Bản Bẳng ở xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) là một trong những địa danh quan trọng của Đảng trong những năm tháng trước Cách mạng Tháng Tám.
Nơi đây được chọn là nơi ở và làm việc của các nhà lãnh đạo cao cấp, cũng là địa điểm gặp nhau của hai đoàn quân Nam tiến, Bắc tiến.
Giờ đây, Bản Bẳng dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đang nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, an ninh xã hội, trong nỗ lực xây dựng nông thôn mới.
Đồi Pù Cọ là một đỉnh núi thuộc bản Bản Bẳng, là căn cứ quan trọng của Đảng ta trong những năm 1943-1945.
Đồi Pù Cọ đã được công nhận là Khu di tích lịch sử Quốc gia từ tháng 6/1996. Tại đây, nhiều nhà lãnh đạo của Đảng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái, Lê Dục Tôn, Nông Văn Quang, Nông Văn Lạc, Chu Văn Tấn đã từng sống và làm việc.
Cũng tại nơi này, vào tháng 6/1945, khi từ Cao Bằng về Tân Trào, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã dừng chân nghỉ ở nhà ông Triệu Văn Dương, một cơ sở Cách mạng tại Bản Bẳng.
Đỉnh Pù Cọ còn là nơi diễn ra nhiều cuộc gặp mặt của hai đoàn quân Nam Tiến và Bắc Tiến. Đây là hai đoàn quân được thành lập theo chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ hai căn cứ cách mạng Cao Bằng và Bắc Sơn-Võ Nhai để mở “con đường quần chúng cách mạng,” nhằm khai thông liên lạc giữa hai căn cứ cách mạng này.
“Con đường quần chúng cách mạng” có hai mũi, mũi xuất phát từ Cao Bằng gọi là Nam Tiến, hướng xuất phát từ Bắc Sơn-Võ Nhai gọi là Bắc Tiến.
Đỉnh Pù Cọ là nơi gặp nhau của hai đoàn quân để trao đổi kinh nghiệm, tình hình phát động quần chúng để mở rộng phong trào đến các địa bàn lân cận.
Bản Bẳng hiện nay có 50 hộ dân, với trên 200 nhân khẩu, đều là đồng bào dân tộc Dao. Cho đến nay, đây là bản duy nhất của xã Nghĩa Tá chưa có điện lưới quốc gia.
Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Bản Bẳng Chu Viết Hòa, chia sẻ Bản Bẳng là bản vùng sâu, vùng xa, trước đây cuộc sống của người dân rất khó khăn, hộ đói, hộ nghèo còn nhiều. Nay, cuộc sống người dân đã khác, không còn bị đói nữa, số hộ nghèo cũng giảm nhiều.
Được như vậy là nhờ Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà cửa, giống cây trồng, vật nuôi cùng với tinh thần chịu thương chịu khó, cần cù lao động của đồng bào dân tộc Dao nơi đây.
Đặc biệt, từ khi con đường liên thôn được mở rộng, giao thông thuận lợi, đời sống của người dân đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, con đường liên thôn mới được bêtông một số đoạn, còn hơn 2km chưa được làm bêtông, nên việc đi lại vẫn khó khăn. Người dân Bản Bẳng đang mong muốn sớm có điện thắp sáng.
Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Tá Hứa Tiến Lô cho biết Bản Bẳng đến nay vẫn là một thôn khó khăn nhất của xã Nghĩa Tá. Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân xã luôn có chính sách ưu tiên cho bản này, nhưng do địa hình xa, người dân ở không tập trung, lại trên núi cao, vùng sâu, xuất đầu tư quá lớn nên điện vẫn chưa đến được.
Còn đường giao thông, trong năm 2015, xã được cấp kinh phí làm đường giao thông nông thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã đã lập quy hoạch để hoàn thành nốt những đoạn còn lại.
Tuy nhiên, để đi vào Bản Bẳng phải qua một vài con suối, kinh phí đầu tư làm cầu hoặc làm đập tràn lớn, nên xã đã đề nghị huyện Chợ Đồn và tỉnh Bắc Kạn lưu tâm hỗ trợ kinh phí.
Người dân Bản Bẳng đều là đồng bào dân tộc Dao. Đồng bào rất chăm chỉ làm ăn, phát triển sản xuất, không còn hộ sinh con thứ 3. Trẻ em đến tuổi đều được đến trường, không còn trẻ thất học.
Người dân ở đây ngoài việc nỗ lực lao động còn tham gia rất nhiệt tình vào cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Nhờ vậy, an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững, không có tệ nạn xã hội. Trong bản cũng không còn tồn tại những hủ tục, mê tín dị đoan.
Đồng bào dân tộc Dao ở Bản Bằng giàu lòng yêu nước, trung thành và tin tưởng tuyệt đối vào Bác Hồ và cách mạng, không quản khó khăn, gian khổ, hy sinh để bảo vệ các đồng chí lãnh đạo cách mạng trong những năm tháng gian khổ nhất của cách mạng Việt Nam.
Ngày nay, người dân Bản Bẳng vẫn chịu thương, chịu khó, tự lực vươn lên thoát nghèo để xứng đáng là quê hương cách mạng. Bản Bẳng cần được quan tâm hơn để sớm được đầu tư xây dựng hệ thống đường và điện./.