Về Nam Đàn, Nghệ An - vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh ra nhiều bậc anh hùng, hào kiệt, nhà yêu nước, du khách thập phương không chỉ được đến thăm quê Bác, Khu lưu niệm nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu... mà còn có dịp ghé thăm Lăng và Đền thờ Vua Mai Hắc Đế.
Đền thờ Vua Mai Hắc Đế được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1649/QĐ-Ttg công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt vào cuối tháng 12/2022.
Đền thờ Vua Mai Hắc Đế gồm 2 địa điểm: Lăng mộ vua Mai (thuộc khối Hà Long) và đền thờ (thuộc khối Mai Hắc Đế) tại thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Hai địa điểm này đều nằm ở trung tâm căn cứ địa xưa của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, mà linh hồn của cuộc khởi nghĩa ấy là vị anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan-Mai Hắc Đế.
Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan, sinh ra và lớn lên tại làng Ngọc Trừng, xã Đông Liệt, nay là xã Nam Thái, Nam Đàn, Nghệ An. Năm 713, ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hoan Châu lật đổ ách đô hộ của nhà Đường, lập nên nước Vạn An (713-722).
Khởi nghĩa Hoan Châu là một bằng chứng lịch sử hùng hồn, khẳng định sức sống mãnh liệt, khát vọng độc lập tự chủ của dân tộc, đồng thời thể hiện khí phách anh dũng kiên cường của cha ông ta.
Mai Hắc Đế cũng chính là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có ý tưởng và đã thực hiện thành công chủ trương liên minh với các nước láng giềng trong cuộc chiến chống xâm lược, bảo vệ chủ quyền đất nước, tạo nên bước ngoặt to lớn trong lịch sử nghìn năm Bắc thuộc.
[Thủ tướng quyết định xếp hạng 5 di tích quốc gia đặc biệt]
Sau khi xưng đế, Ngài lấy Quốc hiệu là Vạn An, xây dựng một vương triều độc lập tự chủ đã phản ánh ý chí độc lập, tự cường của dân tộc, đồng thời khẳng định khát vọng thoát khỏi mọi sự ràng buộc, lệ thuộc đối với nhà Đường.
Năm 722, nhà Đường quay lại xâm lược nước ta, Mai Hắc Đế cùng ba quân tướng sỹ và cả dân tộc ngoan cường chống địch. Trong cuộc chiến đấu đầy quả cảm và cam go đó, hai vị hoàng tử Mai Bảo Sơn, Kỳ Sơn và Hoàng hậu Phạm Thị Uyển cùng nhiều tướng sỹ bị tử trận. Mai Hắc Đế cũng bị trọng thương và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 16 tháng 9 năm Quý Hợi (723).
Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng danh tiếng của vị thủ lĩnh và cuộc khởi nghĩa Hoan Châu vẫn làm chấn động cả khu vực tại thời điểm ấy và vang mãi về sau.
Ghi nhớ công lao của Vua Mai Hắc Đế, nhân dân nhiều nơi, đặc biệt là vùng Sa Nam đã tôn Ngài làm Phúc thần, lập đền thờ, lớn nhất là ngôi đền mang tên Mai Hắc Đế ở thị trấn Nam Đàn ngày nay.
Trải qua các triều đại phong kiến, thần được ban tặng 22 đạo sắc phong. Tuy nhiên, hiện nay, tại đền chỉ còn lưu giữ 13 sắc phong thời Nguyễn. Tên của Ngài (Mai Hắc Đế) còn được đặt cho nhiều con đường lớn và nhiều công trình ý nghĩa như trường học tại nhiều địa phương ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và một số thành phố khác trong cả nước.
Quan sát từ ngoài đền vào, du khách sẽ thấy cổng thờ khá đồ sộ, 3 tòa, sáu trụ, với lối đi chính rộng rãi. Hai trụ chính cao lớn, trên chóp có tượng kỳ lân, những trụ khác gắn sen búp.
Hai bên cổng xây tường có mái giả, bên trái là tượng quan võ đeo kiếm và ngựa hồng, bên phải là tượng quan văn cầm thư cùng ngựa bạch; cùng với hai tượng voi quỳ phủ phục mỗi bên.
Sau khi qua cổng và sân đền là phần điện thờ gồm có thượng điện thờ vua và gia quyến; trung điện thờ tướng sỹ có công; hạ điện là nơi hành lễ, thờ cúng cộng đồng và lưu giữ nhiều cổ vật còn lại như long ngai, bài vị, câu đối.
Dọc theo đê 42, cách đền khoảng 3km về phía Tây, ngay dưới chân núi Đụn, là khu mộ Vua Mai. Đây khi xưa là kho lương thảo, đồng thời là nơi cầm cự cuối cùng của nghĩa quân khi thành Vạn An rơi vào tay giặc. Lưng tựa vào núi, Lăng Vua Mai hướng nhìn ra dòng sông Lam.
Ngôi mộ được xây theo kiểu “thượng miếu hạ mộ” (miếu ở trên, mộ ở dưới). Sau khi được tôn tạo, lăng vua khá bề thế bao gồm mộ phần, hậu cung và bái đường.
Tại Đền thờ Vua Mai Hắc Đế, hàng năm diễn ra nhiều kỳ lễ, nhưng quy mô và long trọng nhất là Lễ hội đền Vua Mai, diễn ra trong 3 ngày từ 13-15 tháng Giêng âm lịch hàng năm với nhiều hoạt động ý nghĩa như lễ rước nước, lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ đại tế, lễ khai hội và dâng hương tưởng niệm Vua Mai, lễ thả đèn hoa đăng và Lễ tạ, cùng nhiều trò chơi dân gian sôi nổi được tổ chức xuyên suốt lễ hội như đấu vật, cờ thẻ, chọi gà, đu tiên, đẩy gậy, kéo co.
Tối 3/2/2023 (tức ngày 13 tháng giêng Âm lịch), tại Di tích Lăng miếu Vua Mai (thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, Nghệ An), Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm 1310 năm khởi nghĩa Hoan Châu (713-2023), đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Vua Mai Hắc Đế và khai hội Lễ hội Đền Vua Mai năm 2023.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Vua Mai Hắc Đế đến đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Sở Văn hóa Thể thao và huyện Nam Đàn.
Việc di tích Đền thờ Vua Mai Hắc Đế được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt không chỉ là sự ghi nhận, tôn vinh các giá trị lịch sử văn hóa của Di tích mà còn là sự xác lập cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị lâu dài cho di tích./.