Vàng trong nước giảm sốc tới 4 triệu đồng sau công điện của Thủ tướng

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch ở mức cao.
Vàng trong nước giảm sốc tới 4 triệu đồng sau công điện của Thủ tướng. (Ảnh: Minh Quyết/Vietnam+)

Sáng nay, vàng miếng SJC có thời điểm chạm mốc 80 triệu đồng/lượng nhưng đã quay đầu giảm mạnh tới gần 4 triệu đồng mỗi lượng chỉ trong vài tiếng sau công điện của Thủ tướng về việc quản lý thị trường vàng.

Chỉ trong vòng hơn 2 giờ đồng hồ mà Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn đã có tới 7 lần điều chỉnh giảm giá vàng với các lần giảm từ 100.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/lần.

Công ty Doji Hà Nội, Công ty Doji Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Phú Quý cũng có những lần điều chỉnh tương tự với các mức điều chỉnh từ 200.000-850.000 đồng. Đây có lẽ là ngày điều chỉnh giảm mạnh nhất từ trước đến nay của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Thời điểm 14 giờ 30 chiều ngày 28/12, Công ty Doji Hà Nội và Công ty Doji Thành phố Hồ Chí Minh niêm yết giá mua và bán từ 72,-76 triệu đồng/lượng, giảm mạnh tới 3,8 triệu đồng/lượng so với mở cửa phiên sáng.

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn thông báo giá vàng SJC từ 73-76 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), cũng giảm 3,8 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Còn Công ty Phú Quý điều chỉnh giảm 3,6 triệu đồng/lượng, giao dịch quanh mức 72,2-76 triệu đồng/lượng.

Biên độ chênh lệch giá mua vào-bán ra được các doanh nghiệp kéo giãn rộng từ 1,8 triệu đồng đến 3 triệu đồng/lượng, cao hơn phiên trước từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng mỗi lượng.

Công ty Bảo Tín Minh Châu thông báo giá vàng Rồng Thăng Long từ 63,03-64,13 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 300.000 đồng mỗi lượng.

Được biết, giá vàng gảm sốc là do sáng nay Thủ tướng đã ban hành Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng các Bộ Công an, Công Thương, Tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng.

Theo nội dung của công điện, để ổn định và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước để sẵn sàng các biện pháp xử lý, sử dụng các công cụ theo thẩm quyền phù hợp, hiệu quả, kịp thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, dứt khoát không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Người dân giao dịch tại doanh nghiệp kinh doanh vàng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua, ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 1/2024.

Ngân hàng Nhà nước cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường qua đó kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền và báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền, đề xuất cấp thẩm quyền biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân... gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng. Trường hợp phát hiện hoạt động kinh doanh vàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kịp thời chuyển tài liệu, hồ sơ cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm, công khai, minh bạch theo quy định pháp luật.

Công điện cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đánh giá tổng thể, toàn diện về tình hình thị trường vàng trong nước và công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, bao gồm cả các nội dung về sản xuất, kinh doanh vàng miếng, vàng thương hiệu SJC, vàng trang sức...

Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có thông điệp tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng triển khai phương án can thiệp khi cần thiết.
Theo Ngân hàng Nhà nước, từ đầu tháng 12/2023 đến nay, giá vàng quốc tế tăng mạnh trên mức 2.000 USD/oz. Riêng ngày 26/12/2023, giá vàng quốc tế giao dịch quanh mức 2.063 USD/oz, tăng 232 USD/oz (tương đương tăng 12,7%) so với đầu năm. Trước đà tăng của giá vàng quốc tế, giá vàng miếng SJC trong nước diễn biến tăng theo. Riêng trong ngày 26/12/2023, giá vàng miếng SJC biến động mạnh, gần trưa lên đến 80 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, đến giờ giao dịch buổi chiều, giá mua bán vàng miếng SJC đã giảm nhanh trở lại, xuống mức 77,4-79,23 triệu đồng/lượng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng triển khai phương án can thiệp khi cần thiết.

Ngày 28/12/2023, giá vàng quốc tế tăng 19 USD/oz, giá mua bán vàng SJC trong nước quanh mức 78,2-79,87 triệu đồng/lượng. Trước biến động mạnh của giá vàng quốc tế và trong nước những ngày gần đây, khối lượng giao dịch cả chiều mua, lẫn chiều bán vàng đều tăng nhẹ, tuy nhiên thị trường vàng miếng SJC nhìn chung không biến động bất thường, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng khi giá vàng tăng cao như giai đoạn trước đây.

Ngân hàng Nhà nước phân tích nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC trong nước tăng mạnh trong những ngày vừa qua chủ yếu do yếu tố tâm lý trước đà tăng liên tục của giá vàng quốc tế. Tuy nhiên, giá vàng miếng SJC trong nước thường tăng với tốc độ nhanh hơn so với biến động giá thế giới.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng. Trong tháng 1/2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thị trường vàng quốc tế và trong nước, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân nên thận trọng trong giao dịch vàng,” lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục