Ngày 9/3, Phó Tổng thống phụ trách Kinh tế Venezuela Miguel Pérez tuyên bố hệ thống hối đoái mới của quốc gia Nam Mỹ này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 10/3.
Thay cho hệ thống ba tỷ giá chính thức như hiện tại, hệ thống mới chỉ bao gồm hai tỷ giá, trong đó có một tỷ giá cố định “được bảo hộ” ở mức 10 bolivar/1 USD, và một tỷ giá thả nổi theo nhu cầu thị trường, sẽ khởi động ở mức 206 bolivar/1 USD.
Phó Thủ tướng Pérez cam kết Caracas sẽ thực hiện mọi nghĩa vụ tài chính quốc tế của mình và khẳng định Venezuela không gặp khó khăn trong việc chi trả các khoản nợ bất chấp tình trạng kinh tế khẩn cấp hiện tại.
Chi tiết về hệ thống hối đoái mới của Venezuela sẽ được đăng trên Công báo ngày 10/3. Trong hơn một thập kỷ qua, Caracas áp dụng chính sách kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua bán ngoại tệ.
Kế hoạch áp dụng hệ thống tỷ giá hối đoái mới của Venezuela đã được Tổng thống nước này Nicolas Maduro thông báo từ trung tuần tháng Hai vừa qua. Tỷ giá do nhà nước quản lý phục vụ nhập khẩu những nhu yếu phẩm ưu tiên trong nền kinh tế quốc gia và một tỷ giá hối đoái thả nổi mang tên Simandi do thị trường điều tiết.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định đây là một quyết định quan trọng trong chính sách tiền tệ của Venezuela thay đổi chính sách được áp dụng từ tháng 2/2015 với ba tỷ giá chính thức, gồm Cencoex (6,3 bolivar/1 USD, dành cho việc nhập khẩu các nhu yếu phẩm của doanh nghiệp nhà nước), SICAD (13 bolivar/1 USD) và SIMADI (200 bolivar/1 USD) nhằm “cạnh tranh” với thị trường ngoại tệ chợ đen. Tỷ giá hối đoái trên thị trường chợ đen hiện lên tới hơn 900 bolivar/1 USD.
Venezuela đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng do giá dầu mỏ, mặt hàng chiếm tới 96% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này, lao dốc trong hơn một năm qua. Mức suy giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm ngoái lên tới 5% khiến kinh tế Venezuela càng thêm khó khăn.
Nhằm đưa ra các biện pháp ứng phó linh hoạt hơn với tình trạng khủng hoảng kinh tế, Tổng thống Maduro mới đây đã ban bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế, nhưng Quốc hội - do phe đối lập kiểm soát, đã bác bỏ sắc lệnh vì cho rằng chính phủ không có những giải pháp cụ thể. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lạm phát của Venezuela có thể tăng lên 720% trong năm 2016./.