VDPF: Nâng cao năng suất lao động để giải phóng nguồn lực

Một trong những mục tiêu chính của kế hoạch 5 năm tới là nâng cao năng suất lao động, tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp...
Các đại biểu tham dự Diễn đàn. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ngày 5/12, Hà Nội, Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam với chủ đề "Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững." Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến tham dự và chỉ đạo Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015, chuẩn bị bước sang một nhiệm kỳ Chính phủ mới với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020 trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều biến động và Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng hơn, toàn diện hơn với khu vực, quốc tế.

Đánh giá cao những kết quả đạt được trong giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã đạt được thành công 5 năm đầu tiên trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2020 và đang chuẩn bị cho các quyết định mang tính chiến lược và chính trị quan trọng. Trong đó đề ra những định hướng ưu tiên cho nửa sau của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2020 với các nhiệm vụ được thực hiện vào đầu năm 2016. Những sự chuyển tiếp này có thể bổ trợ cho nhau và mang lại kết quả phát triển tốt đẹp cho Việt Nam trong 5 năm tới.

Bà Victoria Kwakwa chỉ ra, một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam là năng suất lao động thấp và đang giảm dần đáng lo ngại. Tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam khá thấp, chỉ khoảng 4%, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc và Hàn Quốc thời kỳ có trình độ phát triển như Việt Nam hiện tại. Với tốc độ cải thiện năng suất lao động thấp như hiện tại, theo bà Kwakwa, Việt Nam sẽ không thể đi theo quỹ đạo như Trung Quốc và Hàn Quốc trước đây.

Bên cạnh đó, bà Victoria Kwakwa cho rằng, việc chuyển vai trò của Nhà nước từ sản xuất sang quản lý là rất cần thiết. Chính phủ cần có những bước đi rút ra khỏi những lĩnh vực không cần tham gia. Về vấn đề này, bà Victoria Kwakwa dẫn chứng, "việc thoái vốn khỏi Vinamilk là một bước đi đúng và những việc làm tương tự như thế này sẽ giúp tăng hiệu quả của Chính phủ Việt Nam.”

Theo đại diện WB, những quyết định thay đổi vai trò của Nhà nước như vậy, sẽ giúp Việt Nam cải thiện năng suất lao động và tạo ra một môi trường kinh doanh tốt hơn.

Liên quan đến năng suất lao động, đồng quan điểm trên, ông David Devine, Đại sứ Canada cũng cho rằng, một trong những khó khăn của Việt Nam hiện nay là hiệu suất lao động kém, mà nguyên nhân được lý giải một phần do số các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kém hiệu quả, hoạt động dàn trải và sự yếu kém và chậm vươn lên của khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

Theo ông David Devine, sự cải tổ là cấp thiết. Nỗ lực hội nhập của Việt Nam là một trong những yếu tố sẽ giúp sự cải tổ diễn ra nhanh hơn.

Ông David Devine cho rằng, việc mở rộng hội nhập, nhất là nỗ lực tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chứng tỏ Việt Nam tin tưởng vào việc giải quyết được các khó khăn vướng mắc, trong đó có đẩy mạnh cổ phần hóa, cải thiện hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước và nâng cao năng suất lao động.

Còn ông Jonathan Dunn, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) cũng cho rằng, cải cách doanh nghiệp nhà nước sẽ giúp Việt Nam giải phóng nguồn lực.

Theo đại diện IMF, tình hình kinh tế Việt Nam khá ổn định, tăng trưởng đang lấy lại đà. Tuy nhiên, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước vẫn dưới mong đợi, thâm hụt ngân sách cao và nợ công tăng nhanh. Ông Jonathan Dunn cho rằng, việc giảm chi tiêu xây dựng có bản sẽ giúp giảm thâm hụt ngân sách nhưng về sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam về dài hạn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho rằng, nâng cao năng suất lao động sẽ được làm thường xuyên, liên tục, mạnh mẽ trong thời gian dài. Đây sẽ là một trong những mục tiêu chính được Việt Nam ưu tiên tại kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020.

Một số giải pháp được người đứng đầu của Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra là tiếp tục phát triển kinh tế thị trường, thay đổi hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước theo hướng thực chất hơn, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân, đồng thời mở rộng cơ hội đầu tư, kinh doanh cho khối ngoài nhà nước.

Phát biểu chỉ đạo tại tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trong 5 năm vừa qua, với sự nỗ lực của nhân dân Việt Nam, của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của bạn bè cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Tuy nhiên Thủ tướng cho biết con đường phát triển sắp tới có nhiều thời cơ thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức không nhỏ.

Thủ tướng cho rằng việc Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, một mặt đem lại thời cơ lớn, mặt khác phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt.

Thủ tướng thẳng thắn thừa nhận rằng nền kinh tế Việt Nam phát triển chưa bền vững, sức cạnh tranh còn thấp, năng suất lao động thấp… và đây chính là thách thức phải vượt qua.

Đề cập đến mục tiêu phát triển giai đoạn 2015-2020 của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, yêu cầu đặt ra cho giai đoạn này là phát triển nhanh hơn, bền vững hơn 5 năm trước với các trụ cột; trong đó, mục tiêu cao nhất là tăng trưởng kinh tế cao hơn, bền vững hơn phấn đấu đạt mức từ 6,5 đến 7%.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam ưu tiên thực thi các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô gắn với tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao năng lực quản trị, cạnh tranh bình đẳng, hiệu quả trong kinh tế thị trường. 

Chính phủ cũng sẽ triển khai nhiều biện pháp để nâng cao năng suất lao động, đảm bảo giữ bội chi ngân sách dưới 4% theo quy định của Luật Ngân sách; bảo đảm nợ công giới hạn an toàn và sử dụng hiệu quả đầu tư công. Việt Nam kiên quyết bảo đảm an toàn nợ công, giữ vững an ninh tài chính quốc gia bảo đảm an toàn quỹ bảo hiểm xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục