VCCI ra thông điệp phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt

Lần đầu tiên VCCI tổ chức hội nghị gặp gỡ toàn quốc các Hiệp hội Doanh nghiệp và giới Doanh nhân Việt Nam để thảo luận thực hiện mục tiêu chung phát triển doanh nghiệp, xây dựng văn hóa kinh doanh.
Ông Phạm Tấn Công Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)

Đội ngũ doanh nhân là nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, có vai trò quan trọng trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập của nước Việt Nam thời kỳ mới.

Khẳng định điều này tại Hội nghị toàn quốc các Hiệp hội Doanh nghiệp và giới Doanh nhân Việt Nam 2023, ngày 11/10, ông Phạm Tấn Công Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh với nhìn nhận doanh nghiệp là lực lượng chủ lực trong xây dựng kinh tế, thì doanh nhân chính là lực lượng nòng cốt giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành đội ngũ doanh nghiệp của đất nước.

Doanh nhân vào tốp "tỷ phú USD"

Ông Công chỉ ra, đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp đã đạt con số 2-3 triệu người và nếu tính tất cả những người làm kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể thì đội ngũ doanh nhân có thể đạt tới 10 triệu người.

Báo cáo của Viện Phát triển Doanh nghiệp (VCCI) cho biết cùng với sự tăng lên về số lượng, đội ngũ doanh nhân Việt Nam cũng không ngừng lớn mạnh, một số doanh nhân đã vào tốp "tỷ phú USD" toàn cầu.

Hiện Việt Nam đã có 124 doanh nghiệp với 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia. Trong đó, một số thương hiệu quốc gia đã gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới, như Viettel, Vinamilk, VinFast, Thaco, TH True Milk, Phở Thìn, Gạo ST25… Theo báo cáo, các doanh nghiệp/doanh nhân Việt Nam đã đóng góp khoảng 60% GDP đồng thời tạo việc làm cho gần 14,8 triệu lao động (chiếm 30% tổng số lao động) và đóng góp vào ngân sách Nhà nước ngày càng tăng.

[Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp mặt Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam]

Tại sự kiện, ông Công cho biết đây lần đầu tiên VCCI tổ chức hội nghị gặp gỡ toàn quốc các Hiệp hội Doanh nghiệp và giới Doanh nhân Việt Nam. Các lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp trên cả nước có dịp hội ngộ và cùng nhau bàn về công tác phát triển hiệp hội. Bên cạnh đó, đội ngũ doanh nhân cùng bàn thảo về hợp tác thực hiện mục tiêu chung về phát triển doanh nghiệp, phát triển ngành, xây dựng văn hóa kinh doanh…

“Việc VCCI là đơn vị chủ trì và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là đơn vị phối hợp tổ chức hội nghị, cũng là thông điệp hiệu triệu các hiệp hội doanh nghiệp hãy tăng cường liên kết, hợp tác trong hoạt động vì sự phát triển chung của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam,” ông Công nói.

Chặng đường nhiều “gập nghềnh”

Đến với hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm xây dựng hiệp hội đồng thời chỉ ra những các khó khăn, vướng mắc và thách thức, từ đó có những giải pháp vượt qua.

Báo cáo của Viện Phát triển Doanh nghiệp cho hay thách thức hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay là tiếp cận tín dụng và tình hình thị trường bị thu hẹp với những khó khăn trong tìm kiếm khách hàng đồng thời tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 vẫn còn kéo dài.

Kết quả khảo sát năm 2022, 55,6% doanh nghiệp phản ánh tín dụng đã trở thành vấn đề lớn nhất, trong đó các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ là nhóm khó tiếp cận hơn cả. Cụ thể, nhóm các doanh nghiệp có quy mô vốn từ 3 tỷ đồng trở xuống, tỷ lệ đang tiếp cận tín dụng chỉ là 11%. Nhóm có quy mô vốn từ trên 3 tỷ đến 10 tỷ đồng, tỷ lệ này là 20,5%.

Một trong những chương trình hỗ trợ tín dụng quan trọng cho doanh nghiệp là Gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm với quy mô 40.000 tỷ đồng trong hai năm 2022-2023, thông qua hệ thống ngân hàng thương mại nhằm giúp các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, 29,5% doanh nghiệp chia sẻ có biết tới Chương trình này và chỉ 2% doanh nghiệp này nhận được khoản vay từ đây.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp tiếp tục phàn nàn tình trạng phiền hà ở một số lĩnh vực thủ tục hành chính chủ chốt. Cụ thể, 71,7% doanh nghiệp nhận định “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến” và con số này đang cao đáng kể so với tỷ lệ 57,4% của năm 2021. Năm lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất là thuế/phí (35%), đất đai/giải phóng mặt bằng (29%), bảo hiểm xã hội (20%), phòng cháy và xây dựng (13%).

Không chỉ có vậy, môi trường pháp lý thiếu tính ổn định làm giảm khả năng tiên liệu, dẫn đến rủi ro gia tăng cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Hiện, 70,4% doanh nghiệp cho biết không bao giờ hoặc hiếm khi dự đoán được việc thực thi của chính quyền các địa phương đối với chính sách, pháp luật của Trung ương. Do vậy, các ý kiến cho rằng việc giảm rủi ro pháp lý, tăng cường tính ổn định về mặt chính sách và môi trường pháp lý có ý nghĩa lớn trong việc thu hút đầu tư vào các dự án lớn, phát triển kinh tế tư nhân và tăng động lực để các doanh nghiệp kinh doanh bền vững hơn.

Hội nghị toàn quốc các Hiệp hội doanh nghiệp và giới Doanh nhân Việt Nam 2023, ngày 11/10. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Nguyễn Ngọc Sơn Tổng Thư ký Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, chia sẻ nửa đầu chặng đường của năm 2023, các doanh nghiệp trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, do số lượng và quy mô đơn hàng giảm mạnh. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 2,65% (cùng kỳ năm 2022 là 8,35%). Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương như dệt may, điện tử, chế biến gỗ.... đều bị giảm mạnh về đơn hàng. Dẫn đến, hơn 80 ngàn lao động bị mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương.

Để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Ngọc Sơn kiến nghị cần tiếp tục triển khai Gói hỗ trợ lãi 2% cho doanh nghiệp và chính sách khoanh nợ, giãn nợ, tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất. Bên cạnh đó, ông Sơn đề nghị tháo gỡ một số nội dung liên quan phòng cháy chữa cháy, như nhanh chóng công bố và cấp phép cho nhiều sản phẩm đủ tiêu chuẩn và xã hội hóa công tác kiểm định, thẩm duyệt, nghiệm thu công tác phòng cháy chữa cháy...

Ban hành chính sách hỗ trợ “dài hơi”

Đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa thành phố Hà Nội cũng cho hay phần lớn các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Do đó, Hiệp hội đề xuất 6 nhóm vấn đề chính. Thứ nhất là miễn, giảm tiền thuê đất năm 2023 để duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thứ hai là tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2023 và các năm tiếp theo để duy trì hoạt động kinh doanh. Thứ ba cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tài chính để phục vụ sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động, đào tạo, đào tạo lại, tạo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động với lãi suất cho vay tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp phương án kinh doanh của các doanh nghiệp.

Nhóm vấn đề thứ tư, doanh nghiệp đề nghị cơ quan Bảo hiểm Xã hội cho phép doanh nghiệp được tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội hết năm 2023 và các năm tiếp theo. Thứ năm, Chính phủ sớm chỉ đạo rà soát các mắt xích logistics và có giải pháp ổn định chi phí này. Cuối cùng, cộng đồng doanh nghiệp mong Chính phủ ban hành chính sách có tính chất dài hơi để hỗ trợ doanh nghiệp (như giảm, giãn, gia hạn thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí sản xuất, kinh doanh; Các chính sách phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy kết nối trong nước, hình thành các chuỗi liên kết, đẩy mạnh hỗ trợ chuyển đổi số).

Đồng tình với những đề xuất trên, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, cho hay từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là về thị trường, đơn hàng, giá cả nguyên vật liệu và nguồn vốn... Nhiều doanh nghiệp cho biết đã phải hoạt động cầm chừng hoặc tìm mọi cách xoay sở để duy trì việc làm cho người lao động. Do, đơn hàng sản xuất của doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh, tình trạng thiếu việc làm diễn ra khá phổ biến. Thêm vào đó, giá điện tăng (tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành) tạo thêm áp lực về chi phí cho các doanh nghiệp nên chỉ số sản xuất công nghiệp từ đầu năm đến nay tăng rất thấp so với cùng kỳ.

Bà Hà nhấn mạnh việc kéo dài thời hạn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn COVID-19. Theo đó, chính sách hỗ trợ giảm 2% thuế giá trị gia tăng nên kéo dài đến hết năm 2024 thay vì chỉ hết năm 2023. Mặt khác, bà Hà cho kiến nghị cần đẩy nhanh việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và thực hiện một số cơ chế, biện pháp đặc biệt về thuế.

"Các cấp nên kết hợp các biện pháp thanh tra, hậu kiểm để kiểm soát rủi ro, chống gian lận thuế nhằm tạo điều kiện cho số đông các doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật," bà Hà chỉ ra.

Tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An cho biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa chính thức ký ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW (ngày 10/10/2023) về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới bắt đầu sự khởi đầu mới trong tình hình mới.

Nghị quyết 41 đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp đồng bộ bảo đảm thực hiện các quan điểm, mục tiêu đã xác định, phù hợp với bối cảnh và tình hình mới.(Ảnh: Vietnam+)

Theo ông Đỗ Ngọc An, Nghị quyết 41 xác định đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng. Đây là điểm tương tự Nghị quyết 09 song có bổ sung thêm: Đội ngũ doanh nhân là một trong những lực lượng nòng cốt, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Ông An nhấn mạnh Nghị quyết xác định quan điểm phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và cống hiến là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và đội ngũ doanh nhân gắn với quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ Nghị quyết đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp đồng bộ bảo đảm thực hiện các quan điểm, mục tiêu đã xác định, phù hợp với bối cảnh và tình hình mới. Với những nội dung mới này, ông tin tưởng Nghị quyết 41 sẽ từng bước đi vào đời sống đi vào các hoạt động của đội ngũ doanh nhân doanh nghiệp Việt Nam từng bước phát triển mạnh mẽ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục