VBF: Cần những chính sách tối ưu để thúc đẩy kinh tế số ở Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế số ở Đông Nam Á; với quy mô 19 tỷ USD năm 2019, nền kinh tế Internet của Việt Nam có bước phát triển mạnh nhất trong khu vực.
Đại diện Tập đoàn Advantech Việt Nam giới thiệu trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ bệnh viện thông minh tại Ninh Thuận, ngày 8/1/2022. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) do Hội đồng Quản trị Liên minh VBF, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phối hợp tổ chức đã chính thức diễn ra phiên kỹ thuật vào chiều ngày 18/2 tại Hà Nội.

Tại đây, nhóm công tác về kinh tế số của VBF đã có nhiều khuyến nghị tới Chính phủ với vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, cùng các ban ngành chức năng và địa phương cần triển khai nhiều biện pháp tích cực hơn nữa để thúc đẩy tiến trình số hóa và giảm phát thải khí carbon, tăng cường đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), tham gia vào các hiệp định kinh tế số và thúc đẩy chia sẻ hạ tầng để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đại dịch làm thay đổi hành vi xã hội và "tàn phá" nền kinh tế toàn cầu; đồng thời, tạo cơ hội cho một số ngành nhất định phát triển. Trong khi các ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh trực tiếp hay tại chỗ gặp nhiều khó khăn trong đại dịch thì những ngành nghề dựa trên nền tảng công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông như giải pháp họp trực tuyến, thương mại điện tử, dịch vụ phát trực tuyến, dịch vụ giao nhận... lại có bước tăng trưởng mạnh mẽ.

Đó là kết quả của quá trình số hóa thông tin, áp dụng IoT và công nghệ di động, cho thấy sự tăng trưởng dữ liệu theo cấp số nhân và sự phát triển của các dịch vụ đám mây tiết kiệm chi phí.

Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong khu vực Đông Nam Á. Với quy mô 19 tỷ đôla Mỹ (USD) vào năm 2019, nền kinh tế Internet của Việt Nam có bước phát triển mạnh nhất trong khu vực.

Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ thông tin vào Việt Nam cũng ngày càng tăng cao. Đặc biệt, ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ coi Việt Nam là điểm đến đầu tư tiếp theo.

Vốn đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ thông tin đạt 4 tỷ USD cho 2.355 dự án trong năm 2021, đứng thứ 10 về quy mô đầu tư và vẫn tiếp tục tăng. Với xu hướng này, Việt Nam có cơ hội phát triển nền kinh tế số và phát triển phần mềm.

Ông Bruno Sivanandan, Thành viên Ban Quản trị Nhóm Công tác Kinh tế số cho biết, chiến lược quan trọng nhất mà Chính phủ có thể áp dụng để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế-xã hội là tiên phong chuyển đổi số và khuyến khích quá trình thay đổi.

Không thể tiếp tục lãng phí trong việc quản lý hành chính, Chính phủ các quốc gia trên toàn cầu hiện cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiếp cận công nghệ giúp đơn giản quy trình, giảm thiểu chi phí hành chính và hỗ trợ đổi mới để tạo ra các dịch vụ hiệu quả với chi phí hợp lý cho người dân.

[Xu hướng số hóa thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng]

Việc triển khai hơn 1.000 dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong thời gian vừa qua thực sự là kết quả xứng đáng được đánh giá cao. Thời gian tới đây, Chính phủ cần công nhận chứng chỉ chữ ký điện tử được cấp cho từng cá nhân.

Nền tảng của một thế giới số là cung cấp các giải pháp điện tử thay thế cho chữ ký vật lý và nhận dạng cá nhân. Việc điều chỉnh các tiêu chuẩn của Việt Nam phù hợp với quy định về định danh điện tử và dịch vụ tin cậy (eIDAS) sẽ là bước đi đầu tiên để Việt Nam định hình các quy định, tiêu chuẩn về chữ ký điện tử và hướng tới một tiêu chuẩn toàn cầu.

Theo ông Bruno, các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa là nền tảng của các giải pháp sáng tạo, đóng vai trò quan trọng đối với quá trình tăng trưởng bền vững của Việt Nam.

Nhiều startup và doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã được hưởng lợi từ hạ tầng công nghệ tiên tiến do các thành viên của Ban quản trị Nhóm công tác Kinh tế số phát triển nhằm hỗ trợ các startup trong giai đoạn đầu xây dựng, ra mắt và phát triển các giải pháp về y tế, chính phủ số, thành phố thông minh, nông nghiệp và công nghệ vũ trụ.

