Tình yêu biển cả và trên hết là tình yêu quê hương đất nước đã gắn kết những người con đất Việt một lòng thủy chung với Trường Sa, mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc.
Quá khứ đau thương và hào hùng đã đi qua, biết bao mồ hôi, công sức của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ, quân và dân Trường Sa đã đổ xuống, biến những đảo đá khô cằn năm xưa trở thành Trường Sa hôm nay xanh mướt một màu.
Cây cối sinh sôi nảy nở, những “thành phố” thu nhỏ tràn đầy sức sống vươn lên mạnh mẽ giữa biển nước bao la, từng bước xây dựng Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ký ức hào hùng
Trong hải trình đến với Trường Sa qua các đảo Sinh Tồn, Cô Lin, Núi Le B, Tốc Tan B, Đá Tây A, Trường Sa và Nhà giàn DK 1/2 (Phúc Tần)…, các đoàn công tác được sống lại ký ức đau thương nhưng anh dũng và tự hào trong công cuộc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc của cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam.
Cách bán đảo Cam Ranh 315 hải lý, đảo Sinh Tồn chạy dài theo hướng Đông - Tây, nằm trên bãi san hô ngập nước, độ cao trung bình của đảo so với mực nước biển lúc thấp nhất từ 2,5-3m.
Nơi đây, trong Chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 lịch sử, ngày 29/3/1975, đội 1 Đặc công nước Đoàn 126 Đặc công Hải quân được tăng cường 3 tàu vận tải của Lữ đoàn 125 và một số vũ khí trang bị do Trung tá Mai Năng, Đoàn trưởng 126 trực tiếp chỉ huy, được giao nhiệm vụ giải phóng Trường Sa.
Sau khi lực lượng của ta giải phóng đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, quân địch trên đảo Sinh Tồn hoang mang dao động, đã rút chạy từ sáng 27/4/1975. Lực lượng Hải quân Việt Nam đổ bộ lên đảo thuận lợi, đúng 10 giờ 30 phút ngày 28/4/1975, đã làm chủ đảo hoàn toàn.
Góp phần vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đảo Trường Sa đã từng in dấu ấn của các con tàu thuộc đoàn tàu không số trên con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển năm xưa, chi viện vũ khí trang bị cho chiến trường, chia lửa với miền Nam ruột thịt.
Trận chiến Gạc Ma hay còn gọi là hải chiến Trường Sa 1988 nổ ra vào ngày 14/3/1988 tại vùng biển đảo Cô Lin-Len Đao-Gạc Ma là khúc bi tráng, minh chứng rõ nét phẩm chất những chiến sỹ cách mạng kiên trung, những người con ưu tú của đất nước không hề run sợ trước quân thù, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường chiến đấu, bảo vệ đảo, bảo vệ chủ quyền.
Trong trận chiến này, 64 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, quyết tử để bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên vùng biển đảo quê hương. Trận chiến đã có nhiều tấm gương tiêu biểu ngời sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Đó là cán bộ, chiến sỹ tàu HQ505, HQ604, HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125; cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 146, Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân, là những tập thể đã chiến đấu anh dũng, kiên cường với tinh thần chủ quyền Tổ quốc là bất khả xâm phạm, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, kiên quyết chiến đấu và chấp nhận hy sinh.
Đó là Anh hùng liệt sỹ Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sỹ, Đại úy Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng Tàu HQ604; Anh hùng liệt sỹ, Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước sự tấn công của kẻ thù vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo.
Trước lúc hy sinh, anh đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội “Không được lùi bước, phải để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng.”
Anh hùng, thuyền trưởng, Thiếu tá Vũ Huy Lễ trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy tàu HQ505 vừa nổ súng chiến đấu vừa nhanh chóng cho tàu lao lên bãi ngầm Cô Lin, để con tàu trở thành pháo đài, trở thành cột mốc sống khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm.
Tinh thần chiến đấu của 64 liệt sỹ Gạc Ma là một nốt son trong lịch sử dân tộc, mà thế hệ hôm nay và mai sau khắc cốt ghi tâm, để các lớp con cháu biến đau thương thành hành động, xây dựng Trường Sa ngày càng khang trang, hiện đại.
Khát khao xây dựng đảo
Trường Sa hôm nay đã có cơ sở hạ tầng khang trang hiện đại, nhiều công trình động lực, trọng điểm, nhà ở và trường học, trung tâm y tế, trạm xá, các thiết chế văn hóa… được đầu tư xây dựng; đời sống của nhân dân, cán bộ, chiến sỹ ngày càng cải thiện.
Để có được điều này, có sự đóng góp mồ hôi, công sức và sự hy sinh thầm lặng của quân và dân Trường Sa, những người coi “đảo là nhà, biển cả là quê hương.”
