Về thăm làng múa rối nước Hồng Phong hơn 300 năm tuổi

Theo lời mời gọi, “dẫn dụ” của chú Tễu, du khách bước vào thế giới riêng - mộc mạc nhưng đầy bí ẩn của nghệ thuật múa rối nước Hồng Phong (Hải Dương) có lịch sử hơn 300 năm.
Về thăm làng múa rối nước Hồng Phong hơn 300 năm tuổi ảnh 1Thủy đình ở làng múa rối nước Hồng Phong (Ảnh: A.N/Vietnam+)

“Phường chúng tôi có đủ mọi trò: từ ‘Vinh quy bái tổ,’ ‘Cắm cờ hội,’ ‘Tiên mời trầu’ cho đến ‘Đấu vật,’ ‘Múa rắn,’ ‘Chọi trâu’… Đến đây xem, trò gì cũng có, bà con ơi...!”

Nhân vật Tễu khéo léo mời gọi, “dẫn dụ” du khách vào thế giới riêng - mộc mạc nhưng đầy bí ẩn của nghệ thuật múa rối nước Hồng Phong (thôn Dương, xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang, Hải Dương).

Khi nông dân làm… nghệ sỹ

Bước lên từ ngôi thủy đình, ông Ngô Duy Thành (66 tuổi) vui vẻ bảo: “Các bạn gọi chúng tôi là nghệ sỹ cũng được mà gọi là nông dân cũng chẳng sai!”

Hỏi ra mới biết, những đôi bàn tay vừa điều khiển những chú rối một cách thuần thục, điêu luyện ấy vẫn ngày ngày tất bật với công việc nhà nông. “Hằng ngày, chúng tôi vẫn ra đồng sớm; đến khoảng 9 giờ sáng thì về biểu diễn múa rối nước cho du khách thập phương,” nói rồi, ông Thành nở nụ cười hiền hậu.

Theo lời kể của ông, các bậc cao niên ở địa phương cũng không biết chính xác nghệ thuật múa rối nước Hồng Phong có từ bao giờ và tổ nghề là ai. Dựa vào những họa tiết, hoa văn trang trí (khắc hình chú Tễu leo cột, sóc leo cây…) tại đình làng Bồ Dương (được xây dựng vào thế kỷ 17), lớp hậu sinh đoán định rằng, múa rối nước Hồng Phong ra đời cách đây hơn 300 năm.

“Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, múa rối nước Hồng Phong vẫn được khán giả yêu mến và khẳng định được vị trí riêng bởi nó có những đặc điểm riêng, khác biệt hoàn toàn so các địa phương khác,” nghệ nhân Ngô Duy Thành chia sẻ.

Nghệ nhân các phường múa rối khác thường điều khiển con rối bằng hệ thống sào (hoặc một hệ thống có sự kết hợp của cả dây và sào: sau khi sào đưa con rối ra xa buồng trò, dây sẽ được giật để tạo ra những động tác, cử chỉ của con rối).

Trong khi đó, với những tích trò mang thương hiệu “múa rối nước Hồng Phong,” con rối hoàn toàn chịu sự điều khiển của nghệ nhân thông qua hệ thống dây và cọc âm được đóng dưới lòng hồ.

Không chỉ có vậy, điểm đặc biệt của múa rối Hồng Phong còn nằm ở việc tạo tác những con rối. Đó không chỉ là những sản phẩm điêu khắc có tính thẩm mỹ mà còn phải đảm bảo độ chính xác cao vể mặt kỹ thuật,” ông Vũ Doãn (77 tuổi) - một trong những nghệ nhân cao tuổi nhất của phường múa rối này chia sẻ.

Các nghệ nhân vẫn tự tay chế tác ra những con rối sử dụng trong các tích trò. Tuy nhiên, theo bậc cao niên ấy, cả phường múa rối Hồng Phong cũng chỉ có khoảng ba, bốn người có khả năng chế tạo rối.

Về thăm làng múa rối nước Hồng Phong hơn 300 năm tuổi ảnh 2Du khách tham quan không gian trưng bày những con rối do các nghệ nhân phường rối nước Hồng Phong trực tiếp làm ra. (Ảnh: A.N/Vietnam+)

Nâng niu những chú rối của tích trò “Sóc chạy trên dây,” nghệ nhân bảo: “Đó là một công việc mà cũng là một thú chơi… rất kỳ công!” Những con rối - linh hồn của loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này được tạo ra từ gỗ của cây sung già (một loại gỗ thớ xoắn, mịn, không có mấu và nhẹ để nổi được trên mặt nước).

Khâu đục, chạm thô phải được thực hiện khi gỗ còn tươi, nhiều nhựa. Sau đó, qua nhiều tháng phơi khô, con rối thô trở nên xốp, nhẹ để có thể nổi lên mặt nước.

“Việc tạo ra hình hài, nét mặt của con rối cho tương thích với nhân vật là khâu khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ thuật tạo hình tinh vi nhất. Ví dụ như, cùng là tạo hình người nông dân nhưng anh câu ếch, chăn vịt thường mang vẻ nhanh nhẹn, có chút gì đó láu cá; còn người đi cày thì chất phác hơn…” ông Doãn kể.

“Cơm áo không đùa với khách thơ”

Hỏi những nghệ nhân già ấy, múa rối và công việc nhà nông, đâu là “sân nhà” thực sự, ông Ngô Duy Thành chỉ cười và đáp: “Làm nông là cái nghề và múa rối là cái nghiệp của chúng tôi. Nghề sẽ nuôi sống mình; còn nghiệp là vốn cổ cha ông truyền lại, đeo đẳng mình đến suốt cuộc đời.”

Nói rồi, người nghệ sỹ nông dân ấy như cố nén một tiếng thở dài, đôi mắt nhìn về phía xa xăm. Từ vùng quê Bắc Bộ này, rối nước Hồng Phong đã chu du khắp trong Nam ngoài Bắc để định vị mình giữa dòng chảy chung.

Năm 1994, tại Liên hoan Múa rối nước toàn quốc (diễn ra tại Hà Nội), phường múa rối nước Hồng Phong đã giành huy chương vàng với tích trò “Tiếng trống Hạ Hồng Châu” độc đáo (nói về người anh hùng Khúc Thừa Dụ). Tiếp nối thành công, những nghệ sỹ nông dân cũng đã đưa chú Tễu của phường rối Hồng Phong đến với Festival Huế 2004…

Đại diện phường múa rối nước Hồng Phong cho biết, hiện nay, trung bình mỗi tháng các nghệ sỹ nông dân biểu diễn khoảng 25-30 suất phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, thù lao mỗi thành viên nhận được chỉ dao động trong khoảng 40-50 ngàn đồng/buổi diễn.

“Thu nhập ít ỏi như vậy nên số người gắn bó với nghề ngày một thưa vắng. Nếu như vào thời điểm cuối năm 1992, phường múa rối có khoảng 40 thành viên thì đến nay, số lượng này đã giảm đi khoảng một nửa. Người trẻ nhất cũng thuộc thế hệ U50 rồi,” ông Thành nói, giọng nghẹn lại.

Về thăm làng múa rối nước Hồng Phong hơn 300 năm tuổi ảnh 3Các nghệ nhân đã rất kỳ công để tạo ra được những con rối. (Ảnh: A.N/Vietnam+)

Mạch truyện nối dài, người đàn ông tóc hoa râm ấy không giấu được niềm xót xa khi phường múa rối nước Hồng Phong thiếu vắng đội nghệ sỹ trình diễn kế cận. “Đây cũng là lý do mà những ông lão như chúng tôi vẫn ngày ngày mải miết với những con rối, lặng lẽ ngâm mình dưới nước bất kể trời lạnh hay nóng,” người nghệ sỹ trải lòng.

Ông kể, sau hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, khó khăn lắm nghệ thuật múa rối nước Hồng Phong mới được khôi phục trở lại vào thập niên 90 của thế kỷ trước.

“Lớp cha anh đã bao đêm thức trắng lần tìm lại tư liệu, để rồi tất cả cùng vỡ òa khi phục dựng thành công các tích trò cổ. Lịch sử phường rối cũng phản chiếu cả truyền thống gia đình. Trực tiếp chứng kiến những bước thăng trầm ấy, chúng tôi không đành lòng quay lưng với những con rối,” ông Thành đăm chiêu nhìn về phía nhà thủy đình, nơi khóe mắt ầng ậc nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục