Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần 2 được tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc từ 25-27/4, trong đó, sẽ diễn ra 12 diễn đàn nhỏ trong ngày 25/4; Lễ khai mạc và Hội nghị cấp cao trong ngày 26/4; và Hội nghị Thượng đỉnh bàn tròn vào ngày 27/4.
Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết hiện đã có 37 nguyên thủ hoặc người đứng đầu Chính phủ các nước sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh bàn tròn các Nhà Lãnh đạo của Diễn đàn Thượng đỉnh hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” gồm Australia, Azerbaijan, Belarus, Brunei, Campuchia, Chilê, Cyprus, Czech, Djibouti, Ai Cập, Ethiopia, Hy Lạp, Hungary, Indonesia, Italy, Kazakhstan, Kenya, Kyrgyzstan, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Mozambique, Myanmar, Nepal, Pakistan, Papua New Guinea, Philippines, Bồ Đào Nha, Nga, Serbia, Singapore, Thụy Sĩ, Tajikistan, Thái Lan, UAE, Uzbekistan, Việt Nam.
Có gần 5.000 khách mời đến từ 150 nước và hơn 90 tổ chức quốc tế đã xác nhận tham gia diễn đàn lần này, song Mỹ và Ấn Độ không cử đoàn đại biểu cấp cao tham dự.
Ông Vương Nghị nhấn mạnh Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần 2 là hoạt động ngoại giao quan trọng nhất của Trung Quốc trong năm nay. Trong 6 năm qua, tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với các nước cùng xây dựng Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) đã vượt 6.000 tỷ USD, đầu tư trên 80 tỷ USD, xây dựng 82 khu hợp tác, tạo gần 300.000 việc làm.
Về sự phê bình của bên ngoài đối với BRI, Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng quan hệ đối tác BRI không phải là công cụ địa chính trị mà là diễn đàn hợp tác, “các loại mũ như ‘bẫy nợ’ không chụp được lên đầu BRI”, bởi vì đây là diễn đàn mở, bất kỳ quốc gia nào đều có quyền tự do tham gia, nhưng không có quyền ngăn cản nước khác tham gia, Trung Quốc hoan nghênh các bên đóng góp ý kiến mang tính xây dựng.
Về ngoại giao, Trung Quốc đã cải thiện đáng kể quan hệ với 30 quốc gia dọc tuyến BRI trong 5 năm qua, không chỉ các quốc gia ở Đông Nam Á, mà còn với các nước như Tajikistan, Hungary, Israel, Ethiopia và Madagascar.
Trong năm 2017, 50 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, chiếm gần 1/2 tổng số thỏa thuận ngoại giao được ký trong những năm trước; với 103 thỏa thuận hợp tác với 88 quốc gia và các tổ chức quốc tế.
Điều đó cho thấy khi triển khai BRI, Trung Quốc đã gặt hái thành công trên lĩnh vực ngoại giao với chính sách chiến lược mở rộng quan hệ với các nước qua hợp tác kinh tế.
Với châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) từ vị trí của một người quan sát và dường như không có liên quan thì đến nay, với hai dự án mua lại cảng Piraeus và xây dựng tuyến đường sắt Belgrade - Budapest, EU đã thực sự tham gia BRI.
[5 điểm đáng lưu ý từ Diễn đàn hợp tác “Vành đai và Con đường” lần hai]
Tuy nhiên, trong nội bộ EU đã nảy sinh chia rẽ liên quan đến việc triển khai thực hiện do ảnh hưởng tới lợi ích của một số nước châu Âu đã ký Bản Ghi nhớ (MOU) với Chính phủ Trung Quốc về BRI; trong đó mới đây nhất là Chính phủ Italy.
Do Italy đã ký MOU với Trung Quốc về BRI, nên sẽ tuân thủ dự án cơ sở hạ tầng với một sự ràng buộc chính thức, đồng thời mở ra các lỗ hổng không mong muốn trong EU bởi những lợi ích mà Trung Quốc mang lại có xu hướng thể hiện trên một cái giá chính trị.
Đây là cũng tình trạng chung của một số quốc gia khác có nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng kinh tế và tham gia ký MOU với Trung Quốc trong khuôn khổ BRI với hy vọng tiếp cận các khoản đầu tư của Trung Quốc.
Về thương mại, theo số liệu của Trung Quốc công bố năm 2018, thương mại quốc tế của Trung Quốc với các nước dọc tuyến BRI tăng 16,3%, cao hơn 3,7% so với với các nước còn lại của thế giới.
