Đã trở thành nếp sinh hoạt và sản xuất từ nhiều năm nay tại xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, khi những ngày cận Tết cuộc sống ở đây nhộn nhịp hơn bao giờ hết.
Bởi đây chính là những ngày tất bật của người dân thu hoạch và bán ra thị trường những cây đào, cành đào phai độc đáo nổi tiếng xưa nay.
Cây đào phai là cây trồng chủ lực của người dân Đông Sơn, đem lại tổng doanh thu 20 tỷ đồng. Nhiều năm trở lại đây, loại cây trồng này đã đem lại cuộc sống khấm khá cho người dân.
Về xã Đông Sơn những ngày Xuân ấm áp gần với Tết Nguyên đán 2020 mới chứng kiến được cuộc sống nhộn nhịp của vùng đất này.
Nếu như trước đây Đông Sơn chỉ có đồi đất tự nhiên với những cây trồng truyền thống như lúa, ngô, khoai, sắn, nhiều năm nay đã được thay thế bằng những vườn đào phai bạt ngàn.
Trên trục đường chính của xã hay những con ngõ nhỏ dẫn vào các vườn đào phai đều nhộn nhịp người xe tấp nập, đa phần là các xe tải lớn nhỏ vào tận vườn thu gom đào để kinh doanh, cùng với đó là rất nhiều người dân thành phố Tam Điệp và các vùng lân cận đến tận vườn đào phai để lựa chọn, đặt mua.
Dọc hai bên trục đường chính thì như là một chợ hoa kéo dài với hàng trăm cây đào, cành đào phai lớn nhỏ được người dân mang ra bày bán.
Cũng dọc hai bên đường là những ngôi nhà mái bằng san sát, có nhiều nhà 2 đến 3 tầng kiên cố mọc lên trong những năm gần đây là minh chứng rõ nhất cho sự thay da đổi thịt của mảnh đất đồi rừng.
[Hoa đào Bắc bung sắc hồng rực rỡ trên phố núi Tây Nguyên]
Tại vườn đào của gia đình anh Phạm Thanh Tuân, nằm đối diện trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Đông Sơn, nhiều cây đào đã được khách hàng đặt mua và đánh dấu, chờ ngày chuyển đi.
Đa phần các cây đào nhà anh Tuân có thời gian trồng từ 2 đến 3 năm, đều là những cây đào đến thời điểm cho thu hoạch.
Các cây đào được chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận theo đúng quy trình nên cho thân thẳng, cành to, trổ nhiều nụ và hoa cánh to, đều với màu sắc hồng phai đặc trưng của đào Đông Sơn.
Anh Tuân cho biết so với các năm trước, giá đào phai Đông Sơn năm nay có tăng nhẹ khoảng 20 đến 30%, dao động từ 500 đến trên 1 triệu đồng/cây; cá biệt có những cây đào lâu năm được khách hàng trả giá tới 4,5 triệu đồng/cây.
Khách hàng có thể cắt cây sát gốc để cắm hoặc có thể bứng cả gốc cây để trồng chơi lâu dài. Nếu người chơi biết cách chăm sóc đúng kỹ thuật chơi được trong nhiều năm.
Hiện nay, Đông Sơn có 10 làng nghề trồng đào phai được công nhận là làng nghề truyền thống với tổng diện tích trồng đào trên 150ha. Đi đến bất cứ nơi nào trên đất Đông Sơn đều thấy được những vườn đào trải rộng, cận Tết những cánh hoa đào bung nở tạo nên màu hồng nhạt mát mắt.
Gia đình chị Phạm Thị Tâm, tại xóm 6, xã Đông Sơn là một trong nhiều hộ trồng đào phai có diện tích lớn của địa phương với trên 2 mẫu đất.
Vườn nhà chị có trên 400 gốc đào phai thì đã có tới hơn một nửa được khách hàng chọn mua. Là ngành nghề chính của gia đình nên tất cả lao động trong gia đình đều dồn cho những gốc đào phai.
Quần quật vất vả quanh năm chăm sóc đào, đến vụ gần Tết gia đình chị lại càng bận rộn hơn bao giờ hết. Hằng ngày, ngoài việc chăm sóc đào, dọn vườn, gia định chị còn đón hàng chục lượt khách hàng đến chọn mua.
Chị Tâm cho biết ngoài việc trồng đào phai, gia đình chị còn trồng thêm nhiều sản phẩm khác như đào thế, mai vàng, đào thất thốn... đây cũng chính là những loại cây trồng được khách hàng ưa chuộng trong nhiều năm nay.
Tuy nhiên, cây đào phai vẫn là cây trồng chủ lực của gia đình chị, ước tính vụ Tết năm nay gia đình thu nhập trên 200 triệu đồng từ cây đào.
Khẳng định vai trò của cây đào phai trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương, ông Đinh Văn Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Sơn, cho biết hiện Đông Sơn có khoảng 800 hộ trồng đào phai tại 10 làng nghề trồng đào và có tới 70% lao động của địa phương sản xuất dựa vào cây đào phai.
Nhiều năm qua, cây đào phai Đông Sơn đã có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Cây đào phai ngoài tiêu thụ trên địa bàn tỉnh còn được nhiều du khách từ các tỉnh như Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên... đến tham quan và chọn mua.
Xác định cây đào là cây trồng chủ lực của nền kinh tế địa phương, Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân xã đã có nhiều chủ trương, chính sách liên quan phát triển diện tích cũng như nâng cao chất lượng cây đào phai.
Theo tổng kết của Ủy ban Nhân dân xã Đông Sơn, vụ đào năm trước tổng thu từ cây đào phai của xã lên tới gần 20 tỷ đồng, dự kiến năm nay sẽ cao hơn do giá thành cây đào năm nay tăng hơn.
Trong thời gian tới, Đông Sơn sẽ tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, sản phẩm cây đào, trồng những cây đào thế có giá trị kinh tế cao hơn, mang lại thu nhập cho nhân dân trong xã.
Một mùa Xuân nữa lại về, mang những hơi thở ấm áp lan tỏa đến từng vườn đào phai Đông Sơn, cũng từ đây cây đào phai được mang đi khắp Ninh Bình và những tỉnh lân cận, mang mùa Xuân đến với mọi nhà./.