Vay ngắn hạn nước ngoài: Bối cảnh mới đòi hỏi cơ chế kiểm soát mới

​‘Cải cách cơ chế quản lý nợ nước ngoài cần tập trung loại bỏ khu vực tư nhân ra khỏi mức trần trung hạn, ban hành công cụ quản lý vay nước ngoài, thắt chặt quản lý Nhà nước về vay ngắn và trung hạn.'

Việt Nam đã trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp, các thành phần kinh tế, bao gồm cả Chính phủ lẫn khu vực tư nhân, đã có khả năng tiếp cận vay nước ngoài theo điều kiện thị trường. Trong bối cảnh này, các cơ quan quản lý cần tiếp tục nghiên cứu, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm quốc tế để xây dựng chính sách, công cụ quản lý nợ nước ngoài của quốc gia cho phù hợp hơn với tính năng động của công tác vay nợ trong tình hình mới.

Ngày 26/1, Bộ Tài chính phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển Châu Á, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các chuyên gia quốc tế tổ chức Hội thảo về Quản lý Nợ nước ngoài quốc gia. Tham dự hội thảo có đại diện của các tổ chức quốc tế, các cơ quan tài trợ, các cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ, các viện nghiên cứu, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.

Kiểm soát chặt chẽ nợ công

Theo ông Võ Hữu Hiển, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, nợ nước ngoài của khu vực công (nợ Chỉnh phủ và Chính phủ bảo lãnh) của Việt Nam được kiểm soát chặt chẽ. Hiện nay, tỷ trọng nợ nước ngoài của khu vực công đang có xu hướng giảm nhanh trong cơ cấu nợ nước ngoài quốc gia, cụ thể từ 73,6% (năm 2010) xuống mức 63,4% (năm 2015) và 43,7% (năm 2020).

Bên cạnh đó, ông Hiển cho biết tốc độ tăng dư nợ nước ngoài của khu vực công cũng được kiểm soát chặt chẽ, từ mức trung bình 13%/năm (giai đoạn 2011-2015) xuống còn khoảng 3%/năm (giai đoạn 2016-2020) và điều này góp phần bồi đắp dư địa chính sách, kiềm chế nghĩa vụ nợ trực tiếp và dự phòng của ngân sách Nhà nước.

Về tỷ trọng, vay nước ngoài của Chính phủ vẫn chủ yếu là các khoản ODA và vay ưu đãi, cụ thể chiếm 98% nợ nước ngoài Chính phủ. Đến nay, Việt Nam đã ký kết trên 85 tỷ USD vốn ODA, ưu đãi với điều kiện vay tương đối thuận lợi, thời gian đáo hạn bình quân (ATM) 13,8 năm và lãi suất bình quân gia quyền 1,35%/năm. Hiện nay, Chính phủ đã cấp bảo lãnh vay nước ngoài tổng trị giá 23,6 tỷ USD cho trên 120 dự án.

“Vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là công cụ hữu hiệu để tài trợ vốn cho các dự án có quy mô vốn lớn, tập trung vào lĩnh vực năng lượng, hạ tầng giao thông, hàng không… Việc doanh nghiệp thực hiện dự án có khả năng tiếp cận nguồn vốn thương mại lớn được Chính phủ bảo lãnh với chi phí vay ưu đãi hơn và thủ tục vay nhanh gọn hơn là một lợi thế so với các khoản vay tín dụng thông thường,” ông Hiển nhấn mạnh.

Vay ngắn hạn nước ngoài: Bối cảnh mới đòi hỏi cơ chế kiểm soát mới ảnh 1(Ảnh/Vietnam+)

Tại Hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế sau khi trình bày tham luận về tổng quan tình hình nợ nước ngoài của Việt Nam, kinh nghiệm quản lý nợ nước ngoài bền vững, hiệu quả, chuyển sang trao đổi về thực tiễn huy động nợ nước ngoài của khu vực công, khu vực tư nhân tại Việt Nam đồng thời bình luận về khả năng áp dụng các công cụ quản lý mới đối với nợ nước ngoài.

Vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn

Bên cạnh những thành quả đạt được, ông Hiển đã nêu những vấn đề cần phải giải quyết trong gian đoạn tới đây. Đó là việc kiểm soát trần chỉ tiêu trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu và hạn mức vay nước ngoài ngắn hạn còn một số bất cập. Ngoài ra, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài quốc gia của Việt Nam đã vượt ngưỡng một số năm, chủ yếu do hoạt động rút vốn và trả nợ gốc các khoản vay nước ngoài ngắn hạn của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng tăng mạnh.

“Nợ nước ngoài tự vay, tự trả tăng nhanh với tốc độ tăng bình quân 24,1%/ năm (giai đoạn 2011-2015) và 21,8%/năm (giai đoạn 2016-2020), đa phần do khoản vay ngắn hạn. Thêm vào đó, các doanh nghiệp FDI (vốn đầu tư nước ngoài) chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vay nợ từ nước ngoài và nhu cầu vay này liên tục tăng cao. Điều đó cũng gây sức ép với việc đảm bảo hạn mức vay nước ngoài tự vay, tự trả. Tuy nhiên, việc thắt chặt vay nước ngoài của khối doanh nghiệp sẽ có hệ lụy nhất định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đến tăng trưởng kinh tế,” ông Hiển nói.

Tại hội thảo, ông Gurnain Kaur Pasricha, Chuyên gia cao cấp Khu vực Tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng cơ chế hiện nay chưa tập trung vào các nguồn gây rủi ro (như vay ngắn hạn ít được quản lý hơn vay dài hạn), yêu cầu về tự bảo hiểm, chiến lược rõ ràng về thay đổi quy định nhằm ứng phó với nguy cơ dễ tổn thương cũng như thiếu rõ ràng trong diễn giải các quy định.

Cơ chế hiện nay chưa đem lại kết quả tốt hơn đang kể so với các quốc gia thị trường mới nổi khác:

Vay ngắn hạn nước ngoài: Bối cảnh mới đòi hỏi cơ chế kiểm soát mới ảnh 2

Ông Gurnain Kaur Pasrich nhấn mạnh Việt Nam chưa có một số điều kiện ban đầu để tự do hóa vay nước ngoài an toàn, đặc biệt là vay ngắn hạn. Trên thực tế tính ổn định tỷ giá danh nghĩa tạo động cơ vay bằng ngoại tệ, nhất là vay bằng ngoại tệ nhưng không tự bảo hiểm. Ngoài ra, thị trường trái phiếu trong nước phát triển chưa đầy đủ và một số yếu tố quản lý nhà nước khác làm cho nhu cầu vay chuyển dịch sang vay từ các nguồn nước ngoài một cách không hợp lý.

Trên cơ sở đó, ông Gurnain kiến nghị trong giai đoạn tới đây, Việt Nam cần cải cách cơ chế nợ nước ngoài, như soạn thảo và công bố kế hoạch tự do hóa dòng vốn, qua đó định hướng cho cải cách cơ chế hiện hành và thay thế trong bối cảnh tự do hóa các biện pháp kiểm soát các loại hình dòng vốn khác.

Về cải cách cơ chế quản lý nợ nước ngoài, những nội dung chính tập trung vào việc loại bỏ khu vực tư nhân ra khỏi mức trần trung hạn, ban hành các công cụ thay thế để quản lý vay nước ngoài, trong đó thắt chặt quản lý nhà nước về vay ngắn và trung hạn (<5 năm) theo hướng chặt chẽ hơn so với vay dài hạn. Theo đó, các công cụ dự kiến như mức trần cho tổng chi phí, các yêu cầu tự bảo hiểm, yêu cầu dự trữ đối với nợ bằng ngoại tệ của các ngân hàng.

“Ngoài ra, Việt Nam cần giảm thủ tục phức tạp và có những công bố hướng dẫn nhằm diễn giải các quy định pháp lý. Chính sách nên đảm bảo tính đồng bộ trong các quy định về vay vốn và phát hành chứng khoán ở nước ngoài đồng thời có sự phân tích dữ liệu định kỳ để xác định ra những xu hướng bất lợi nhằm điều chỉnh chính sách và những cải cách bổ trợ…,” ông Gurnain nói./.

Ông Võ Hữu Hiển, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục