Về sự phân hóa giàu nghèo trong xét nghiệm nhanh COVID-19 ở Indonesia

Bài viết trên trang The Conversation chỉ ra thực trạng hiện nay ở Indonesia chỉ những người giàu hoặc có quyền lực trong xã hội mới có thể được xét nghiệm để xác định tình trạng lây nhiễm của mình.
Nhân viên y tế xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người lao động nhập cư tại Bắc Sumatra, Indonesia ngày 9/4 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người lao động nhập cư tại Bắc Sumatra, Indonesia ngày 9/4 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 22/4 vừa qua, trang mạng The Conversation đăng tải bài viết “Sự phân hóa giàu nghèo trong việc xét nghiệm nhanh COVID-19 đẩy Indonesia lâm vào tình thế ngày càng khó khăn.”

Bài viết đã chỉ ra thực trạng hiện nay tại Indonesia chỉ những người giàu hoặc có quyền lực trong xã hội mới có thể được xét nghiệm để xác định tình trạng lây nhiễm của mình. Và đây chính là một lỗ hổng lớn trong công tác phòng chống dịch bệnh của Indonesia.

Nội dung cụ thể như sau:

Khi nhu cầu xét nghiệm phơi nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của người dân Indonesia đang ngày càng cấp bách trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ trong những ngày qua tại quốc gia Đông Nam Á này, người ta đang phải chứng kiến một cảnh tượng đau lòng rằng tầng lớp người nghèo tại Indonesia khó có cơ hội tiếp cận các cơ sở y tế để làm các xét nghiệm xác định tình trạng nhiễm.

Tuy nhiên, đối với tầng lớp thượng lưu tại Indonesia, việc này không thực sự khó khăn và nói một cách dễ hiểu hơn, những người giàu và có quyền lực tại Indonesia rất dễ dàng để được xét nghiệm khi cần. Điều này đang là bài toán khó giải đối chính phủ Indonesia trong việc phát hiện và ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 ngày càng lan rộng tại quốc gia này.

Chính phủ Indonesia thông báo chỉ tiến hành xét nghiệm miễn phí tại các bệnh viện cho những người có tiếp xúc với các trường hợp dương tính với COVID-19 hoặc những người đã đến các khu vực có nguy cơ cao và những bệnh nhân có các triệu chứng giống như bị mắc COVID-19.

Những người có triệu chứng nhưng không có tiền sử di chuyển qua các vùng dịch sẽ không đủ điều kiện để được xét nghiệm miễn phí. Mặc dù mức độ ưu tiên như vậy có thể hiểu được do nguồn lực hạn chế của quốc gia, nhưng điều đó đang dẫn đến tình trạng không đồng đều trong quá trình xét nghiệm, phân loại bệnh nhân.

Tính đến ngày 22/4 vừa qua, Indonesia ghi nhận ít nhất có 7.135 trường hợp mắc COVID-19 và tỷ lệ tử vong do COVID-19 gây ra là 8,6%. Con số này thuộc hàng cao nhất thế giới.

Phát hiện sớm thông qua phương pháp xét nghiệm nhanh rộng rãi là một biện pháp quan trọng để ngăn chặn đại dịch, nhưng với 184 người được xét nghiệm trên 1 triệu dân, Indonesia nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ xét nghiệm nhanh COVID-19 rất thấp, ít hơn rất nhiều so với Singapore (16.203/1 triệu người), Australia (17.412/1 triệu người), Hàn Quốc (11.138/1 triệu người) hoặc Italy (23.985/1 triệu người).

Đáng chú ý, mặc dù Tổng thống Joko Widodo đã chỉ thị chỉ tiến hành xét nghiệm đối với những đối tượng được quy định rõ ở trên nhưng trên thực tế chỉ thị này đang được các địa phương, thậm chí cơ quan lập pháp Indonesia thực hiện không nghiêm túc.

[Chuyên gia Indonesia nêu chiến lược chống dịch 12 điểm của Việt Nam]

Ngay sau khi Indonesia tiếp nhận các dụng cụ xét nghiệm nhanh, 575 thành viên Quốc hội nước này đã yêu cầu được xét nghiệm cho họ và cả gia đình họ mặc dù số này không có lịch sử di chuyển qua các vùng dịch hay tiếp xúc gần với các bệnh nhân đã lây nhiễm và thậm chí họ cũng không có bất cứ triệu chứng mắc COVID-19.

Đối với những người giàu có tại Indonesia nhưng không thuộc tầng lớp có quyền lực trong hệ thống chính trị của đất nước, họ có thể dễ dàng được xét nghiệm tại các bệnh viện tư nhân ở Indonesia với mức giá từ 770.000 rupiah đến hơn 1.000.000 rupiah (hơn 50 USD).

Trong khi đó, hàng chục triệu người nghèo tại Indonesia không thể mơ đến số tiền này để tiến hành xét nghiệm khi cuộc sống của họ đang bị đè nặng bởi miếng cơm, manh áo và nhất là khi lệnh phong tỏa được thực hiện, họ không có đủ lương thực để duy trì cuộc sống.

Chính phủ Indonesia cũng cho biết cơ quan y tế của nước này sẽ tiến hành xét nghiệm PCR miễn phí đối với các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 hoặc những người chưa có biểu hiện lâm sàng nhưng có lịch sử tiếp xúc gần với các bệnh nhân dương tính.

Tuy nhiên, đến nay, tại Indonesia chỉ có tổng số 12 cơ sở y tế có thể tiến hành các xét nghiệm PCR. Những cơ sở này không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu xét nghiệm của các bệnh nhân do số lượng bệnh nhân đến xét nghiệm quá đông và phần lớn trong số họ là những người có điều kiện kinh tế trong xã hội.

Mặc dù được thông báo rằng xét nghiệm hoàn toàn miễn phí nhưng những người nghèo tại Inodonesia không có cơ hội đến đây làm các xét nghiệm vì những người giàu có hơn, hoặc có điều kiện hơn sẵn sàng trả từ 1,5-2,5 triệu rupiah để được xét nghiệm trong khi nhiều người không thể nghĩ đến việc có khoản tiền lớn như vậy để chi trả cho việc xét nghiệm.

Trước thực trạng trên, chính phủ Indonesia cần nhanh chóng đẩy mạnh cải thiện năng lực của hệ thống y tế nhằm sớm kiểm soát nguồn lây nhiễm…

Để đạt được hiệu quả trong việc giảm lây truyền từ các trường hợp không có triệu chứng, các xét nghiệm phải đến được với phần lớn dân số, không chỉ những người có điều kiện kinh tế hay quyền lực trong xã hội. Do đó, chính phủ Indonesia cần sớm thực hiện xét nghiệm đồng loạt và trước hết phải ưu tiên cho những nơi được xác định là tâm dịch.

Để kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh, Indonesia cần sàng lọc bệnh nhân thông qua việc xét nghiệm rộng rãi và cách ly những người bị nhiễm để ngăn chặn lây lan. Có như vậy, Indonesia mới có thể kiểm soát thành công được đại dịch COVID-19./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục