Vén màn bí ẩn về miệng hố khổng lồ ở "nơi tận cùng thế giới"

Theo một nhà khoa học Mỹ, lượng khí methane lớn được thải vào khí quyển Siberia có thể có liên quan tới những miệng hố lớn xuất hiện một cách bí ẩn tại đây.
Vén màn bí ẩn về miệng hố khổng lồ ở "nơi tận cùng thế giới" ảnh 1Miệng hố khổng lồ xuất hiện đầy bí ẩn ở Siberia. (Nguồn: ibtimes.co.uk)

Theo một nhà khoa học Mỹ, lượng khí methane lớn được thải vào khí quyển Siberia có thể có liên quan tới những miệng hố lớn xuất hiện một cách bí ẩn tại đây.

Tờ International Business Times dẫn lời tiến sỹ Jason Box, chuyên gia nghiên cứu về sông băng tại viện Khảo sát Địa chất Đan Mạch và Greenland, cho biết ông đã tập trung vào mức độ gia tăng khí methane trên bề mặt cảnh quan để lý giải sự hình thành miệng hố khổng lồ.

Theo những thông tin đăng tải trên blog của tiến sỹ Box, việc xuất hiện các miệng hố này có liên quan tới sự biến đổi khí hậu: lớp băng vĩnh cửu Siberia đang tan chảy, cho phép các loại khí nhà kính thoát ra, tạo nên các lỗ lớn.

 

Sử dụng những dữ liệu thu được từ một trạm quan trắc khí hậu trên mặt đất tại Tiksi, một thị trấn nhỏ thuộc Cộng hòa Sakha bên bờ biển Bắc Băng Dương, tiến sỹ Box đã phát hiện ra mức khí methane cao bất thường. Hơn nữa, các quan sát của ông còn được củng cố thêm nhờ những dữ liệu tương tự tại các trạm quan trắc ở Alaska và Canada.

 

Tiến sỹ Box gọi những sự gia tăng đột biến khí methane này là "hơi thở của rồng".

 

Cho tới nay đã có tổng cộng 3 miệng hố lớn được phát hiện. Hố đầu tiên có chiều rộng 80m, được tìm thấy cách thành phố Moskva khoảng 2.900km về phía đông, trên một lớp băng vĩnh cửu thuộc bán đảo Yamal - tên của khu vực này dịch ra có nghĩa là "nơi tận cùng của thế giới".

Một hố khác với đường kính 15m cũng được tìm thấy ở Yamal, vùng đất đóng băng vĩnh cửu thuộc khu vực miền bắc nước Nga, cách Bovanenkovo - mỏ khí đốt lớn nhất nước này - khoảng 40 km.

 

Miệng hố thứ 3 có đường kính 4m, được phát hiện cách bán đảo Taymyr hàng trăm cây số về phía đông.

 

Theo Andrey Plekhanov, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Khoa học Nga về Nghiên cứu Bắc Cực, những miệng hố này đã xuất hiện trong vòng 24 tháng qua.

 

"Chúng tôi có thể chắc chắn rằng những miệng hố chỉ mới xuất hiện khá gần đây, có lẽ khoảng 1 hoặc 2 năm về trước."

 

Methane là những gì còn lại sau một sự kiện xảy ra khoảng 50 triệu năm trước, khi loài dương xỉ phát triển cực kỳ mạnh mẽ để tạo nên thế giới chúng ta ngày nay. Sự bùng nổ của loài dương xỉ đã hút carbon dioxide ra khỏi không khí và thay thế nó bằng oxy.

 

Song biến đổi khí hậu có thể làm đảo ngược quá trình này. Methane bị mắc kẹt dưới lớp băng vĩnh viễn đang dần tan chảy ở Siberia đang bị thoát ra ngoài khí quyển.

 

"Những nghiên cứu về vật lý khí hậu và những quan sát gần đây đã cho tôi biết rằng, nếu chúng ta không hạ được mức carbon trong khí quyển xuống và làm mát Bắc Cực, thì trong tương lai, chúng ta có thể sẽ khiến những kho carbon lớn này phát tán ra khí quyển, và biến Trái Đất thành một nhà kính khổng lồ, tiêu diệt sự tồn tại của con cái chúng ta," tiến sỹ Box viết.

 

Tương tự như những hố lớn tại Siberia, đã có những ghi nhận về việc các bong bóng khí methane nổi lên bề mặt Bắc Băng Dương từ năm 2011.

 

"Sự phát tán methane trong khí quyển là một vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều so với sự phát tán khí carbon dioxide, bởi methane mạnh hơn khí nhà kính tới khoảng 20 lần," tiến sỹ cho biết.

 

Viện Băng quyển Trái Đất đã tiến hành nghiên cứu về những hố lớn này. Nhà khoa học Marina Leibman cho biết: "Tôi đã nghe nói nhiều về hố thứ hai ở Yamal, quận Taz, và đã xem những hình ảnh về nó.

 

"Chắc chắn chúng ta phải nghiên cứu về những hố này. Việc này là cần thiết để có thể dự đoán trước lần xảy ra tiếp theo," chị cho biết thêm. "Mỗi hố mới lại cung cấp thêm thông tin cho các nhà khoa học."/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục