Trong những ngày tháng Tám lịch sử, theo chân từng đoàn du khách về nguồn chúng tôi trở lại thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào thuộc xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).
Đã 70 năm kể từ mùa thu năm 1945, nhưng Tân Trào vẫn còn vẹn nguyên những giá trị lịch sử, du khách về Tân Trào được sống trong không khí hào hùng, được nghe những câu chuyện về “ông Ké” và những năm tháng không thể nào quên của lịch sử cách mạng Việt Nam.
Chiến khu cách mạng Tân Trào có vị trí đắc địa về mặt quân sự, chính vì thế tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn nơi đây để xây dựng Thủ đô khu giải phóng.
Bộ máy Chính phủ có 15 Bộ, trừ Bộ Quốc phòng đóng ở Định Hóa (Thái Nguyên), 14 Bộ còn lại gồm: Nội vụ, Ngoại giao, Công an, Ngoại thương, Kinh tế, Nội thương, Lao động, Giao thông, Canh nông, Y tế, Tài chính, Tư pháp, Giáo dục, Thương binh Xã hội và một số cơ quan khác như: Ban Thường trực Quốc hội, Nha Lâm chính, Mậu dịch quốc doanh Trung ương, Cục lưu trữ, Ban cơ yếu, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam... đều đóng tại đây.
Thủ đô khu giải phóng đã đóng vai trò vô cùng to lớn vào thành công của cách mạng tháng Tám, là trung tâm chỉ đạo Tổng khởi nghĩa và giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc.
Hàng năm, có rất nhiều du khách đến với khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào như một hành trình về nguồn. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 70 năm Quốc dân đại hội Tân Trào, 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, khu di tích đón hàng ngàn lượt người đến từ mọi miền tổ quốc về thăm quan.
Với họ, hành trình về với Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào chính là về với cội nguồn, được sống lại không khí hào hùng, sục sôi của cách mạng, được nghe những câu chuyện giản dị về Bác và những năm tháng gian khổ không thể nào quên của lịch sử cách mạng Việt Nam.
Du khách khi về với Khu di tích lịch sử Tân Trào đều cảm thấy bồi hồi, xúc động, nhiều người không cầm được nước mắt khi nghe những câu chuyện về Bác, về những khó khăn của thời kỳ đầu kháng chiến, về những ý chí của quân và dân ta với mong muốn hòa bình, độc lập.
Ông Lê Minh Cần, nguyên Giảng viên Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội xúc động chia sẻ: "Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được trở về với cội nguồn cách mạng Việt Nam . Tới đây, tôi cảm nhận được sự hi sinh to lớn của các thế hệ đi trước để chúng tôi có cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay."
Trong số những đoàn khách về thăm Khu di tích, có những người lần đầu tiên tới đây, cũng có những người đã tới vài lần. Chị Nguyễn Thu Hường, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh cho biết đây là lần thứ ba chị đến Tân Trào, nhưng cảm xúc vẫn còn vẹn nguyên như ngày đầu. Đặc biệt, khi về đây, sau khi được nghe những câu chuyện giản dị về Bác, về sự gian khổ của quân và dân trong cuộc cách mạng tháng Tám lịch sử chị đã về kể cho con và các cháu ở quê nhà như một lời nhắc nhở về đức tính khiêm tốn, giản dị của Bác, về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Trải qua 70 năm, dấu vết thời gian đã hằn sâu lên những di tích nơi đây, nhưng bóng dáng của một thời hào hùng thì vẫn luôn hiện hữu trong từng nếp nhà, từng tán cây, ngọn cỏ.
Chúng tôi gặp các bạn trẻ đang ngồi bên căn lán Nà Nưa say sưa nghe những câu chuyện về Bác Hồ, về “Ông cụ mắt sáng ngời/ Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường...”
Em Trần Hoàng Lâm, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội bộc bạch: "Trước đây, em chỉ biết lán Nà Nưa, đình Hồng Thái hay Cây đa Tân Trào qua những trang sách, thước phim. Nhưng năm nay, khi về Tân Trào, được tận mắt chứng kiến nơi Bác Hồ làm việc, nghe những câu chuyện về Bác chúng em càng thấy tự hào và sẽ quyết tâm học tập thật tốt để phục vụ quê hương đất nước."
Về Tân Trào là về với cái nôi của cách mạng Việt Nam. Tân Trào không chỉ có Cây đa lịch sử, mái đình Hồng Thái, lán Nà Nưa... mà còn chứa đầy những dấu tích cách mạng về “cuộc đổi đời kỳ vĩ” trong tiến trình lịch sử đất nước, mở đường đưa dân tộc Việt Nam vào kỷ nguyên mới mang tên độc lập-tự do.
Đó cũng chính là lý do mà Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào mãi mãi không bao giờ phai nhòa trong tâm trí của mọi thế hệ người Việt./.