Đó là những sỹ quan, chiến sỹ Hải quân cống hiến trọn tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng; những người thầy xung phong dạy học ở đảo xa; những chiến sỹ quân y vượt khó, bám trụ để làm chỗ dựa cho ngư dân vươn khơi bám biển; những thủy thủ tàu kiểm ngư dạn dày sóng gió, vừa làm nhiệm vụ tuần tra, đưa đón các đoàn công tác, vừa cứu hộ, cứu nạn; những người dân ra đảo xa đồng hành với các chiến sỹ xây dựng cuộc sống mới trên đảo.
Thượng úy Nguyễn Văn Lâm, Trung đội trưởng thuộc Lữ đoàn 131 Hải quân (sinh năm 1997, quê Hà Tĩnh) đang công tác tại đảo Tốc Tan tự hào vì mình đã tiếp nối truyền thống gia đình.
“Những câu chuyện của cha kể về thời chiến đấu anh dũng, thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia đã đưa tôi đến con đường binh nghiệp sau khi tốt nghiệp Trường Sỹ quan Công binh. Đây là môi trường lý tưởng để tôi rèn luyện thực hiện ước mơ của mình trở thành người lính Hải quân đúng như nguyện vọng và điều mong mỏi của gia đình,” Thượng úy Nguyễn Văn Lâm chia sẻ.
Cuộc sống trên đảo còn thiếu thốn, thời tiết khắc nghiệt, cường độ huấn luyện cao là thử thách đối với các chiến sỹ trẻ. Ngoài nhiệm vụ chính trị là huấn luyện chiến sỹ trên đảo, Thượng úy Nguyễn Văn Lâm còn giúp các tân binh trưởng thành trong môi trường quân ngũ, xây dựng tập thể đoàn kết, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tình yêu biển đảo và mong muốn được hành trình trên những con tàu đã đưa Hoàng Ngọc Chung đến với Học viện Hải quân. Sau khi tốt nghiệp, Chung đầu quân về lực lượng kiểm ngư, hiện là thuyền trưởng tàu KN 390 thuộc chi đội kiểm ngư số 3. Hoàng Ngọc Chung tâm sự, đã nhiều lần đưa các đoàn công tác đi qua vùng biển đảo Cô Lin-Len Đao-Gạc Ma, nhưng anh không kìm được cảm xúc, ứa nước mắt mỗi lần dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh bảo vệ đảo, bảo vệ chủ quyền.
“Bảo vệ chủ quyền biển đảo là trách nhiệm và tâm huyết của mỗi người dân Việt Nam, với bản thân tôi cũng vậy. Đây chính là động lực để chúng tôi vượt qua mọi áp lực, khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, là chỗ dựa cho ngư dân bám biển,” Hoàng Ngọc Chung nói.
Thủy thủ trưởng tàu KN 390 Phan Hồng Trung đã có 28 công tác trong ngành kiểm ngư cho biết: "Chúng tôi thường xuyên gặp các tình huống cứu hộ, cứu nạn, nhất là vào thời điểm cuối năm “sóng to, gió lớn.”
Chúng tôi phải dựa vào kinh nghiệm của mình để xử lý các tình huống khó khăn trên biển. Với kinh nghiệm của nhiều năm đi biển, anh cùng với các thủy thủ đã cứu nạn thành công nhiều tàu cá gặp nạn. Tôi nhớ nhất là lần cứu hộ thành công tàu cá của Quảng Bình gặp nạn trong thời tiết xấu, giữa đêm khuya rất nguy hiểm ở khu vực Đông Bắc đảo Cồn Cỏ, vào cuối năm 2023. Khi tiếp cận, cứu hộ thành công tàu, anh em thủy thủy tàu KN 390 đã rất vui mừng."
Hơn 11 năm đi khắp các đảo lớn, nhỏ, làm chỗ dựa y tế cho người dân, y sỹ Nguyễn Văn Thắng (quê Thanh Oai, Hà Nội) vừa nhận nhiệm vụ tại Bệnh xá đảo Đá Tây A.
“Trang thiết bị ở đây còn thô sơ, hiện đại nhất là máy siêu âm xách tay để khám, điều trị, cấp cứu ban đầu cho người dân. Do đó, những trường hợp vượt quá khả năng điều trị sẽ được chuyển đến đảo Trường Sa lớn để cấp cứu, có thêm bác sỹ, điều dưỡng và trang thiết bị y tế đầy đủ hơn, việc thăm khám sức khỏe cho ngư dân tốt hơn rất nhiều," y sỹ Thắng cho biết.
Với khao khát mang con chữ đến với con trẻ vùng biển đảo xa xôi, thầy giáo Phan Quang Tuấn, có 37 năm công tác trong ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, đã tới dạy học cho các học sinh trên đảo Sinh Tồn. “Việc dạy và học ở đảo thiếu thốn hơn nhiều so với đất liền, không có công nghệ thông tin nên không thể cập nhật được ngay những đổi mới để dạy cho các em nhỏ. Đây là điều mà tôi trăn trở nhất để giúp các em theo kịp chương trình với các bạn trong đất liền,” thầy giáo Phạm Quang Tuấn tâm sự.
Mặc dù thời tiết biển đảo khắc nghiệt, còn nhiều thiếu thốn, nhưng không ngăn được tình yêu của quân và dân Trường Sa với biển đảo, họ coi “đảo là nhà, biển cả là quê hương.”
Người dân Trường Sa đi lễ chùa để cầu sức khỏe, may mắn, hạnh phúc; tích cực hưởng ứng phong trào "xanh hóa" Trường Sa, trồng cây bóng mát, rau xanh, chăn nuôi để cải thiện đời sống. Ở đảo, trẻ em được đến trường, người dân được chăm sóc, điều trị tại cơ sở y tế. Các hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể thao, giao lưu thắm đượm tình quân, dân thường xuyên được tổ chức, góp phần gắn kết quân, dân trong ngôi nhà chung, cùng nhau xây dựng Trường Sa ngày càng khang trang, tươi đẹp.
Dưới tán bàng vuông, những người dân đảo Trường Sa lớn thường ngồi hàn huyên chia sẻ chuyện nhà, chuyện đảo, bên cạnh những đứa trẻ vui chơi, chạy nhảy tung tăng. Những người dân ở đây vui vẻ cho biết, môi trường ở đảo, kể cả việc không có internet lại rất phù hợp cho sự phát triển của trẻ. Việc học hành của các cháu được huyện đảo Trường Sa quan tâm nên các gia đình không còn phải băn khoăn, lo lắng.
Là một trong các hộ dân sinh sống ở đảo Sinh Tồn, chị Hồ Thị Bích Liên (32 tuổi) cho biết, cứ hai tháng một lần, có tàu chở đồ từ đất liền mang các nhu yếu phẩm cần thiết ra đảo, đồ tươi cũng có sẵn mỗi khi ngư dân cập bờ; rau xanh thì các gia đình đã có thể tự cung, tự cấp. Ở đây, thời tiết khắc nghiệt nhưng mọi người đều nỗ lực khắc phục khó khăn.
“Lúc đầu ra đảo mênh mông sóng nước thấy sợ, nhưng ở gần 1 năm thì yên tâm hơn rất nhiều. Nếu được, tôi muốn ở lại đảo lâu dài,” chị Liên bày tỏ.
Trong chuyến công tác thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa của Đoàn công tác số 8 vào trung tuần tháng 4/2024, Đại tá Trần Đức Cảnh, Phó Tham mưu trưởng Hải quân khẳng định, phong trào “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước” đang có giá trị và sức sống mãnh liệt, làm cho đảo gần hơn với đất liền.
Đáp lại tình cảm và lòng mong đợi của cả nước, Quân chủng Hải quân đã và đang nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, xây dựng mỗi đảo, điểm đảo, nhà giàn thực sự “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường và mẫu mực về quan hệ quân dân”…
Qua chuyến đi, các đại biểu được chứng kiến sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc, không chỉ của các thế hệ chiến sỹ Hải quân mà còn là kết quả to lớn của các phong trào rộng lớn mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã hướng về biển, đảo thân yêu của Tổ quốc.
Thăm, động viên cán bộ, chiến sỹ, nhân dân Trường Sa và Nhà giàn DK1
Nhiều phần quà thiết thực đã được Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng đến quân, dân trên các đảo, nhà giàn với tổng giá trị các phần quà là gần 42 tỷ đồng.
Điểm cuối hành trình của Đoàn công tác số 8 là Nhà giàn DK1/2 (Phúc Tần), được ví như con mắt biển, canh giữ chủ quyền biển đảo. May mắn được tận mắt chứng kiến cuộc sống trên nhà giàn của người lính Hải quân và cán bộ đèn biển, các đại biểu Đoàn công tác thật sự cảm phục trước ý chí quyết tâm cao, kiên cường trước sóng gió, trấn giữ vùng biển chủ quyền, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc của những người lính Hải quân.
Ở nơi chênh vênh giữa mênh mông sóng cả, nhìn lên là bầu trời, nhìn xuống là biển sâu thăm thẳm, có những người lính chấp nhận xa gia đình, bám trụ nhà giàn hàng chục năm, kiên cường, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vùng biển Tổ quốc.
“Chúng tôi rất hồi hộp, cảm động mỗi khi có đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên, mang hơi ấm tình thân, tình người đến với hải đảo xa xôi. Đây là nguồn cổ vũ lớn lao, giúp anh em nhà giàn thêm vững tâm công tác xa nhà, hoàn thành tốt nhiệm vụ canh giữ chủ quyền biển đảo,” lời tâm sự của anh Nguyễn Mạnh Hiệp, sinh năm 1986, quê Hải Phòng, cán bộ đèn biển tại Nhà giàn DK 1/2 trước khi chia tay chúng tôi như một lời nhắn nhủ với đất liền, hãy không ngừng sát cánh, chung tay cùng với những người lính Hải quân để xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.