Qua các số liệu này, Trung Quốc muốn nhấn mạnh tăng trưởng thương mại giữa Trung Quốc và các đối tác trong BRI.
Năm 2018, Trung Quốc đã xuất khẩu 704,73 tỷ USD sang các nước dọc tuyến BRI và nhập khẩu 563,07 tỷ USD từ các nước đó, với thặng dư 141,66 tỷ USD.
Tuy nhiên, nhập khẩu tăng hơn năm trước 24%, so với mức tăng 11% trong xuất khẩu. Có những lý do chính đáng để mong đợi một sự gia tăng mạnh mẽ trong cả xuất khẩu và nhập khẩu.
Trên thực tế, trong nhóm các nước dọc tuyến BRI, xuất khẩu chủ yếu hướng đến các nước có triển vọng tốt về tăng trưởng nhu cầu nội địa như Việt Nam, Philippines, Pakistan, Thái Lan, Bangladesh và Iran (với mức tăng trong giai đoạn 2012-2017 tương ứng là 109%, 91%, 96%, 23%, 90% và 60%).
Nhập khẩu của Trung Quốc phần lớn là tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, những mặt hàng mà Trung Quốc luôn có nhu cầu trong tương lai, nhưng mức tăng nhập khẩu thấp hơn so với xuất khẩu (trừ Việt Nam).
Điều đó cho thấy cán cân thương mại của Trung Quốc đã thực sự được cải thiện với các nước dọc tuyến BRI.
Mặt khác, cán cân thanh toán của Trung Quốc đối với châu Á (không bao gồm các nước tiên tiến) đã chuyển từ tiêu cực sang tích cực ngay từ năm 2013, khiến châu Âu nên xem xét nhiều hơn khi quan tâm đến việc duy trì và cải thiện quan hệ kinh tế với tất cả các nước Đông Nam Á và đặc biệt là với khối ASEAN.
Về kết nối và cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần giữa châu Âu và châu Á, BRI đã cải thiện kết nối giữa châu Âu với châu Á, đặc biệt là kết nối đường sắt giữa Trung Quốc và các nước dọc tuyến.
Theo số liệu tháng 8/2018, số lượng tàu chở hàng Trung Quốc - châu Âu đang hoạt động đã vượt quá 10.000 chuyến, từ 48 thành phố của Trung Quốc đến 42 thành phố tại 14 quốc gia châu Âu.
Các tài sản được giao dịch giữa Trung Quốc và các quốc gia liên quan đã vượt 5.000 tỷ USD. Năm 2017, khối lượng xuất khẩu đường sắt ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất, với mức tăng hàng năm là 34,5%.
Về hàng hải, Trung Quốc đã thiết lập các tuyến vận chuyển với hơn 600 cảng lớn tại hơn 200 quốc gia trên thế giới. Dịch vụ vận chuyển mở rộng đến tất cả các quốc gia ven biển dọc theo các tuyến trong BRI.
Vận tải hàng không vẫn là phương thức quan trọng trong một số lĩnh vực, Trung Quốc đã ký thỏa thuận vận tải hàng không với 8 quốc gia và thỏa thuận vận tải hàng không song phương với 62 nước trong BRI, thực hiện các chuyến bay trực tiếp tới 45 quốc gia với khoảng 5.100 chuyến bay hàng tuần.
Mạng lưới cơ sở hạ tầng này đã cải thiện đáng kể khả năng kết nối, đặc biệt là hàng hải, không chỉ của Trung Quốc mà cả các quốc gia quan tâm tới BRI.
Tuy nhiên, sự gia tăng kết nối thông qua việc thực hiện cơ sở hạ tầng giao thông không phải lúc nào cũng gắn liền với việc cải thiện hiệu quả của dịch vụ hậu cần, điều này còn phụ thuộc vào hoạt động của các dịch vụ và phần còn lại của chuỗi cung ứng.
Không phải tất cả các quốc gia đã nhận được một số lượng đáng kể các dự án đều đã ghi nhận cải thiện trong các chỉ số hiệu quả hậu cần (LPI).
Cụ thể, Arap Saudi, Ai Cập, Philippines, Malaysia, Pakistan, Sri Lanka và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được tổng số dự án tương tự như Campuchia, UAE, Indonesia, Iran, Kazakhstan, Lào, Nga, Việt Nam, nhưng kém hiệu quả hơn về các dịch vụ hậu cần, mặc dù họ đồng thời đã ghi nhận một sự cải thiện đáng kể về kết nối.
Điều này cho thấy, về chính trị, các quốc gia cần phải xem xét lại về những lợi ích mà các dự án hứa hẹn sẽ mang lại.
Nhằm cân bằng với BRI của Trung Quốc, EU đã đưa ra Chiến lược Kết nối Á-Âu. Về mặt ngoại giao, EU tuyên bố Chiến lược Kết nối Á-Âu mới không ngăn chặn BRI, mà ngược lại sẽ tạo ra quan hệ đối tác song phương và nhằm mục đích “cùng có lợi” thông qua nền tảng kết nối giữa hai bên.
Những cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào các vấn đề của châu Âu đã thúc đẩy EU có thái độ thận trọng hơn với các khoản đầu tư của Trung Quốc.
Việc châu Âu ban hành quy định mới về sàng lọc đầu tư nước ngoài trong châu Âu đối với các dự án chiến lược và nhạy cảm được đánh giá là rào cản đối với Trung Quốc.
Hoạt động của Trung Quốc trong BRI, được một số nước châu Âu (Hy Lạp, Ba Lan và Hungary và một số nước thành viên châu Âu đã ký MOU với Trung Quốc) hoan nghênh, nhấn mạnh những hệ quả chính trị có thể xảy ra đối với sự gia nhập đơn lẻ của một số quốc gia thành viên EU vào BRI.
[Trung Quốc: Khai mạc Diễn đàn hợp tác quốc tế 'Vành đai và Con đường']
Dù muốn hay không muốn, EU cũng buộc phải thừa nhận các kết quả và tác động của BRI.
5 năm sau khi ra mắt BRI, khái niệm “nền tảng hợp tác quốc tế mở và toàn diện” tạo ra lợi ích chung cho các quốc gia liên quan đã trở thành chủ đề của một hoạt động truyền thông chính trị chính thức của Trung Quốc.
Với các hoạt động tăng cường quảng bá, Trung Quốc muốn làm nổi bật những lợi ích tiềm năng của các quốc gia trên thế giới được kết nối bởi một mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông được hình thành từ BRI, đặc biệt là ở hai khu vực chính mà Trung Quốc nhấn mạnh là Đông Nam Á và Trung Á.
Sau 5 năm triển khai BRI, thành tựu mà Trung Quốc có được là hơn 1.000 dự án được thực hiện hoặc đang tiến hành ở hơn 50 quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã phải xem xét lại các dự án do những ảnh hưởng quá mức về kinh tế, tài chính và chính trị từ Trung Quốc.
Điển hình là Sri Lanka, với thỏa thuận cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm, cùng với 15.000ha đất xung quanh để trả nợ.
Khu vực cảng Hambantota nằm gần biên giới với Ấn Độ dưới sự kiểm soát của Trung Quốc đã gây ra mối quan tâm lớn không chỉ đối với Ấn Độ, mà đối với toàn bộ khu vực.
Đây được xem là một tiền lệ nguy hiểm về cách thức trả nợ cho Trung Quốc có thể phát triển, chuyển đổi nhanh chóng từ sự phụ thuộc tài chính sang chính trị.
Những lo ngại này dù không làm giảm sức hấp dẫn từ vốn đầu tư của người Trung Quốc trong khu vực, nhưng thúc đẩy việc hình thành một liên minh mới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Về những hoài nghi đối với BRI, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, ông Vương Nghĩa Nguy, cho rằng Trung Quốc cần cải tiến tuyên truyền đối ngoại về BRI, từ cách nói sơ lược thành giới thiệu chi tiết.
Trước đây, Trung Quốc không nói chiến lược, chỉ nhấn mạnh sáng kiến, không nói cái lợi Trung Quốc đạt được, chỉ nói vì nhân dân phục vụ, điều này không khiến người ta tin tưởng, mà ngược lại khiến người ta hoài nghi đằng sau có chiến lược gì lớn, thậm chí là ý đồ quân sự.
Ông Vương Nghĩa Nguy nhấn mạnh, càng nhiều nước phát triển bắt đầu tham gia, Trung Quốc càng phải nói rõ lý luận, cơ chế của BRI, mang lại lợi ích cho Trung Quốc và thế giới như thế nào và Trung Quốc làm như thế nào/.