VCCI đề nghị các đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ DN hội nhập

Chủ tịch VCCI đề nghị các Đại sứ, Tổng Lãnh sự hỗ trợ về công tác quảng bá sản phẩm cũng như cung cấp thông tin về thị trường và văn hóa, tập quán kinh doanh của nước bạn cho doanh nghiệp Việt.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại buổi làm việc, ngày 12/4. (Ảnh: Vietnam+)
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại buổi làm việc, ngày 12/4. (Ảnh: Vietnam+)

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công thay mặt cho cộng đồng doanh nghiệp đề nghị các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong nhiệm kỳ mới tiếp tục hỗ trợ trong công tác xúc tiến thương mại.

Thông tin trên được đưa ra trong buổi “Gặp gỡ các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và doanh nghiệp," do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ngày 12/4.

[PCI 2022: Thuế và phí vẫn là thủ tục hành chính phiền hà nhất]

Ông Phạm Tấn Công đề nghị các Đại sứ, Tổng Lãnh sự hỗ trợ về công tác quảng bá sản phẩm cũng như cung cấp thông tin về thị trường và văn hóa, tập quán kinh doanh của nước bạn. Trong đó, cơ quan đại diện Việt Nam sẽ là cầu nối chắp mối và giới thiệu các đối tác tiềm năng để mở rộng thị trường đồng thời hỗ trợ trong dự báo tình hình kinh tế, xã hội các địa bàn và hỗ trợ trong xử lý các tranh chấp kinh tế quốc tế, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ ở Việt Nam và ở nước ngoài.

Chủ tịch VCCI cho biết cộng đồng doanh nghiệp trong nước mong muốn được tiếp cận và kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư tại Việt Nam và được đồng hành trong các chương trình hội thảo xúc tiến, giới thiệu về môi trường đầu tư Việt Nam tại nước ngoài, phối hợp đưa đoàn doanh nghiệp từ các địa bàn về khảo sát môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam (đặc biệt trong một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao…).

“Hội nhập phát triển kinh tế ngày càng phát triển và sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt được kết quả như mong đợi, rất cần sự giúp đỡ và mở đường của Bộ Ngoại giao cùng các Đại sứ và Trưởng các Cơ quan đại điện,” ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết đoàn các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026 gồm 16 cán bộ được bổ nhiệm tại các địa bàn ở Đông Nam Á, châu Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Phi. Đây là các cán bộ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại, ngoại giao kinh tế.

Trước khi đoàn lên đường nhận nhiệm vụ, Bộ Ngoại giao tổ chức cho đoàn Trưởng Cơ quan đại diện làm việc với các  bộ, ngành, địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp chủ chốt. Mục đích nhằm nắm bắt tình hình và nhu cầu trong nước, thiết lập kênh trao đổi thông tin, qua đó giúp các Đại sứ, Tổng Lãnh sự trong xây dựng các chương trình, kế hoạch đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp khi nhận nhiệm vụ ở nước ngoài.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, năm 2023 và các năm tới, kinh tế thế giới dự báo khó khăn hơn do tác động cộng hưởng của những diễn biến phức tạp về chính trị, kinh tế, an ninh và kinh tế toàn cầu chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch. Trong dài hạn, các tổ chức quốc tế như World Bank, Quỹ Tiền tệ quốc tế cảnh báo về rủi ro tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 sẽ chậm lại so với giai đoạn 2010-2019, xuất hiện thêm một số bất ổn, rủi ro về tài chính-ngân hàng ở Mỹ, EU.

Bên cạnh đó, phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu, các nước phát triển đẩy nhanh việc thực thi, áp dụng các tiêu chuẩn, tiêu chí mới về thương mại, đầu tư quốc tế, gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các tiêu chuẩn xã hội (như cơ chế điều chỉnh các-bon xuyên biên giới sẽ được EU triển khai thí điểm từ đầu tháng 10/2023, các nước OECD triển khai thuế tối thiểu toàn cầu từ đầu năm 2024; Mỹ, EU, Nhật Bản tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn lao động đối với các mặt hàng xuất khẩu).

“Bối cảnh này đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng mang lại cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Xác định ‘biến nguy thành cơ’-triển khai nhiệm vụ đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Ngoại giao và các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện nhận thức rõ về trách nhiệm, vai trò của mình và mong muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước và doanh nghiệp,” Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh.

Theo đó, đại diện các Cơ quan đại diện cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp kiến chủ động hơn trong việc tìm hiểu thị trường thông qua kết nối tới VCCI cũng như các cơ quan đại diện, hệ thống thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài, trên cơ sở đó nắm bắt tiếp cận các thị trường khó nhưng còn rất nhiều tiềm năng, như Trung Đông-châu Phi, Trung và Nam Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục