Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 31/3, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của Việt Nam là 2,399%, thấp hơn so với một số nước trong khu vực ASEAN.
Cụ thể, trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của Việt Nam thấp hơn 4,35% so với Indonesia, 1,48% so với Malaysia và 0,01% so với Thái Lan.
Khoảng cách giữa lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam và Mỹ có xu hướng nới rộng ở các kỳ hạn ngắn và thu hẹp ở các kỳ hạn dài khi tốc độ tăng của lợi suất Mỹ đang nhanh hơn Việt Nam.
[Huy động hơn 23.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu Chính phủ tháng 1]
Theo S&P, Fitch và Moody’s, hiện Mỹ đang có mức tín nhiệm lần lượt là AA+ ổn định, AAA tiêu cực và Aaa ổn định trong khi mức tín nhiệm của Việt Nam theo 3 tổ chức trên là BB tích cực, BB tích cực và Ba3 tích cực.
Theo Phòng chào giá VBMA, tháng 3/2022, lợi suất trung bình trái phiếu Chính phủ tăng từ 6,3 điểm đến 70,5 điểm ở tất cả các kỳ hạn so với trung bình tháng 2.
So với mặt bằng lợi suất năm ngoái, lợi suất của kỳ hạn 1 năm tăng 120 điểm, 2 năm tăng 109 điểm, 3 năm tăng 96 điểm, 4 năm tăng 76 điểm, 5 năm tăng 56 điểm, 7 năm tăng 36 điểm, 10 năm giảm 4 điểm, 15 năm tăng 6 điểm, 20 năm giảm 10 điểm và 30 năm giảm 9 điểm.
Trong quý 1/2022, Kho bạc Nhà nước đã phát hành tổng cộng 41.282 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, tương ứng 10% kế hoạch năm 2022.
Cụ thể, tổng giá trị phát hành của kỳ hạn 10 năm là 18.642 tỷ đồng, đạt 13% kế hoạch năm; 15 năm là 12.950 tỷ đồng, đạt 9% kế hoạch năm; 20 năm là 1,685 tỷ đồng, đạt 6% kế hoạch năm và 30 năm là 8.005 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch năm. Trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 7 năm gọi thầu thất bại.
So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành của trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng 3.742 tỷ đồng, tăng 25,11%; 15 năm tăng 369 tỷ đồng, tăng 2.93%; 20 năm giảm 455 tỷ đồng, giảm 21,34% và 30 năm tăng 4.552 tỷ đồng, tăng 131,82%.
Trong tháng 4/2022, sẽ có khoảng 6,543 tỷ đồng trái phiếu đến hạn, tương đương khoảng 12,86% giá trị trái phiếu sẽ đáo hạn cả năm.
Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch thông thường (Outright) là 180.021 tỷ đồng, tăng 31,4% so với tháng trước và giao dịch mua bán lại (Repo) là 95,427 tỷ đồngtăng 8,4% so với tháng trước.
Giá trị giao dịch trung bình/ngày của giao dịch Outright ở mức 7,827 tỷ đồng/ngày, giảm 8,6% so với tháng trước và giao dịch mua bán lại (Repo) là 4.149 tỷ đồng/ngày, giảm 24,6% so với tháng trước.
So với cùng kỳ năm trước, khối lượng giao dịch Outright tháng 3 tăng 7,79% và khối lượng giao dịch Repo tăng 31,6%. Kỳ hạn 10 năm và 15 năm là những kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất trong tháng.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tổng cộng 465 tỷ đồng trong tháng 3/2022. Như vậy, trong 3 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 485 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ./.