Chính phủ Việt Nam có thể tiên phong ứng dụng công nghệ mới thông qua việc xây dựng khung pháp lý vững chắc và cơ chế thực thi hiệu quả về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhằm khuyến khích cả doanh nghiệp trong nước và toàn cầu đầu tư vào công nghệ tiên tiến; giảm gánh nặng thuế.

Tăng cường các quy định thuế phù hợp với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ hoặc kinh doanh liên quan đến công nghệ; tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn bằng cách thu hút các nhà đầu tư mạo hiểm đến Việt Nam.

Trong khi Việt Nam có khoảng 50 công ty đầu tư mạo hiểm hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau thì hầu hết trong số đó đều đầu tư vào các công ty "đã xây dựng danh tiếng" hơn là các startup giai đoạn đầu.

Các đại biểu tham quan khu trưng bày sản phẩm của Tập đoàn FPT tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 3, hồi tháng 12/2021. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Do đó, khuyến nghị Chính phủ nên mở rộng phạm vi đầu tư cho các startups nước ngoài, dựa trên các giải pháp phù hợp với Việt Nam để thúc đẩy đổi mới sáng tạo; đồng thời, khuyến khích các nhà đầu tư mạo hiểm quốc tế mở văn phòng chi nhánh tại Việt Nam, cũng như khuyến khích các nhà đầu tư mạo hiểm trong nước tham gia nhiều hơn vào các dự án đầu tư ở giai đoạn đầu bằng cách áp dụng cơ chế ưu đãi thuế và nới lỏng các hạn chế cấp vốn như hiện nay.

Việc chia sẻ hạ tầng trên quy mô lớn cũng sẽ thúc đẩy tính cạnh tranh ở cấp độ doanh nghiệp, qua đó khuyến khích nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Ví dụ, hạ tầng băng thông rộng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, thường yêu cầu chi phí triển khai rất lớn nếu do một đơn vị khai thác duy nhất thực hiện, dẫn đến tình trạng phát triển hạ tầng còn chậm và người tiêu dùng không được tiếp cận dịch vụ mong muốn (và chắc chắn không có nhiều lựa chọn dịch vụ cạnh tranh).

Đại diện nhóm công tác khuyến nghị Chính phủ Việt Nam thúc đẩy phát triển hạ tầng kết nối nhanh hơn, với chi phí thấp hơn bằng cách khuyến khích chia sẻ hạ tầng thụ động, kết hợp với quy trình cấp phép và mức phí phù hợp về cấp quyền phát triển hạ tầng (bao gồm giảm thời gian thực hiện các quy trình, thủ tục đó), đồng thời loại bỏ các rào cản pháp lý về vấn đề này.

Chia sẻ hạ tầng chủ động cũng có thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đầu tư ở những khu vực khó đảm bảo tính khả thi về mặt kinh tế, chẳng hạn như khu vực nông thôn.

Thiết lập chế độ bảo vệ dữ liệu cá nhân là một bước quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế số sôi động và đổi mới tại Việt Nam, đồng thời cho phép các công ty Việt Nam tham gia vào nền kinh tế số toàn cầu. Thách thức nằm ở hài hòa việc thu thập thông tin vì lợi ích của xã hội với việc đảm bảo an ninh của hệ thống và quyền riêng tư của người dân.

Bên cạnh đó, đổi mới theo hướng dữ liệu và thương mại kỹ thuật số sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế toàn cầu; đảm bảo luồng dữ liệu tự do xuyên biên giới là điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp Việt Nam và các công ty đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam có thể phục vụ khách hàng trong và ngoài nước; yêu cầu địa phương hóa dữ liệu sẽ làm phát sinh đáng kể các chi phí ở giai đoạn đầu với doanh nghiệp nước ngoài và trong nước, dù thuộc quy mô lớn hay nhỏ.

Đại biểu tham quan một gian trưng bày tại Ngày hội Công nghệ thông tin ngành Giáo dục Thủ đô lần thứ 5, diễn ra tại Hà Nội hồi tháng Tư năm ngoái. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Có thể khẳng định, số hóa tất cả các ngành và toàn bộ nền kinh tế là một hành trình dài, cần rất nhiều nỗ lực của tất cả các bên. Doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm để chuyển đổi số trong kinh doanh.

Hợp tác quốc tế cũng trở thành yêu cầu cần thiết hơn bao giờ hết trong quá trình chinh phục tương lai của nền kinh tế số và Việt Nam cần tiếp tục tham gia các hiệp định quốc tế để hướng tới đổi mới các phương pháp tiếp cận nhằm giải quyết vấn đề, thảo luận chính sách và đạt được sự đồng thuận trong hành động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục