Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các mục tiêu soạn chính sách thể hiện tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) chưa thể hiện rõ các chính sách được đề xuất có đảm bảo về "quyền tự định giá, cạnh tranh" về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh.
Đây cũng chính là nội dung được nhóm nghiên cứu chính sách của VCCI nêu trong công văn gửi Bộ Tài chính về đóng góp ý kiến cho Dự thảo Báo cáo Đánh giá tác động các chính sách đề nghị xây dựng Luật Giá (sửa đổi).
Quyền tự định giá mờ nhạt
Theo VCCI, Luật Giá là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trong hệ thống pháp luật về kinh doanh, có tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Song, đây cũng là văn bản thể hiện rõ nét quan điểm của Nhà nước trong các chính sách quản lý giá.
Đề xuất bổ sung sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá
Tuy nhiên, các mục tiêu soạn chính sách tại dự thảo dường như chưa thể hiện rõ các chính sách được đề xuất có đảm bảo "quyền tự định giá, cạnh tranh về giá" của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nữa hay không? Cụ thể, VCCI chỉ ra các mục tiêu chính sách thể hiện trong dự thảo đang phần lớn hướng đến sự quản lý về giá của Nhà nước đồng thời các yếu tố liên quan đến quyền tự định giá của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường vẫn còn thể hiện khá mờ nhạt.
“Điều này khiến cho cộng đồng doanh nghiệp quan ngại về chính sách quản lý giá của Nhà nước trong các chính sách đề xuất sắp tới,” nhóm nghiên cứu chỉ ra.
Do đó, để đảm bảo chính sách quản lý của Nhà nước trở nên nhất quán và tôn trọng sự phát triển của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, VCCI kiến nghị Ban soạn thảo bổ sung nội dung về mục tiêu của các chính sách đề xuất sửa đổi trong dự thảo Luật Giá sắp tới cần tôn trọng “quyền tự định giá, cạnh tranh về giá” của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Tránh nguy cơ “lạm dụng” chính sách
Theo quy định hiện hành thì Luật quy định về nguyên tắc xác định các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và quy định cụ thể Danh mục hàng hóa, dịch vụ này. Trong trường hợp phải điều chỉnh Danh mục thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Tuy nhiên ở dự thảo, danh mục chi tiết được đề xuất giao thẩm quyền quy định cho Chính phủ và Luật chỉ quy định nguyên tắc xây dựng danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và điều này có thể sẽ dẫn đến nguy cơ về “lạm dụng” chính sách.
Theo VCCI, việc Nhà nước định giá các loại hàng hóa, dịch vụ là biện pháp can thiệp trực tiếp vào thị trường và ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, việc xác định các loại hàng hóa, dịch vụ chịu cơ chế quản lý giá phải hết sức thận trọng.
VCCI cho rằng cần tránh việc xác định không chính xác các loại hàng hóa, dịch vụ và đặc biệt tránh việc “lạm dụng” bổ sung thêm hàng hóa, dịch vụ vào danh mục, từ đó làm “méo mó” thị trường. Vì vậy, việc danh mục được ban hành tại Luật và điều chỉnh danh mục phải thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ chế kiểm soát chặt chẽ để nhằm tránh việc lạm dụng việc điều chỉnh danh mục và giảm thiểu tác động đến thị trường bởi biện pháp quản lý giá này.
“Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá được quy định tại Luật sẽ hạn chế được tình trạng các văn bản quy phạm pháp luật khác ban hành thêm các hàng hóa, dịch vụ ngoài danh mục cũng như việc xác định tên của các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá không thống nhất-dựa trên thực tiễn của quy định tại Luật Đầu tư 2020,” đánh giá từ VCCI.
Trên cơ sở đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nội dung đánh giá về tác động tiêu cực của đề xuất chính sách ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ ở cấp Nghị định (dưới góc độ chính sách này sẽ có nguy cơ bị lạm dụng và khó kiểm soát). Nhóm nghiên cứu đề xuất lựa chọn chính sách danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tại Luật đồng thời rà soát lại toàn bộ danh mục để xác định chính xác các loại hàng hóa, dịch vụ Nhà nước cần định giá, tương ứng với nguyên tắc xác định các loại hàng hóa, dịch vụ.
Đề xuất chưa đi sâu vào thực tiễn
Dự thảo Luật đề xuất nâng cao điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá (điều kiện về số lượng của thẩm định viên về giá từ 3 lên 5 người; các thành viên góp vốn đều là thẩm định viên về giá; điều kiện của giám đốc chi nhánh tương ứng với điều kiện của giám đốc doanh nghiệp) đồng thời bỏ hình thức công ty cổ phần đối với doanh nghiệp thẩm định giá.
Về đề xuất chính sách này, VCCI cho rằng nếu mục tiêu hướng đến chất lượng dịch vụ của hoạt động thẩm định giá, thì cần phải điều chỉnh chính sách đối với thẩm định viên về giá, từ đó nâng cao chất lượng của báo cáo kết quả thẩm định giá cũng như chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp thẩm định giá.
Với nội dung dự thảo, việc đặt ra yêu cầu về điều kiện kinh doanh khắt khe hơn đối với doanh nghiệp thẩm định giá là chưa đủ bằng chứng là sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp, trong khi chịu trách nhiệm cho chất lượng của Báo cáo thẩm định vẫn là cá nhân thẩm định viên về giá.
Về loại bỏ loại hình công ty cổ phần đối với doanh nghiệp thẩm định giá, theo VCCI đề xuất chính sách này tác động rất lớn đến doanh nghiệp thẩm định giá, vì vậy cần được đánh giá một cách thận trọng. Hiện những lý giải cho đề xuất này tại dự thảo mới mang tính lý thuyết “trách nhiệm luôn gắn với cá nhân và cả doanh nghiệp thì việc có quy định mô hình doanh nghiệp thẩm định giá là công ty cổ phần sẽ không phù hợp” mà chưa có đánh giá về thực tiễn.
“Dự thảo không cung cấp thông tin thực tiễn này, vì vậy lý do đưa ra đề xuất này chưa thực sự thuyết phục,” phân tích của VCCI chỉ ra.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất nâng cao điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực thẩm định giá (dự kiến số lượng doanh nghiệp thẩm định giá sẽ bị thu hẹp lại). VCCI cho rằng điều này sẽ tác động đáng kể đến thị trường cạnh tranh và quyền lựa chọn của khách hàng và dẫn đến nguy cơ chi phí tăng cao trong khi chất lượng chưa chắc được đảm bảo./.