Ngày 26/11, Chính phủ cánh tả của Venezuela và phe đối lập đã ký kết "thỏa thuận bảo trợ xã hội," trong bối cảnh hai bên nối lại các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng.
Cuộc khủng hoảng đã trở nên tồi tệ hơn ở Venezuela, kể từ khi Tổng thống nước này, ông Nicolas Maduro, tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2018.
Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard cho biết hai bên đạt được thỏa thuận trong các cuộc đàm phán được tổ chức tại Mexico, nhấn mạnh thỏa thuận là "hy vọng cho tất cả các nước Mỹ Latinh."
[Chính phủ Venezuela và phe đối lập chuẩn bị nối lại đàm phán]
Mỹ đã có phản ứng nhanh chóng với sự việc này bằng cách nới lỏng các biện pháp trừng phạt mà nước này đã áp đặt đối với ngành dầu mỏ của Venezuela, tuyên bố sẽ cho phép tập đoàn Chevron của Mỹ nối lại các hoạt động khai thác dầu hạn chế ở Venezuela.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết đây là "một thỏa thuận nhân đạo liên quan tới giáo dục, y tế, an ninh lương thực, ứng phó với lũ lụt và các chương trình sản xuất điện sẽ mang lại lợi ích cho người dân Venezuela."
Thỏa thuận đạt được ngày 26/11 đánh dấu bước đột phá sau 15 tháng bế tắc giữa Chính quyền Tổng thống Maduro và phe đối lập. Các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Venezuela đã được tiếp thêm sức mạnh khi nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Venezuela là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới./.