Vay tiền trực tuyến: Cẩn trọng để tránh sập bẫy 'nợ online'

Vay online đang phát triển rầm rộ qua các ứng dụng di động hay các website với nhiều quảng cáo về thủ tục đơn giản, lãi suất vay luôn dưới 20% - mức bị liệt là cho vay nặng lãi.
Vay tiền trực tuyến: Cẩn trọng để tránh sập bẫy 'nợ online' ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: pressfrom.info)

Sau khi gõ các từ khóa "vay nhanh," "vay online" hay "vay tiền trực tuyến," ngay lập tức công cụ tìm kiếm đã cho hàng chục triệu kết quả với lời quảng cáo "nghe là muốn vay" như: 30 giây có tiền ngay; vay siêu tốc không gặp mặt không thế chấp; thủ tục siêu nhanh 3 phút, giải ngân siêu to đến 15 triệu đồng; vay tiền chỉ cần chứng minh nhân dân, 0% lãi suất, 0% phí...

Tuy nhiên, ít ai biết điều gì xảy ra sau những lời mời gọi ấy cho đến khi click chuột.

Lãi suất "siêu khủng"

Phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính cho biết, vay online đang phát triển rầm rộ qua các ứng dụng di động (app) hay các website với nhiều quảng cáo về thủ tục đơn giản, lãi suất vay luôn dưới 20% - mức bị liệt là cho vay nặng lãi hay còn gọi là tín dụng đen. Đến khi vay rồi thì hàng loạt các chi phí phát sinh đổ lên người vay dẫn tới mức lãi suất khủng khiếp.

Trường hợp của Hoàng Trí, sinh viên năm thứ 2 một trường Đại học ở Hà Nội, là một ví dụ. Vì chi tiêu quá đà, Trí đã tìm đến website vay trực tuyến để vay tiền đóng học phí.

[Khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng, cân nhắc khi vay tiền online]

Tin vào lời quảng cáo vay tiền 0% lãi suất, 0% phí tư vấn, giải ngân nhanh dưới 30 phút..., cậu sinh viên nhanh chóng truy cập và điền đầy đủ các thông tin cá nhân mà website yêu cầu. Hồ sơ nhanh chóng được duyệt, nhưng phải đến khi tiền về tài khoản Trí mới vỡ lẽ.

"Tôi cần vay 2 triệu đồng trong 20 ngày để đóng học và rất nhanh chóng khoản vay đã được phê duyệt ngay sau khi tôi cung cấp ảnh chụp thẻ căn cước công dân và đường link dẫn tới trang Facebook cá nhân. Nhưng tiền về tài khoản tôi khi ấy chỉ vỏn vẹn có 1,4 triệu đồng. Số tiền chênh lệch kia được giải thích là phí quản lý vay, phí hồ sơ, tiền lãi và nhiều khoản khác mà tôi không nhớ được hết," Hoàng Trí nhớ lại.

Mặc dù quảng cáo cho vay với lãi suất 0% nhưng người vay vẫn mất tới 600.000 đồng cho các khoản phí trong vòng 20 ngày, tương đương 30.000 đồng/ngày.

So với mức tiền thực vay được là 1,4 triệu đồng, cậu sinh viên trên đang phải chịu lãi suất lên đến 69%/tháng, tức khoảng 831%/năm.

Thậm chí lãi suất còn lên đến cả nghìn % như tại các ứng dụng vay tiền trực tuyến trên điện thoại di động “Vaytocdo,” “Moreloan,” “VD online” vừa bị lực lượng Công an triệt phá mới đây.

Cụ thể, đối với khách hàng vay qua ứng dụng “Vaytocdo,” người vay lần đầu chỉ được vay 1,7 triệu đồng, nhưng thực tế nhận về chỉ là 1,428 triệu đồng, Công ty sẽ thu 272.000 đồng tiền phí dịch vụ.

Trong 8 ngày, người vay phải trả 2,040 triệu đồng (trong đó 1,7 triệu đồng tiền gốc và 340.000 đồng tiền lãi trong 8 ngày), nếu khách vay trả chậm sẽ bị phạt 102.000 đồng/ngày.

Còn đối với khách hàng vay qua ứng dụng “Moreloan” và “VD online,” người vay lần đầu được duyệt vay số tiền là 1,5 triệu đồng, nhưng thực tế người vay chỉ được nhận 900.000 đồng, số còn lại là tiền phí dịch vụ và tiền lãi trong 7 ngày.

Sau 7 ngày, người vay phải trả tiền gốc vay là 1,5 triệu đồng. Người vay tiền nếu trả chậm một ngày sẽ bị phạt từ 2% đến 5%/ngày.

Như vậy, với hình thức cho vay nêu trên, các đối tượng đã cho vay với lãi suất 4,4%/ngày, tương đương 30,8%/tuần, 132%/tháng và 1.600%/năm.

Thực tế, nhiều website hay app cho vay trực tuyến đang hoạt động dựa trên mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending).

Theo Ngân hàng Nhà nước, bản chất của vay ngang hàng, vay online là dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính.

Toàn bộ hoạt động vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người đi vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến ghi nhận và lưu trữ bằng các bảng điện tử, số hóa.

Mục đích loại hình cho vay này thường tập trung vào cho vay mua nhà, ôtô; tái cho vay thẻ tín dụng, cho vay tiêu dùng, cho vay doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cho vay khởi nghiệp...

Tại Việt Nam, hệ thống pháp luật chưa có quy định quản lý đối với mô hình này. Do đó, không ít cá nhân, tổ chức cho vay nặng lãi đang núp bóng P2P Lending để cho vay với lãi suất cắt cổ, kéo theo cách thức đòi nợ cũng mang đậm tính chất "xã hội đen."

Khủng bố tinh thần

Có ý kiến cho rằng việc vay và cho vay online là "thuận mua vừa bán," xuất phát từ nhu cầu vay vốn và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tài chính, không có tổ chức nào ép người dân phải vay.

Trước những biến tướng và thực trạng hiện nay, theo phó giáo sư, tiến sỹ Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Tài chính-Ngân hàng, Đại học Kinh tế Quốc dân, thực chất các chủ nợ đã lợi dụng những lúc khốn khó của người đi vay: khi ốm đau, bệnh tật hay cờ bạc, lô đề...; lúc kinh doanh không thuận buồm xuôi gió, khủng hoảng về tài chính, nghĩ vay nóng vài ngày sẽ trả...

Đặc biệt, nhiều người nghĩ vay tiền mà không cầm giấy tờ hay tài sản thì nếu không trả chắc cũng khó bị đòi, nhưng thực tế lại khác hoàn toàn.

"Nhiều khách hàng tìm đến luật sư trong trạng thái khủng hoảng tinh thần thay vì khủng hoảng về tài chính," luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật Thiên Thanh) cho biết. Bởi họ liên tục bị "khủng bố" qua điện thoại để nhắc nợ. Nhiều người còn bị các chủ nợ gửi tin nhắn hay email tới cả đối tác kinh doanh và người thân trong gia đình để bôi nhọ, đe dọa, chửi bới, yêu cầu những người này tác động đến người vay tiền để trả nợ.

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, ngay khi người vay cung cấp thông tin cá nhân về chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, đường link trang cá nhân hay cho phép truy cập danh bạ, camera trên điện thoại là đã tạo điều kiện cho ứng dụng cho vay có đầy đủ dữ liệu về người vay.

Do đó, tất cả người thân, bạn bè, đồng nghiệp... trong danh bạ sẽ là đối tượng mà các chủ nợ nhắm tới để tác động lên người vay tiền khi họ mất khả năng thanh toán.

Khủng bố tinh thần có khả năng kéo theo những rủi ro về đạo đức, hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm sức khỏe, tính mạng của người khác... Do vậy, luật sư Truyền đề xuất Bộ Công an xem xét xử lý triệt để vấn đề này để đảm bảo an ninh xã hội.

Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng cần phối hợp kiểm soát, đảm bảo các công ty hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ một cách hiệu quả.

Đồng quan điểm, phó giáo sư, tiến sỹ Đặng Ngọc Đức cho rằng các ngân hàng thương mại cần đa dạng sản phẩm, dịch vụ để tiếp cận sâu rộng với người dân, nhất là cho vay đối với người nghèo.

Cùng với đó, vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục người dân tránh xa hoạt động cho vay nặng lãi; kiểm soát, quản lý hình thức cho vay nặng lãi.

Vay tiền trực tuyến: Cẩn trọng để tránh sập bẫy 'nợ online' ảnh 2

Quan trọng hơn cả, Ngân hàng Nhà nước cần có văn bản quy định chi tiết, cụ thể về mô hình cho vay trực tuyến, vay ngang hàng để từ đó minh bạch hóa hoạt động của các tổ chức trong lĩnh vực này, giúp đẩy lùi tín dụng đen, lành mạnh hóa thị trường tài chính tiền tệ.

Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng đã khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng, cân nhắc kỹ trong giao dịch vay tiền online.

Trong trường hợp phải thực hiện giao địch, người tiêu dùng lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thể hiện đầy đủ thông tin như: tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại…

Ngoài ra, website hoặc ứng dụng cho vay phải thể hiện rõ các thông tin, tài liệu liên quan đến giao dịch như: công bố rõ ràng chính sách bảo vệ thông tin, mẫu hợp đồng, biểu phí, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch…

Bên cạnh đó, đơn vị cho vay có cung cấp hợp đồng cho người tiêu dùng tham khảo trước khi xác nhận giao dịch hay không cũng là tiêu chí để đánh giá mức độ uy tín./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục