“Vành đai thép” phòng, chống dịch COVID-19 nơi biên giới

Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ khẳng định toàn dân và các lực lượng chung tay phòng, chống dịch COVID-19 rất hiệu quả; trong đó, Biên phòng là lực lượng chủ chốt, tuyến đầu ở biên giới.
“Vành đai thép” phòng, chống dịch COVID-19 nơi biên giới ảnh 1Các chiến sỹ Trạm kiểm soát, Đồn Biên phòng Pa Ủ ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu tuyên truyền, phát khẩu trang phòng, chống dịch COVID-19 cho người dân. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)

Các chiến sỹ “quân hàm xanh” không quản khó khăn, gian khổ thực hiện nhiệm vụ kép bảo vệ biên cương Tổ quốc và phòng, chống dịch COVID-19, trở thành “vành đai thép” giữ vững vùng xanh, bảo đảm an toàn cho nhân dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu phát triển kinh tế.

Các chốt trực của lực lượng Bộ đội Biên phòng đều đóng tại vùng hẻo lánh, xa trung tâm xã. Các cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ tại đây đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ về điều kiện ăn ở, sinh hoạt để hoàn thành tốt nhất công việc được giao.

Kiên cường vượt khó

Tỉnh Lai Châu có 265.165km đường biên giới, tiếp giáp với nước láng giềng Trung Quốc. Địa bàn tỉnh có 13 Đồn Biên phòng đứng chân tại các xã biên giới. Đến cuối tháng 2/2022, lực lượng Biên phòng vẫn duy trì 37 chốt trực. Các chiến sỹ trực chốt 24/24 giờ, thay phiên tuần tra ngày, đêm để kiểm soát người, phương tiện ra vào nơi biên giới, tình trạng xuất nhập cảnh trái phép...

Men theo con đường đất nhỏ, quanh co, gập ghềnh, chúng tôi tới các chốt trực thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng (xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ). Các chiến sỹ tại chốt trực cho biết những ngày đầu chống dịch, chỉ có những lán tạm, nhà tạm trống trải.

Hiện nay, chốt trực đã được kiên cố hóa phục vụ nhiệm vụ chống dịch lâu dài. Thời tiết ở đây khắc nghiệt, ban ngày nắng nóng như thiêu đốt, đêm xuống nhiệt độ hạ thấp. Có những điểm chốt ở trên cao gần 2.000m, bốn mùa đều mây bao phủ, lạnh giá.

[Bộ đội Biên phòng: Cầu nối đưa pháp luật đến nhân dân vùng biên giới]

Thiếu tá Nguyễn Đăng Truyền ở chốt số 2, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lu Thàng cho biết trong hành trang tuần tra của các chiến sỹ luôn có chiếc túi ngủ. Khi cần, các chiến sỹ có thể nằm ngủ ngay giữa rừng để làm nhiệm vụ, bất kể thời tiết thế nào.

Hai năm trôi qua kể từ những ngày đầu thành lập chốt trực (tháng 2/2020), bao gian khó đã trải qua nhưng các chiến sỹ Biên phòng Lai Châu không chùn bước mà xác định bảo vệ an ninh chủ quyền biên giới quốc gia cùng với chống dịch là nhiệm vụ lâu dài, kiên trì, bền bỉ.

Đại tá Lê Công Thành, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu cho biết từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đến nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai ứng trực, căng mình chống dịch. Chủ trương của Bộ đội Biên phòng tỉnh là kiên quyết không để dịch bệnh lây lan vào địa bàn từ bên kia biên giới; xác định nâng cấp độ nghiêm ngặt trên một cấp so với chỉ đạo của Chính phủ; khắc phục mọi khó khăn để chống dịch lâu dài.

“Tiếng loa Biên phòng” chống dịch

Để người dân hiểu và làm theo, nhiều Đồn Biên phòng đã có cách làm sáng tạo, linh hoạt trong vận động, tuyên truyền nhân dân phòng, chống dịch COVID-19.

Thực hiện chiến dịch tiêm chủng toàn dân, Đồn Biên phòng Huổi Luông đã chỉ đạo Đội Vận động quần chúng phát huy hiệu quả mô hình “Tiếng loa Biên phòng” tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tiêm vaccine phòng COVID-19. Các cán bộ, chiến sỹ thực hiện tuyên truyền bằng loa kết hợp với phát tờ rơi tại từng nhà dân hoặc nơi tập trung đông dân cư.

“Vành đai thép” phòng, chống dịch COVID-19 nơi biên giới ảnh 2Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ, Lai Châu tuyên truyền bằng loa công tác phòng chống dịch COVID-19 cho bà con. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)

Đồng bào ở các bản biên giới dù trình độ dân trí còn chưa đồng đều nhưng đã thực hiện nghiêm túc quy định, hạn chế đến nơi công cộng, tạm hoãn các đám cưới, đám giỗ, lên nhà mới, ăn uống tập trung… Qua đó, góp phần hạn chế việc lây nhiễm và gia tăng số lượng F0 trong cộng đồng làng bản.

Thiếu tá Phạm Tuân, Chính trị viên Đồn Biên phòng Huổi Luông khẳng định các chiến sỹ đã toàn tâm, toàn lực thực hiện nghiêm túc chủ trương chung là kiên quyết không để dịch bệnh lây lan vào đơn vị, địa bàn tỉnh từ bên kia biên giới.

Có những chiến sỹ cắm chốt nơi biên giới, cả thanh xuân dành cho mảnh đất biên viễn Lai Châu. Với họ, đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc vùng biên là người thân ruột thịt. Trung tá Nguyễn Hoàng Xuyên, Tổ trưởng tổ trực chốt số 2, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng là một người như thế. Anh đã gắn bó với vùng biên giới Lai Châu 32 năm.

Chúng tôi rất bất ngờ khi thấy Trưởng bản Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ Lý Dâu Phùng gọi Trung tá Nguyễn Hoàng Xuyên là “thầy giáo.” Hỏi ra mới biết ngoài giờ hành quân, tuần tra đường biên, mốc giới, Trung tá Nguyễn Hoàng Xuyên trở thành thầy giáo "quân hàm xanh" trong những lớp học xóa mù chữ ở vùng đất xa xôi này. Chính vì vậy, việc các chiến sĩ đồn Biên phòng tuyên truyền cho bà con dân bản về phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả hơn, góp phần giữ vững vùng xanh nơi biên cương Tổ quốc.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phong Thổ Vương Thế Mẫn cho biết các Đồn Biên phòng dọc tuyến đã phối hợp chặt chẽ, tham mưu cho chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch.

Ông Vương Thế Mẫn khẳng định toàn dân và các lực lượng đã chung tay phòng, chống COVID-19 rất hiệu quả. Trong đó, Biên phòng là lực lượng chủ chốt, tuyến đầu trong phòng, chống dịch tuyến biên giới.

“Vành đai thép” phòng, chống dịch COVID-19 nơi biên giới ảnh 3Các chiến sỹ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, huyện (Phong Thổ, tỉnh Lai Châu và Tổ tự quản phòng chống dịch đi khắp thôn bản tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)

Ở vùng biên giới Lai Châu xa xôi của Tổ quốc, mỗi người dân chính là cột mốc sống, đồng thời là một "chiến sỹ" trên mặt trận phòng, chống dịch. Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng ở mỗi làng bản vùng biên đã khẳng định vai trò xung kích trong công tác phòng, chống dịch. 

Những hương ước “nóng” mùa dịch

Các xã ra quyết định thành lập Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng nhằm tăng cường vai trò của nhân dân trong phối hợp với chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng để phòng, chống dịch tại các bản vùng biên. Mỗi bản có một Tổ phòng, chống COVD-19 cộng đồng với Tổ trưởng là Trưởng bản, thành viên là cá nhân thuộc tổ chức chính trị xã hội của bản như Công an viên, Bí thư Đoàn Thanh niên, Ban Công tác Mặt trận bản, Y tế thôn bản…

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ma Li Pho (huyện Phong Thổ) Tẩn Chỉn Hùng khẳng định Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng với tinh thần trách nhiệm cao đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ được giao. Tổ còn thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ hơn những quy định chung.

Những chỉ đạo từ cấp trên được các bản vận dụng linh hoạt vào điều kiện cụ thể, rồi họp thống nhất đưa ra quy ước, hương ước riêng, quy định chi tiết, cụ thể các bước cần làm phòng, chống dịch, mức xử lý nghiêm khắc đối với người vi phạm. Sự hoạt động tích cực, hiệu quả của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng đã giúp người dân thôn bản vùng biên nâng cao ý thức, hiểu biết và thực hiện nghiêm túc quy định phòng, chống dịch. Nhờ vậy, các bản vùng biên cho đến thời điểm này vẫn giữ được “vùng xanh..

Theo chân anh Lý Dâu Phùng, Tổ trưởng Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng bản Hùng Pèng, xã Ma Li Pho, chúng tôi đến nhà chị Hoàng Tả Mẩy (38 tuổi, dân tộc Dao). Trong ngôi nhà lá đơn sơ, mọi người ngồi chăm chú nghe anh Phùng tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch bệnh, biện pháp phòng tránh và kế hoạch tiêm vaccine đợt 3 sắp tới.

Chủ tịch Ủy ban Nhân Dân huyện Phong Thổ Vương Thế Mẫn khẳng định công việc của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng bản liên tục và khá vất vả. Hoạt động của các Tổ đã góp phần rất lớn trong công tác phòng, chống dịch ở địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, các thành viên trong Tổ không được hưởng chính sách hỗ trợ. Vì vậy, các cấp chính quyền cần có chính sách hỗ trợ để động viên họ.

Lán nương là nơi cách ly linh hoạt

Khi dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng càng thể hiện rõ nét vai trò ứng phó linh hoạt, kịp thời của mình tại nơi dân cư. Những ngày giáp Tết Nhâm Dần, người dân từ nhiều nơi trở về địa phương, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng cập nhật thông tin lao động, hướng dẫn khai báo y tế và tổ chức tự cách ly an toàn, nghiêm túc.

“Vành đai thép” phòng, chống dịch COVID-19 nơi biên giới ảnh 4Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng bản Hùng Pèng, xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch cho bà con thôn bản.( Ảnh: TTXVN phát)

Anh Hoàng Quang Dùng, Tổ trưởng Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng bản Thèn Sin, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ hồ hởi kể về quá trình dân bản chống dịch. Tổ hướng dẫn người nhà chuẩn bị nơi cách ly đảm bảo cho người đi xa trở về. Nếu nhà không đủ điều kiện về phòng ở, Tổ báo cáo, chọn cách ly tại lán giữa nương, giữa ruộng đảm bảo tuyệt đối an toàn. Người nhà có nhiệm vụ chuẩn bị sẵn đồ ăn, thức uống, chỗ ngủ... Người đi xa trở về đi thẳng đến lán, lều, không được về nhà.

Tại đây, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng hướng dẫn người cách ly thực hiện việc tự theo dõi tình trạng sức khỏe để báo cáo kịp thời cho đơn vị chức năng. Khi hết thời gian cách ly, người đó mới tái hòa nhập cộng đồng, ăn Tết với gia đình, dòng tộc, làng bản. Bà con ở đây đồng lòng, chấp hành nghiêm chỉnh.

Trên địa bàn tỉnh Lai Châu, dịch COVID-19 diễn biến ngày một phức tạp. Quân và dân khu vực biên giới của tỉnh luôn nâng cao tinh thần, trách nhiệm, quyết tâm phòng, chống dịch để giữ vững “vùng xanh” trong điều kiện "bình thường mới," với chủ trương thích ứng linh hoạt, nhân dân tiếp tục lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng biên.

Thích ứng linh hoạt

Khu vực biên giới của tỉnh Lai Châu là vùng kinh tế khó khăn. Người dân nơi đây chủ yếu là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nghèo, trình độ dân trí không đồng đều, chủ yếu chỉ canh tác nông nghiệp tại các vùng rừng núi quanh bản.

Do dịch COVID-19 nên cửa khẩu đóng biên, hàng hóa, nông sản không tiêu thụ được, nhiều lao động không có việc làm, đời sống bà con ngày càng khó khăn. Đói nghèo chính là yếu tố kéo theo nhiều vấn nạn gây mất trật tự an toàn xã hội như gia tăng trộm cắp, buôn lậu… ảnh hưởng an ninh biên giới quốc gia. Vì vậy việc thích ứng, phát triển kinh tế trong điều kiện, hoàn cảnh mới là rất cần thiết.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phong Thổ Vương Thế Mẫn khẳng định huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền thực hiện hiệu quả Thông điệp 5K của Bộ Y tế; đôn đốc, hướng dẫn, tổ chức công tác tiêm phòng hiệu quả; đồng thời xây dựng các phương án để vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

“Vành đai thép” phòng, chống dịch COVID-19 nơi biên giới ảnh 5Chốt số 2, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu giữa vùng núi hoang sơ. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)

Các đồn Biên phòng đóng trên địa bàn biên giới chú trọng giúp đỡ bà con phát triển kinh tế. Cán bộ, chiến sỹ thực hiện các chương trình tuyên truyền, vận động đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp bà con bằng ngày công lao động; hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, làm đất trồng cây…

Các đồn cử cán bộ chiến sỹ hướng dẫn bà con cách chăm sóc, phòng bệnh trên cây trồng, vật nuôi; khuyến cáo các hộ chăn nuôi dọn vệ sinh chuồng trại hàng ngày.

Thiếu tá Phạm Tuân, Chính trị viên Đồn Biên phòng Huổi Luông cho biết, cán bộ chiến sỹ của đồn đã hướng dẫn người dân chuyển đổi hiệu quả mô hình trồng chuối, sắn, nghệ đen, ngô lai, lợn sinh sản, bò giống cho hiệu quả kinh tế cao.

Không chủ quan, lơ là

Hiện nay, số ca dương tính với SARS-COV-2 ở Lai Châu tăng nhanh. Chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy từ tỉnh đến huyện bằng nhiều biện pháp tích cực chủ động kiểm soát dịch chặt chẽ. Tại địa bàn biên giới, Bộ đội Biên phòng và nhân dân chốt trực vững vàng ý chí, quyết tâm khắc phục những khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ kép.

Đại tá Lê Công Thành, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu nhấn mạnh chủ trương chung của Bộ đội Biên phòng tỉnh là kiên quyết không để dịch bệnh lây lan vào đơn vị, địa bàn. Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh xác định nâng cấp độ nghiêm ngặt trên 1 cấp so với chỉ đạo của Chính phủ, tiếp tục triển khai các biện pháp ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch với quy mô, mức độ cao hơn, quyết liệt hơn.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Bộ đội Biên phòng chủ động nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa, từ ngoài biên giới và trong nội địa để kịp thời tổ chức đấu tranh, ngăn chặn tội phạm và phòng, chống dịch COVID-19; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và xuất, nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới.

Năm 2021, với tinh thần canh giữ quyết liệt, Bội đội Biên phòng Lai Châu đã xử lý hơn 850 trường hợp nhập cảnh trái phép, tiếp nhận từ phía Trung Quốc trao trả gần 500 công dân Việt Nam. Trong đó, chủ yếu là người Việt Nam đi làm thuê bên kia biên giới tự trở về và các chốt trực đã kịp thời phát hiện, bàn giao cho các lực lượng chức năng để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch COVID-19 ra cộng đồng.

Trong tình hình mới, việc thực hiện “nhiệm vụ kép” kết hợp phòng, chống dịch COVID-19 với phát triển kinh tế là nhiệm vụ không dễ dàng nhưng với tinh thần đoàn kết, quân và dân vùng biên Lai Châu quyết tâm xây dựng “vành đai thép” chống dịch nhiều lớp, giữ vững vùng xanh, tạo điều kiện để phát triển kinh tế-xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục