Ai đã một lần đến với Trung tâm Chắp Cánh (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) đều không khỏi ngạc nhiên trước vẻ đẹp đầy ấn tượng của những bức tranh phong cảnh, tĩnh vật… của họa sỹ Đỗ Minh Tâm - người đã nỗ lực vượt qua nghịch cảnh để đeo đuổi niềm đam mê hội họa bằng một các rất riêng, rất đặc biệt là vẽ tranh bằng miệng.
Ngồi trên chiếc xe lăn điện khi xung quanh toàn là tranh, màu, cọ, giấy vẽ..., trước bức tranh đang thơm mùi sơn dầu, họa sỹ Đỗ Minh Tâm vẫn hàng ngày miệt mài sáng tác với cây cọ ngậm trong miệng. Lâu lâu anh lại nhẫn nại cúi xuống quệt màu, rồi trầm tư, ánh mắt lộ vẻ say mê của một tâm hồn nghệ sỹ nhạy cảm. Tất cả như lấp đầy những nỗi đau lớn trong quá khứ mà anh phải gánh chịu…
Sinh năm 1973, Đỗ Minh Tâm, chàng trai quê Thanh Hóa, từng là lính hải quân và từng nhiều lần làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa. Sau khi xuất ngũ, anh vào Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp và làm đủ thứ nghề với mục đích kiếm tiền mua nhà rồi sẽ lấy vợ.
Nhưng rồi ước mơ vụt tắt khi năm 2001, anh bị tai nạn giao thông mà hậu quả là khi tỉnh dậy, điều anh biết duy nhất là mình đang nằm trong bệnh viện và vĩnh viễn trở thành người tàn phế - bị liệt toàn thân, chỉ còn cử động được đốt sống cổ.
Sau một năm điều trị ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh, anh được chuyển vào Trung tâm Chắp Cánh, được chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị vật lý trị liệu cùng với nhiều người cùng cảnh ngộ ở đây.
Rồi bàn tay phải của anh cử động được chút ít và anh đã có thể tự điều khiển chiếc xe lăn vận hành bằng pin do một nguồn từ thiện cấp. Niềm khát khao sống lại bùng lên trong Đỗ Minh Tâm và anh đã quyết tâm theo học vẽ tranh.
Không thể vẽ bằng tay hay bằng chân nên anh phải vẽ bằng miệng. Đó thực sự là một thử thách đầy khắc nghiệt đối với một người như anh. Anh phải cắn chặt cây cọ giữa hai hàm răng, quai hàm vận động liên tục, vừa để giữ cọ, vừa di chuyển... Và anh cứ thế nỗ lực không mệt mỏi dù hàm răng tê buốt và nhức mỏi.
Sẵn niềm đam mê vẽ tranh, Đỗ Minh Tâm đã tập trung vẽ bằng tất cả nguồn sống của mình. Được thầy dạy vẽ tận tình, sau một năm anh nắm bắt được một số kiến thức cơ bản về hội họa. Từ đó, anh có thể chép tranh, lâu dần anh đã bắt đầu sáng tác những tác phẩm của mình.
Họa sỹ Đỗ Minh Tâm cho biết: “Một bức tranh chép lại mất khoảng 2-6 tháng. Các tác phẩm sáng tác thì thời gian lâu hơn, có thể 1-3 năm.”
Đến tháng 9/2008, tác phẩm “Tài nguyên và môi trường” của họa sỹ Đỗ Minh Tâm được chọn dự treo trong cuộc triển lãm tranh người khuyết tật toàn thế giới tại Nhật Bản.
Riêng tác phẩm “Bước ngoặt” - đúng là một bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của anh - đã đoạt giải nhất trong cuộc thi hội họa do Chính phủ Đức và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức vào tháng 10/2010.
Các tác phẩm này đều có chú thích nhỏ phía dưới là “orally” (vẽ bằng miệng) và luôn được khách nước ngoài mua với giá rất cao so với giá mua tại Việt Nam.
Một số khách hàng từ Pháp, Mỹ, Đức, Nhật và Thụy Sĩ còn tìm đến Trung tâm Chắp Cánh để thưởng lãm, mua tranh và chứng kiến họa sỹ Đỗ Minh Tâm sáng tác tranh bằng miệng.
Trong quá trình sáng tác, họa sỹ Đỗ Minh Tâm còn tự mày mò trộn màu ướt với màu chết để tạo hiệu ứng 3D cho tranh thêm phần đẹp và lạ mắt.
Có lẽ do cảm hứng nghệ thuật từ hoàn cảnh đặc biệt nên tác phẩm của anh thường hấp dẫn người xem bởi những thông điệp giàu tính thời sự, tính nhân văn và bằng cả nỗi đau biểu thị trong những đường khối, màu sắc.
Tác phẩm “Tiếng vọng thâm tâm” mà anh rất tâm đắc được thực hiện sau ba năm là một lời cảnh báo về môi trường mà con người tác động vào và cũng tự con người phải gánh lấy hậu quả.
“Tiếng vọng thâm tâm” thể hiện một khu rừng tự nhiên và một nửa cây đàn guitar ghép cùng một nửa chiếc mandoline thành hình trái tim rực lửa.
Hiện tại, họa sỹ Đỗ Minh Tâm có khoảng gần 40 bức tranh, hầu hết sáng tác theo trường phái ấn tượng, và tranh phong cảnh truyền tải những ấn tượng đặc biệt của anh về miền ký ức quê hương như: “Tình biển,” “Hoàng hôn cao nguyên,” “Phố cổ,” “Xuân,” “Hoài niệm,” “Bến sông quê”…
Sau một thời gian sáng tác và đã có trong tay một số kha khá các tác phẩm, anh ao ước mở được một cuộc triển lãm để trưng bày những bức tranh của mình.
Anh cho biết, nếu bán được nhiều tranh, anh sẽ dành phần lớn số tiền để hoạt động từ thiện, giúp đỡ những số phận có hoàn cảnh không may mắn như mình./.