Về vụ chạy thận: Đưa ra nhiều bằng chứng Hoàng Công Lương vô tội

Theo các luật sư, bản luận tội của Viện Kiểm sát cho rằng bị cáo Hoàng Công Lương gây thiệt hại cho Nhà nước, phải đầu tư lại hệ thống máy móc của bệnh viện là vô căn cứ.
Các bị cáo tại phiên tòa vào sáng 23/5. (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN)

Ngày 25/5, phiên tòa xét xử vụ tai biến y khoa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ 9.

Hội đồng xét xử tiếp tục phần tranh luận đối với ba bị cáo: Bùi Mạnh Quốc, Trần Văn Sơn, Hoàng Công Lương trong vụ án chạy thận xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 9 người tử vong.

Phiên tòa ngày 25/5 tập trung vào phần tranh luận liên quan đến cáo buộc bị cáo Hoàng Công Lương về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”

Bên cạnh việc chỉ ra nhiều bằng chứng để chứng minh bị cáo Hoàng Công Lương vô tội, các luật sư đã chỉ ra hàng loạt chứng cứ cho thấy có sự buông lỏng trong cả quá trình điều tra, thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra và tố tụng cũng như sự buông lỏng trong quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Y tế) dẫn đến việc quy kết trách nhiệm cho các bị cáo một cách thiếu khách quan và sai quy trình.

[Xuất hiện chứng cứ có thể thay đổi bản chất vụ án Hoàng Công Lương]

Theo các luật sư, bản luận tội của Viện Kiểm sát cho rằng bị cáo Hoàng Công Lương gây thiệt hại cho Nhà nước, phải đầu tư lại hệ thống máy móc của bệnh viện là vô căn cứ, bởi quá trình xét hỏi cho thấy nếu có báo cáo, cũng không có hình thức nào để kiểm tra lại chất lượng nguồn nước, hậu quả chết người vẫn xảy ra. Trong khi đó, nhiệm vụ của bác sỹ là phải y lệnh điều trị cho bệnh nhân.

Phần bào chữa của Luật sư Trần Hồng Phúc (người bào chữa cho bị cáo Lương) được rất nhiều người tham dự phiên tòa quan tâm, đồng tình.

Theo Luật sư Phúc, hiện chưa có quy chế hoạt động nào được Bộ Y tế ban hành cho đơn nguyên thận nhân tạo. Bộ Y tế cũng chưa có quy chế quy chuẩn cho quy trình quản lý nước RO dùng trong chạy thận nhân tạo. Kể cả quy trình kiểm tra chất lượng nước AAMI là cơ sở để kết tội bị cáo cũng được Vụ pháp chế trả lời là không bắt buộc.

Các luật sư cùng nhận định chung, vụ tai biến y khoa này một phần cũng xuất phát từ sự buông lỏng quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Bộ Y tế, Sở Y tế Hòa Bình.

Do đó, các luật sư khẩn thiết đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước hãy đi tìm sự thật đến cùng, không chỉ để bào chữa cho các bị cáo mà quan trọng hơn là để bảo đảm an toàn cho mọi bệnh nhân chạy thận, để không xảy ra sự cố thứ hai như tại Hòa Bình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục