Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ ba (VDRF 2020) diễn ra ngày 29/9 tại Hà Nội với chủ đề “Việt Nam: Hành động để Phục hồi Tăng trưởng nhanh theo hướng Bền vững và Bao trùm trong Bối cảnh đại dịch COVID-19."
Tiến sỹ Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB), đã có bài phát biểu nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam trước những thách thức và cơ hội của đại dịch.
Trong bài phát biểu của mình, bà Victoria Kwakwa cho rằng với kết quả phát triển xuất sắc trong ba thập kỷ vừa qua, Việt Nam được coi là câu chuyện thành công về phát triển. Là một nền kinh tế năng động, Việt Nam còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Câu chuyện thành công về phát triển kinh tế
Trong giai đoạn sau khủng hoảng toàn cầu 2009-2017, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhất về giá trị trong các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), và nằm trong tốp 5 quốc gia có tốc độ tăng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất. Đặc biệt, Việt Nam đã thành công trong hội nhập vào các GVC chế biến và chế tạo, thúc đẩy tăng trưởng và gia tăng việc làm.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã ký kết các hiệp định thương mại và đầu tư quan trọng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) - những hiệp định được kỳ vọng sẽ thúc đẩy năng suất và tăng trưởng của nền kinh tế Đông Nam Á này. Đây là những yếu tố giúp kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu trong thời kỳ đại dịch.
Bất chấp những diễn biến của đại dịch, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đạt 1,8% trong nửa đầu năm 2020. Sản lượng công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước tăng 30% trong quý 2/2020. Giá trị xuất khẩu hàng hóa cũng tăng 13% mỗi tháng trong thời gian từ tháng 1-3/2020, và 9% từ tháng 4-6/2020.
Trong nửa đầu năm 2020, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam đạt 16 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2019, song vẫn khả quan hơn đáng kể so với mức suy giảm trung bình 30-40% trên toàn cầu, theo ước tính của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD).
Ngoài ra, từ năm 2010 đến năm 2020, Chỉ số vốn con người của Việt Nam đã tăng từ 0,66 lên 0,69. Để so sánh, chỉ số này tiếp tục cao hơn mức trung bình của các nước có cùng mức thu nhập, mặc dù mức chi tiêu công cho y tế, giáo dục và trợ giúp xã hội của Việt Nam thấp hơn so với các nước được so sánh này.
Dư địa để tiếp tục cải thiện
Mặc dù nền kinh tế vẫn đang có những khả năng chống chịu nhất định, bà Victoria Kwakwa cho rằng Việt Nam vẫn còn dư địa đáng kể để tiếp tục cải thiện về phát triển GVC, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển dài hạn đầy tham vọng là trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 và thu hẹp khoảng cách phát triển với các nền kinh tế tiên tiến.
Thứ nhất, mức độ Việt Nam tham gia vào các GVC toàn cầu và khu vực vẫn còn hạn chế. Mặc dù là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới và thành công trong việc thu hút FDI, mức độ tham gia của Việt Nam vào các GVC vẫn thấp hơn nhiều so với các nước cùng khối ASEAN.
Năm 2018, Việt Nam thu được 20,4 tỷ USD từ việc tham gia các GVC, xếp thứ 55 trên tổng số 174 quốc gia. Con số này chưa bằng 1/4 của quốc gia tiếp theo trong khối ASEAN là Philippines với 84,8 tỷ USD và xếp thứ 34.
[Chuyên gia: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt từ 2-3%]
Thứ hai, mức độ tham gia của Việt Nam vào các công đoạn tinh vi phức tạp trong chuỗi chế tạo vẫn còn thấp. Theo Báo cáo Phát triển Thế giới (WDR) năm 2020, trình độ của Việt Nam trong chế biến chế tạo còn hạn chế, và cần tiến lên hơn nữa trong GVC để nâng cao năng suất. Hai cấp độ tinh vi phức tạp tiếp theo trong sự tham gia vào GVC là chế biến, chế tạo và dịch vụ tiên tiến, cùng các hoạt động đổi mới sáng tạo.
WDR năm 2020 ước tính rằng cứ 1% tăng lên trong sự tham gia GVC sẽ làm tăng mức thu nhập bình quân đầu người lên hơn 1%, nhiều hơn khoảng hai lần so với thương mại truyền thống. Do vậy tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào GVC sẽ là quan trọng để Việt Nam đẩy nhanh việc gia tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế.
Làm thế nào để chuẩn bị tốt hơn?
Về việc Việt Nam làm thế nào để có thể chuẩn bị tốt cho việc phục hồi mạnh mẽ và tận dụng các cơ hội mới xuất hiện trong bối cảnh đại dịch COVID-19, bà Victoria Kwakwa đã chỉ ra những định hướng chính sách của Việt Nam trong các giai đoạn ngắn, trung và dài hạn.
