Theo một báo cáo mới đây của ngân hàng Barclays, viện trợ dầu thô của Venezuela cho Cuba và các nước thành viên của dự án PetroCaribe đã giảm từ mức đỉnh 400.000 thùng/ngày năm 2012 xuống 200.000 thùng/ngày năm 2014.
Theo tính toán của ngân hàng đầu tư này, nhờ việc cắt giảm viện trợ trên, Caracas cũng đã giảm được mức dự báo thiếu hụt ngoại tệ trong năm nay từ mức 30 tỷ USD xuống 22,6 tỷ USD.
Theo tính toán của hãng tư vấn Petrologistics, Caracas đã mất tới 50 tỷ USD trong một thập kỷ qua để viện trợ dầu thô cho các nước trong khu vực.
Điểm đáng chú ý là việc Cuba - đồng minh thân cận nhất của Venezuela hiện tại, cũng không phải ngoại lệ của chính sách cắt giảm này, và xu hướng trên càng được đẩy nhanh kể từ tháng 8/2014, khi giá dầu thô bắt đầu đà giảm mạnh. Theo văn bản trên, kể từ thời điểm trên, Cuba chỉ nhận khoảng 55.000 thùng dầu thô/ngày.
Trong khi đó, báo cáo chính thức của Bộ Dầu khí Venezuela mới công bố, lượng dầu thô mà quốc gia này chuyển cho Cuba trong cả năm 2014 đạt mức trung bình 77.000 thùng/ngày.
Xét về số lượng, cắt giảm đối với Cuba là lớn nhất và điều này có thể xuất phát từ việc các nước trong dự án PetroCaribe vẫn trả một phần lượng dầu nhận được bằng tiền mặt, trong khi La Habana hoàn toàn “thanh toán” bằng việc gửi bác sỹ, giáo viên, huấn luyện viên thể thao và cố vấn quân sự tới Venezuela.
Tuy nhiên, viện trợ cho Cộng hòa Dominicana và Jamaica, hai nước nhận tới gần nửa lượng dầu Venezuela cung cấp cho PetroCaribe, cũng giảm lần lượt 56% và 74% so với mức cao nhất năm 2012.
Venezuela đang trải qua thời kỳ biến động rất bất thường: sau một thập kỷ thu được nguồn lợi lớn nhờ dầu lửa, họ rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất, do bộ máy sản xuất suy sụp và giá dầu thô “rơi tự do.”
Do nhà nước khan hiếm ngoại tệ, người dân Venezuela đang đối diện mức độ thiếu hụt nhu yếu phẩm tới hơn 50%, và mỗi ngày phải mất hàng giờ xếp hàng trước các siêu thị đã gần như trống trơn.
Trong suốt một thập kỷ rưỡi qua, chính phủ Venezuela đã ồ ạt quốc hữu hóa các doanh nghiệp lớn nhất trong các lĩnh vực kinh tế then chốt, với ý đồ kế hoạch hóa và biến đổi cơ cấu kinh tế ngành dầu khí.
Tuy nhiên, những gì diễn ra trong thực tế lại hoàn toàn theo hướng ngược lại, khi hoạt động của hầu như tất cả các cơ sở sản xuất này đều đi xuống do quan liêu, thiếu kinh nghiệm điều hành, v.v.. Và rốt cục, kinh tế của Venezuela càng phụ thuộc vào ngành dầu khí hơn, mà bản thân ngành này dù nhận được hàng tỷ USD đầu tư mỗi năm, vẫn chỉ có sản lượng ngang mức năm 1998./.