Về thăm Cao Bằng - mảnh đất địa linh nhân kiệt ở vùng Đông Bắc

Không chỉ được thiên nhiên ưu ái, với vẻ đẹp trời ban, Cao Bằng còn là nơi sản sinh những anh hùng kiệt xuất của dân tộc, trở thành điểm đến thu hút du khách xa gần.
Thác Bản Giốc được đánh giá là thác nước đẹp nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. Đây là điểm du lịch tiêu biểu mang tính biểu tượng của tỉnh Cao Bằng có nhiều tiềm năng phát triển, thu hút khách du lịch trong lai. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên riêng biệt, Cao Bằng còn là mảnh đất sản sinh, ươm mầm những anh hùng kiệt xuất của dân tộc như Thục Phán An Dương Vương, Nùng Trí Cao...

Đây cũng là vùng đất sản sinh, nuôi dưỡng nhiều cán bộ cách mạng, sỹ quan quân đội tài năng trong chiến tranh vệ quốc thời hiện đại.

Nhân vật kiệt xuất đầu tiên của Cao Bằng là Thục Phán An Dương Vương, người có công thống nhất hai thành phần cư dân Lạc Việt và Tây Âu để lập nên nước Âu Lạc vào thế kỷ thứ II trước Công nguyên.

Thục Phán với tài năng chính trị và quân sự của mình đã tổ chức lực lượng chiến đấu chống lại sự xâm lược của quân đội Tần Thủy Hoàng tràn xuống từ phương Bắc, bảo vệ độc lập tự do cho Tổ quốc.

Ngày nay, tại huyện Hòa An (Cao Bằng) vẫn còn lưu giữ nhiều cổ vật, dấu tích về triều đại của Thục Chế - cha của Thục Phán; nền móng thành Bản Phủ, ngôi thành có cấu trúc tương tự với thành Cổ Loa. Các nhà khảo cổ cho rằng Cổ Loa chính là bản sao của thành Bản Phủ.

Vào thế kỷ XII Cao Bằng xuất hiện một thủ lĩnh văn võ song toàn tên là Nùng Trí Cao - người Việt đầu tiên đủ tài trí và bản lĩnh thực hiện Cuộc khởi nghĩa, lập nên nước Đại Nam, để lại dấu son trong lịch sử và nhiều tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân các dân tộc thiểu số ở vùng biên giới Việt-Trung.

[Khám phá Cao Bằng - 'mỏ vàng' của du lịch khu vực Đông Bắc]

Cao Bằng có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng và chứa đựng nhiều tiềm năng về du lịch. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Trong thời kỳ phong kiến, vùng đất Cao Bằng còn có nhiều danh tướng là thủ lĩnh người địa phương có công đánh giặc, giữ yên bờ cõi như Bế Khắc Thiệu, Nùng Tôn Đản, Hoàng Giáp (Hoàng Lục), Nông Thống Lệnh...

Bà Nguyễn Thúy Anh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết: Trong lịch sử, Cao Bằng đã xuất hiện nhiều nhân vật tài giỏi. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Cao Bằng cũng có nhiều cán bộ, sỹ quan, tri thức tài giỏi, cống hiến rất nhiều cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tỉnh có gần 2.500 cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa và người có công với nước; 28 cán bộ sỹ quan cao cấp của quân đội, công an được phong quân hàm cấp tướng; 406 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng; 27 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động; 6 huyện, thành phố, 23 xã, 19 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cao Bằng đang ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Tỉnh luôn quan tâm xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh địa bàn biên giới.

Giai đoạn 2004-2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 7,5%/năm, thu ngân sách tăng trưởng bình quân 18%/năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trưởng bình quân 14%/năm.

Công tác giảm nghèo bền vững đạt được nhiều kết quả tích cực (giảm 3-5% mỗi năm). Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 15 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, bình quân đạt 9,4 tiêu chí nông thôn mới/xã.

Cao Bằng cũng thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư đến tìm hiểu, đầu tư; trong đó đã thu hút 275 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 35 nghìn tỷ đồng.

Thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, phát triển kinh tế-xã hội; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông, tạo tiền đề đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh phát triển du lịch, thương mại biên giới và nông nghiệp công nghệ cao.

Với lợi thế cảnh quan thiên nhiên, môi trường trong sạch, bản sắc văn hóa độc đáo, Cao Bằng đang định hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Năm 2017, khu du lịch Thác Bản Giốc của Cao Bằng được Thủ tướng phê duyệt định hướng trở thành Khu du lịch trọng điểm quốc gia.

Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng là một miền đất hiếm có, nơi có thể tìm hiểu lịch sử trên 500 triệu năm của Trái Đất qua các dấu tích còn lại ở đây. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Năm 2018, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.

Tỉnh đang tập trung xây dựng và khai thác các khu du lịch như Thác Bản Giốc-chùa Phật tích Trúc Lâm-động Ngườm Ngao; Khu du lịch sinh thái Phja Oắc-Phja Đén; Khu du lịch sinh thái Hồ Thang Hen; các khu, điểm du lịch động Giộc Đâư; Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng); Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình)...

Trong năm 2018, lần đầu tiên tỉnh đón hơn 1,2 triệu khách du lịch, doanh thu đạt trên 360 tỷ đồng.

Chính phủ đã nhất trí cho Cao Bằng xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Tỉnh cũng đang đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh quy hoạch Quốc lộ 3 theo hướng tránh các đèo Giàng, đèo Gió.

Khi những khó khăn về giao thông vận tải được tháo gỡ, chắc chắn trong tương lai không xa, kinh tế-xã hội của Cao Bằng sẽ có bước phát triển mạnh mẽ tương xứng với tiềm năng của tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục