Về khả năng liên minh kinh tế Australia-Mỹ đối đầu với Trung Quốc

Trong các cuộc họp với những người đồng cấp Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng của Australia sẽ thảo luận các biện pháp chống lại những biện pháp gây sức ép kinh tế của Trung Quốc.
Về khả năng liên minh kinh tế Australia-Mỹ đối đầu với Trung Quốc ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton, Ngoại trưởng Marise Payne cùng hai người đồng cấp Mỹ là Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin trong cuộc tham vấn 2+2 tại Washington DC., ngày 16/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Canberra hiện đang kỳ vọng cuộc họp tham vấn thường niên giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Australia và Mỹ (AUSMIN) trong tuần qua để tìm kiếm sự hỗ trợ thiết thực hơn của Mỹ đối với Australia, nhằm đối phó với các cuộc tấn công thương mại của Trung Quốc.

Theo truyền thông Australia, trong các cuộc họp với những người đồng cấp Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton của Australia sẽ thảo luận các biện pháp chống lại những biện pháp gây sức ép kinh tế của Trung Quốc.

Trong bài viết mới đăng trên trang mạng The Conversation, Giáo sư James Laurenceson, Giám đốc Học viện Quan hệ Australia-Trung Quốc (ACRI), Đại học Công nghệ Sydney, cho rằng mong muốn của Chính phủ Australia là điều dễ hiểu xét trong bối cảnh hiện nay.

Với quy mô 14.700 tỷ USD, nền kinh tế Trung Quốc lớn gấp nhiều lần so với nền kinh tế Australia chỉ có giá trị 1.300 tỷ USD. Kể từ tháng 5/2020, Trung Quốc đã cấm hoặc hạn chế nhập khẩu hơn 10 mặt hàng của Australia, bao gồm thịt bò, rượu vang, lúa mạch và than đá. Trước đó, xuất khẩu các loại hàng hóa này sang Trung Quốc đem lại hơn 20 tỷ AUD (hơn 14 tỷ USD) cho Australia mỗi năm.

Tuy nhiên, Giáo sư Laurenceson nêu câu hỏi: Liệu việc mở rộng liên minh an ninh Australia và Mỹ trên cơ sở hiệp ước an ninh ANZUS sang cả lĩnh vực kinh tế và thúc đẩy hợp tác hơn nữa với Washington về các sáng kiến nhằm vào Bắc Kinh có phải là một chiến lược phù hợp của Canberra hay không?

Vào năm 2017, chuyên gia về chính sách đối ngoại hàng đầu của Australia, ông Allan Gyngell, đã nhận xét rằng động lực đằng sau chính sách đối ngoại của Canberra lâu nay là "nỗi sợ bị bỏ rơi" bởi "một người bạn vĩ đại và hùng mạnh," đầu tiên là Anh và tiếp theo là Mỹ kể từ hiệp ước ANZUS được ký kết vào năm 1951.

Giáo sư Laurenceson nhận định thời gian qua, Mỹ liên tục phát đi tín hiệu ủng hộ Australia trong tranh chấp thương mại với Trung Quốc, ít nhất là trên lời nói. Cuối năm ngoái, ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden, tuyên bố Mỹ "sát cánh" với Australia.

Tiếp theo, vào tháng 3/2021, ông Kurt Campbell, cố vấn thân cận của Tổng thống Biden về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khẳng định với giới truyền thông Australia rằng Mỹ sẽ "không để Australia một mình trên chiến trường." Thông điệp này được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhắc lại vào tháng 5/2021.

[Đằng sau việc Mỹ và Australia hợp tác mua lại công ty Digicel]

Tuy nhiên, khi đến Washington vào tháng 7/2021, Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan lại nhận được một thông điệp có phần "nhẹ nhàng" hơn về tranh chấp thương mại của Australia với Trung Quốc.

Bà Katherine Tai, Đại diện thương mại Mỹ, chỉ nói rằng Mỹ đang "theo dõi chặt chẽ tình hình thương mại giữa Australia và Trung Quốc" và bà "hoan nghênh việc tiếp tục thảo luận cấp cao."

Trong khi đó, Mỹ tiếp tục duy trì các mức thuế mà chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đã đơn phương áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Các loại thuế quan này vốn đã bị Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đánh giá là không phù hợp với các quy định quốc tế. Sau đó, Mỹ kháng cáo quyết định của WTO.

Chính quyền Mỹ cũng liên tiếp ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán mới của cơ quan phúc thẩm của WTO để thay thế các thẩm phán hết thời hạn bổ nhiệm. Kết quả là cơ quan phúc thẩm của WTO bị tê liệt hoàn toàn vào tháng 11/2020. Vào tháng trước, Mỹ lại từ chối đề nghị của 121 thành viên WTO khác về việc khôi phục cơ quan phúc thẩm này.

Về phía Australia, do không có sức mạnh tuyệt đối như Mỹ hoặc Trung Quốc, nước này phải dựa vào tuân thủ các quy định của WTO trên toàn cầu để bảo vệ lợi ích thương mại của mình. Nhưng các hành động vừa qua của Mỹ đã khiến cho các quy định của WTO không thể thực thi được.

Một ví dụ khác là vào tháng 2/2021, bà Tai yêu cầu Trung Quốc "phải thực hiện" thỏa thuận thương mại song phương mà Washington đã gây áp lực buộc Bắc Kinh phải ký vào tháng 1/2020. Thỏa thuận trên cho phép các nhà sản xuất Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc thuận lợi hơn so với các đối thủ cạnh tranh ở Australia. Điều cũng là một minh chứng khác cho thấy rằng các nước lớn có thể sử dụng sức mạnh của mình để gây áp lực lên các nước khác.

Giáo sư Laurenceson nhận định, không có gì ngạc nhiên khi sự ủng hộ của Mỹ dành cho Australia chỉ là lời nói. Nếu ủng hộ Canberra nhiều hơn, Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với các thiệt hại chính trị hoặc kinh tế. Chẳng hạn, thỏa thuận thương mại song phương với Trung Quốc mang lại nhiều lợi ích cho các nhà sản xuất Mỹ. Nhưng trước sự thái độ dè dặt của Mỹ, Australia sẽ càng nỗ lực kêu gọi sự trợ giúp của cường quốc lớn nhất thế giới này.

Phát biểu tại Đối thoại Lãnh đạo Mỹ-Australia trong tháng Tám, Thủ tướng Australia Scott Morrison đề xuất, để đối phó với chính sách gây áp lực về kinh tế của Trung Quốc, "hợp tác chiến lược song phương cần được mở rộng sang các vấn đề kinh tế."

Ông đề xuất các quan chức kinh tế và thương mại cấp cao của hai nước cần có "đối thoại kinh tế chiến lược thường xuyên," bên cạnh các cuộc thảo luận AUSMIN về quốc phòng và đối ngoại. Trước đề xuất này của Australia, Mỹ cho đến nay chưa đưa ra cam kết nào.

Về khả năng liên minh kinh tế Australia-Mỹ đối đầu với Trung Quốc ảnh 2Thủ tướng Australia Scott Morrison. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Giáo sư Laurenceson, có hai cân nhắc quan trọng mà Canberra cần cân nhắc. Thứ nhất, thiệt hại mà Bắc Kinh gây ra cho nền kinh tế Australia bằng cách hạn chế nhập khẩu của nước này chỉ ở mức hạn chế.

Một phân tích mới của Viện Quan hệ Australia-Trung Quốc cho thấy các biện pháp trừng phạt kinh tế của Trung Quốc chỉ ảnh hưởng tới 9 trong số 12 mặt hàng xuất khẩu của Australia và thiệt hại mà các nhà xuất khẩu của Australia phải gánh chịu cũng chưa đến 10% tổng giá trị xuất khẩu.

Phân tích cũng chỉ ra rằng trong nửa đầu năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Australia sang Trung Quốc thậm chí còn tăng 37% so với mức kỷ lục trước đó được ghi nhận vào năm 2019.

Những phân tích trên cho thấy rằng các cuộc tấn công thương mại của Trung Quốc không gây ra một cuộc khủng hoảng quá lớn. Nền kinh tế Australia có thể vượt qua cơn bão này, cho dù có hoặc không có sự ủng hộ của Mỹ.

Thứ hai, điều mà Australia mong muốn nhất là Trung Quốc tuân theo các quy tắc thương mại toàn cầu và các quy tắc này cần được cập nhật và mở rộng sang nhiều hoạt động hơn, như trợ cấp của chính phủ cho nông nghiệp và thủy sản. Trong khi đó, liên minh ANZUS không thể giúp giải quyết vấn đề trên, không phù hợp cho việc đề ra hoặc thực thi các quy tắc thương mại toàn cầu. Mặt khác, Mỹ có hồ sơ "xấu" trong việc tuân thủ các quy định hiện hành của WTO.

Một vấn đề phức tạp khác là Mỹ đã xác định Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược" kể từ năm 2017. Nhưng như ông Peter Varghese, cựu quan chức ngoại giao của Australia, lưu ý vào tháng Sáu năm nay, điều này không có nghĩa là cường quốc châu Á này cũng trở thành đối thủ cạnh tranh chiến lược của Australia.

Như vậy, theo Giáo sư Laurenceson, nếu ý tưởng về một liên minh kinh tế với Mỹ được chấp nhận, bên cạnh liên minh an ninh hiện nay, Australia sẽ phải đối mặt với nguy cơ sa lầy trong một "cuộc chiến không có hồi kết" chống lại đối tác thương mại lớn nhất của mình, và đối mặt với thiệt hại về kinh tế.

Ngoài ra, không loại trừ khả năng Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận thương mại song phương khác với Trung Quốc và đẩy Australia "ra rìa" một lần nữa.

Với các lập luận trên, Giáo sư Laurenceson nhận định, nếu các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Australia "trắng tay" trên mặt trận kinh tế sau các cuộc họp AUSMIN trong tuần này, có thể đây lại là một điều may mắn với người dân Australia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục