Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sẽ điều chỉnh một số quy định trên hệ thống bán vé điện tử nhằm hạn chế tối đa các hiện tượng tiêu cực trong các dịp vận tải cao điểm.
Cụ thể, Tổng công ty sẽ điều chỉnh thời gian tối đa được phép giữ chỗ cho khách hàng đặt vé và chọn phương thức trả sau từ 48 giờ xuống 24 giờ đồng thời tạm khóa chức năng nhắn tin hủy đặt chỗ cho khách hàng đặt vé trả sau trên hệ thống bán vé điện tử. Khách hàng đặt vé trả sau thành công có nhu cầu hủy việc đặt chỗ, liên hệ tổng đài hỗ trợ khách hàng 19006469 để được hỗ trợ giải quyết.
Thời điểm thực hiện các điều chỉnh bắt đầu từ 0 giờ ngày 5/5 đến 5/9/2015.
Theo đại diện VNR, hệ thống bán vé điện tử sau khi đi vào vận hành đã phát huy được những hiệu quả tích cực như người dân có thể dễ dàng mua vé tàu và cập nhật thông tin về hành trình tàu mọi lúc mọi nơi thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau như tin nhắn, email, hệ thống bảng điện tử tại sân ga, trên tàu.
Đặc biệt, khách có thể mua vé qua nhiều phương thức khác nhau như mua vé qua ứng dụng trên smartphone, đặt vé qua tin nhắn SMS, mua vé qua thiết bị bán vé tự động tại ga...
Tuy nhiên, hệ thống bán vé điện tử cho phép người mua giữ chỗ, chưa phải thanh toán trong vòng 48 giờ (2 ngày) và lợi dụng quy định này, “cò” đặt vé theo tên, số chứng minh nhân dân của người bất kỳ rồi chèo kéo khách có nhu cầu, “cò” sẽ hủy vé đã đặt và đổi theo tên, số chứng minh thư của khách…
“Việc cò vé có thể giúp hành khách mua vé là không hề dễ dàng bởi việc phân phối vé trong các dịp cao điểm như lễ, Tết đã được VNR công khai hóa. Người dân sẽ có được đầy đủ thông tin về quá trình phân phối vé, xếp hàng mua vé, từ đó chủ động lựa chọn hình thức di chuyển phù hợp; đồng thời được cung cấp đầy đủ thông tin về lịch trình thực tế, số ghế còn trống trên mỗi chuyến tàu, đặt chỗ, giữ chỗ…,” đại diện Tổng công ty Đường sắt đánh giá.
Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng lên kế hoạch chi tiết việc soát vé một cách chặt chẽ và khoa học, bảo đảm đúng người, đúng thông tin trên vé mới được lên tàu. Hành khách mua vé qua “cò”, có thể mua phải vé giả, do “cò” tự in, hay phải đi tàu "chui"…
Để tránh việc tiếp tay cho “cò” vé “phe” vé, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khuyến cáo hành khách không mua vé qua các đối tượng trung gian, “cò”, “phe” vé; thông tin cá nhân phải chính xác, trùng với thông tin cá nhân ghi trên vé; trực tiếp mua vé tàu qua mạng hoặc các địa chỉ bán vé của hệ thống.
Trong thời gian tới, Tổng công ty sẽ cùng Tập đoàn FPT và các đối tác cung cấp dịch vụ tổ chức đánh giá giai đoạn 1 của dự án và tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung phần mềm với định hướng có thêm nhiều ứng dụng mới tiện ích hơn cho hành khách và hành khách có thể tự in được vé điện tử một cách thuận tiện, thân thiện, chống đầu cơ bán vé chợ đen và để nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp./.