Vén màn bí mật về mạng vệ tinh gián điệp đặc biệt mà SpaceX đang xây dựng

Theo các nguồn tin, công ty hàng không vũ trụ SpaceX của Elon Musk đã ký bản hợp đồng mật trị giá 1,8 tỷ USD với Phòng Do thám Quốc gia Mỹ, cơ quan tình báo quản lý các vệ tinh do thám.
Tên lửa Falcon 9 của SpaceX mang theo 60 vệ tinh Starlink rời bệ phóng tại Căn cứ Không quân Mũi Canaveral ở bang Florida (Mỹ), hồi tháng 2/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hãng tin Reuters hôm 16/3 đã có bài viết gây chú ý với nội dung nói rằng công ty hàng không vũ trụ SpaceX đang xây dựng một mạng lưới gồm hàng trăm vệ tinh gián điệp, theo một hợp đồng bí mật kỳ với cơ quan tình báo Mỹ. Reuters dẫn "5 nguồn tin quen thuộc với chương trình vệ tinh gián điệp" khi đưa ra thông tin trên, nói rằng công ty thuộc sở hữu của tỷ phú Elon Musk có quan hệ chặt chẽ với các cơ quan an ninh quốc gia Mỹ.

Những nguồn tin nêu trên nói rằng mạng vệ tinh gián điệp đang được đơn vị kinh doanh Starshield của SpaceX xây dựng theo bản hợp đồng trị giá 1,8 tỷ USD được ký vào năm 2021 với Phòng Do thám Quốc gia (NRO), một cơ quan tình báo chuyên quản lý các vệ tinh gián điệp.

Họ nhận định rằng bản hợp đồng cũng cho thấy SpaceX đang tạo dựng sự tin tưởng ngày càng lớn đối với giới tình báo, bất chấp việc chủ sở hữu công ty từng có những màn cãi vã với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden liên quan tới việc sử dụng kết nối vệ tinh Starlink trong cuộc chiến ở Ukraine.

Hiện Reuters không thể xác định khi nào mạng lưới vệ tinh mới sẽ hoạt động, cũng như có những công ty nào khác ngoài SpaceX tham gia chương trình.

Sau khi tin tức xuất hiện trên mặt báo, NRO đã thừa nhận việc có phát triển một hệ thống vệ tinh phức tạp, cũng như việc cơ quan này có hợp tác với các cơ quan chính phủ, công ty, tổ chức nghiên cứu và quốc gia khác để xây dựng hệ thống. Tuy nhiên NRO từ chối bình luận về phát hiện của Reuters liên quan tới SpaceX.

Theo các nguồn tin, nếu thành công, chương trình sẽ nâng cao đáng kể khả năng của chính phủ và quân đội Mỹ trong việc nhanh chóng phát hiện các mục tiêu tiềm năng ở hầu hết mọi nơi trên thế giới.

Cụ thể, các vệ tinh gián điệp trong hệ thống mới có thể theo dõi nhiều mục tiêu trên mặt đất và chia sẻ dữ liệu đó với các quan chức quân sự, tình báo Mỹ. Về nguyên tắc, điều này sẽ cho phép chính phủ Mỹ nhanh chóng ghi lại hình ảnh được phát liên tục, về các hoạt động trên mặt đất ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, qua đó hỗ trợ mạnh hoạt động tình báo và quân sự.

Ba nguồn tin cho Reuters biết rằng khoảng một chục vệ tinh mẫu đã được phóng lên không gian kể từ năm 2020 bằng tên lửa Falcon 9 của SpaceX. Tất cả các nguồn tin đều yêu cầu giấu tên, vì họ không được phép thảo luận về chương trình của chính phủ Mỹ.

Lầu Năm Góc lâu nay vẫn là một khách hàng lớn của SpaceX. Cơ quan này sử dụng tên lửa Falcon 9 để phóng các thiết bị quân sự lên vũ trụ.

Một trong những nguồn tin cho Reuters biết rằng vệ tinh nguyên mẫu đầu tiên của Starshield, được phóng vào năm 2020, là một phần của bản hợp đồng riêng trị giá khoảng 200 triệu USD, đã giúp SpaceX giành được giải thưởng sau đó lên tới 1,8 tỷ USD.

Theo kế hoạch mà Reuters biết được, mạng vệ tinh gián điệp Starshield hoạt động tách biệt với mạng vệ tinh Starlink. Đây là hệ thống gồm khoảng 5.500 vệ tinh của SpaceX hoạt động trong không gian với chức năng cung cấp kết nối Internet băng thông rộng tới khách hàng trên quy mô toàn cầu.

Có thể nói rằng Starshield là một trong những hệ thống giám sát mà chính phủ Mỹ mong muốn sở hữu từ lâu, bởi nó được thiết kế để cung cấp khả năng theo dõi liên tục, rộng khắp và nhanh chóng nhất về các hoạt động trên Trái đất. “Không ai có thể ẩn náu khỏi hệ thống này”, một trong những nguồn tin nói về khả năng tiềm tàng của hệ thống.

Mạng vệ tinh gián điệp Starshield là một phần trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và các đối thủ để trở thành cường quốc quân sự thống trị không gian. Các nước lớn hiện làm việc này bằng cách chuyển dần hoạt động do thám không gian từ các vệ tinh to lớn, đắt tiền và hoạt động ở quỹ đạo cao xuống một mạng lưới rộng lớn, nhiều vệ tinh nhỏ hơn, hoạt động ở quỹ đạo thấp. Hệ thống vệ tinh gián điệp mới có khả năng cung cấp hình ảnh Trái đất nhanh hơn và gần như liên tục so với hệ thống vệ tinh gián điệp cũ.

Ngoài Mỹ, Trung Quốc cũng có kế hoạch bắt đầu xây dựng các hệ thống vệ tinh gián điệp ở quỹ đạo thấp của riêng mình. Mỹ cũng từng cảnh báo về các mối đe dọa của vũ khí không gian do Nga sở hữu, với khả năng vô hiệu hóa toàn bộ mạng lưới vệ tinh gián điệp hoạt động trên quỹ đạo cao của nước này.

Starshield được xây dựng nhằm mục đích sống sót tốt hơn trước các cuộc tấn công từ những nước có năng lực không gian mạnh.

Mạng lưới này cũng nhằm mục đích mở rộng đáng kể khả năng viễn thám của chính phủ Mỹ. Nó sẽ gồm các vệ tinh lớn có cảm biến hình ảnh mạnh, cũng như một số lượng lớn hơn các vệ tinh khác đóng vai trò chuyển tiếp dữ liệu hình ảnh và thông tin, bằng cách sử dụng tia laser để liên lạc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục