VĐV Ai Cập trùm kín mít thi đấu bóng chuyền bãi biển Olympic

Hai tuyển thủ Ai Cập đã quyết định trung thành với trang phục truyền thống là khăn trùm đầu hijab khi thi đấu ở môn bóng chuyền bãi biển tại Olympic Rio 2016, thay vì bikini.
VĐV Ai Cập trùm kín mít thi đấu bóng chuyền bãi biển Olympic ảnh 1Tuyển thủ Ai Cập (trái) đã quyết định trung thành với trang phục truyền thống là khăn trùm đầu hijab. (Nguồn: Reuters)

Mặc dù là môn thể thao gắn liền với trang phục bãi biển, nhưng trận bóng chuyền nữ giữa đội tuyển Ai Cập và đội tuyển Đức trong khuôn khổ Olympic vừa qua đã thể hiện rõ sự đối lập văn hóa giữa hai đội, cũng như phá vỡ những tư tưởng cố hữu về trang phục của vận động viên.

Nada Meawad và Doaa Elghobashy, hai tuyển thủ Ai Cập đã quyết định trung thành với trang phục truyền thống là khăn trùm đầu hijab, mặc quần bó và áo dài tay, trong khi những đối thủ người Đức của họ, Laura Ludwig và Kira Walkenhorst lại mặc bikini hai mảnh tiêu chuẩn.

Liên đoàn Bóng chuyền Quốc tế (FIVB) trước đây đã đưa ra các quy định chuẩn về trang phục thi đấu, tuy nhiên ở kỳ Thế vận hội London 2012, những quy định này đã bớt bó buộc hơn, cho phép các vận động viên có thể mặc áo dài tay và quần bó.

Cùng với sự thay đổi này, các vận động viên nữ tới từ các nước Hồi giáo có thể mặc hijab và quần áo phù hợp với tín ngưỡng của họ để tham dự thi đấu tại Olympic.

Mặc dù đã thất bại trước cặp vận động viên người Đức sau 40 phút thi đấu, Elghobashy vẫn rất hạnh phúc vì được đại diện quốc gia của mình và là một phần của đội tuyển bóng chuyền bãi biển Ai Cập.

“Tôi đã mặc hijab 10 năm. Nó không hề cản trở tôi khỏi những điều tôi muốn làm, và chơi bóng chuyền bãi biển là một trong số đó.”

VĐV Ai Cập trùm kín mít thi đấu bóng chuyền bãi biển Olympic ảnh 2

Elghobashy và Meawad đã đạt tiêu chuẩn tham dự Olympic sau khi tham gia một cuộc thi tại khu vực với mục tiêu đưa thể thao đến các quốc gia khác ngoài châu Âu và châu Mỹ.

Người phát ngôn của FIVB, Richard Baker cho biết thể thao muốn “mở rộng cánh cửa về văn hóa” với các vận động viên. “Mục tiêu là cho phép nhiều người được chơi bóng chuyền hơn,” ông nói.

Vận động viên đấu kiếm Ibtihaj Muhammad của đội tuyển Mỹ cũng đã mang hijab suốt sự nghiệp thi đấu của mình, và là vận động viên đầu tiên tham dự môn đấu kiếm với trang phục hijab./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục