt đầu bán hàng chục tấn vàng cho Thổ Nhĩ Kỳ và các nước đồng minh khác ở Trung Đông để thu ngoại tệ.
Năm 2018, BCV đã hoàn trả 172 triệu USD cho Citibank để nhận lại một phần số vàng đã dùng để bảo đảm trong một thỏa thuận hoán đổi vàng.
Tháng 3/2019, BCV không thể thanh toán 1,1 tỷ USD cho Citibank thông qua một thỏa thuận mua lại để lấy lại số vàng đã chuyển cho Citibank khi vay 1,6 tỷ USD.
BCV dự kiến sẽ trả 400 triệu USD khoản vay khác vào năm 2020 cho Citibank theo thỏa thuận, nhưng Citibank hiện đã giữ số vàng bảo đảm.
Cả hai ngân hàng trên hiện đều có thể bán số vàng của Venezuela để thu hồi tiền cho vay và số tiền còn dư nếu có sẽ được trả lại cho nước này. Tuy nhiên, theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ, hai ngân hàng bị cấm tiến hành bất kỳ giao dịch nào với BCV.
Liên quan đến việc Mỹ trừng phạt Venezuela, Bộ Tài chính Mỹ ngày 6/6 đã gia tăng áp lực đối với công ty dầu khí quốc doanh của Venezuela (PDVSA) khi nói rõ rằng hoạt động xuất khẩu chất làm loãng của các nhà xuất khẩu quốc tế có thể bị Mỹ trừng phạt.
Đây là biện pháp mới nhất của Mỹ nhằm gây sức ép với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro bằng việc hạn chế tiếp cận nguồn lợi nhuận từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của PDVSA.
PDVSA từ lâu đã phụ thuộc vào việc nhập khẩu các chất làm loãng của Mỹ để pha thêm vào dầu siêu nặng phục vụ việc xuất khẩu dầu thô của nước này. Tuy nhiên, giao dịch này đã bị Mỹ cấm từ tháng Một vừa qua, khiến PDVSA phải tìm kiếm nhà cung cấp quốc tế khác./.