Đầu tiên, trong tầm ngắn hạn, việc đa dạng hóa các công ty đa quốc gia (MNC) phụ thuộc vào triển vọng phục hồi của các cơ sở sản xuất thay thế. Việt Nam đã làm tốt cho đến nay nhưng cần tiếp tục ngăn chặn dịch bệnh và củng cố các hoạt động có thể đẩy nhanh việc phục hồi mạnh mẽ.
Cùng với đó, Việt Nam cần tránh chủ nghĩa bảo hộ và trên thực tế, bà Victoria Kwakwa tin rằng Việt Nam nên tiếp tục nới lỏng các hạn chế đối với dòng vốn FDI và các lĩnh vực kinh doanh của nguồn vốn này.
Về trung hạn, việc chuẩn bị tốt cho “trạng thái bình thường mới” của các GVC là điều quan trọng. Trong bối cảnh đó, việc thiết lập các chuỗi cung ứng không thể diễn ra một sớm một chiều và các công ty vẫn phải vượt qua quá trình di dời tốn kém và tốn thời gian.
Để đón đầu các cơ hội, Việt Nam có thể xem xét một loạt các biện pháp, trong đó có việc cân nhắc xây dựng các chiến lược để chủ động hướng vào và thu hút các nhà đầu tư từ Trung Quốc (sử dụng các Hiệp định xúc tiến và bảo hộ đầu tư và các biện pháp khuyến khích đặc biệt), thông qua việc cải thiện đòn bẩy FDI, thực hiện các biện pháp nhằm cho phép những liên kết chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
Ngoài ra, chính phủ cũng có thể xem xét lại chiến lược Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Việc hỗ trợ đang diễn ra thiên về đổi mới sáng tạo dựa trên nghiên cứu và phát triển (R&D) ứng dụng do các tổ chức của trường đại học và các tổ chức nghiên cứu và các công ty FDI thực hiện, đó là những nỗ lực nhằm “cải thiện thêm khả năng về công nghệ."
Tuy nhiên, ở giai đoạn này, phần lớn kết quả tăng năng suất ở Việt Nam có lẽ là nhờ nâng cấp trình độ quản lý, sản xuất và ứng dụng các công nghệ hiện có. Vì vậy, việc tái cân bằng các nguồn lực và công cụ chính sách để hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhằm giúp họ “tiến tới giới hạn đó” thông qua việc ứng dụng và phổ biến công nghệ hiện có, nên là một trụ cột ưu tiên chính trong Chiến lược Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Về dài hạn, Việt Nam cần thu hẹp khoảng cách về năng suất và nỗ lực đạt năng suất tối đa. Tính trung bình, năng suất lao động trong các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển (EMDE) chưa bằng 1/5 mức ở các nền kinh tế tiên tiến, và kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng chỉ những nền kinh tế với những đặc điểm như chất lượng thể chế hoặc trình độ học vấn cao mới có thể tiếp cận được mức độ này.
Đối với Việt Nam, cần nhấn mạnh vào phát triển kỹ năng và xây dựng năng lực R&D, cũng như thực hiện hữu hiệu đột phá của Việt Nam về cải cách thể chế. Ngoài ra, phát triển kỹ năng cũng là quan trọng để nâng cao mức độ tham gia vào GVC, từ chế biến, chế tạo hạn chế, như Việt Nam hiện nay, lên chế biến chế tạo và dịch vụ tiên tiến. Điều này bao gồm cả kỹ năng chuyên môn và quản lý. Nhưng đồng thời, Việt Nam cũng có thể quan tâm đúng mức đến năng lực R&D và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi dần dần sang mức độ cuối cùng của sự tham gia vào GVC, đó là các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Kết thúc bài phát biểu của mình, bà Victoria Kwakwa, người từng có nhiều năm làm việc tại Việt Nam, đã đưa hình ảnh chiếc bánh Trung thu truyền thống vào bài phát biểu. Bà đưa ra một công thức bánh (P.I.E) Trung thu (của Việt Nam) cho thành công, trong đó "P" là chữ viết tắt của Khu vực tư nhân, một khu vực sôi động và sáng tạo có mối liên kết chặt chẽ với FDI, "I" là chữ viết tắt của các Thể chế hữu hiệu và "E" là chữ viết tắt của giáo dục có chất lượng.
Bà Victoria Kwakwa cho rằng việc thực thi hữu hiệu những yếu tố trên là rất cần thiết để đạt được những kết quả dự kiến của chương trình cải cách được thiết kế tốt. Theo bà, Việt Nam đã làm rất tốt trong quá khứ và hiện tại, chắc chắn Việt Nam có thể làm tốt như vậy hoặc thậm chí tốt hơn trong tương lai./.