Ngày 12/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm việc với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phối hợp quản lý thị trường vàng.
Để tăng cường hiệu quả các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp, công cụ theo quy định pháp luật, nhất là Nghị định 24 để quản lý, điều hành chặt chẽ, hiệu quả thị trường vàng, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá…
Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giám sát, quản lý, điều hành thị trường vàng, có hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng, yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vàng thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng.
Thực hiện ngay việc thanh, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng cả trước mắt và lâu dài theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện nghiêm công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách găm hàng đẩy giá của các tổ chức, cá nhân liên quan, gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng…
Đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo doanh nghiệp này tiếp tục thực hiện ngay công tác bình ổn thị trường, thực hiện nhiệm vụ chính trị để ổn định thị trường vàng; phối hợp, thực hiện chỉ đạo của các cơ quan chức năng có giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn thị trường vàng; thực hiện nghiêm quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, chế độ chứng từ, hóa đơn điện tử, báo cáo phòng chống rửa tiền, thống kê các giao dịch mua, bán vàng.
“Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu bán vàng miếng cung ứng ra thị trường với khối lượng và tần suất phù hợp với nhu cầu thị trường. Trước tình hình biến động giá vàng của thị trường vàng quốc tế và động thái điều hành, kiểm soát thị trường vàng trong thời gian tới, người dân cần thận trọng khi tham gia giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro,” lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo.
Ngay sau khi giá vàng SJC tăng mạnh lên cao nhất từ trước đến nay đạt mức 92,4 triệu đồng/lượng (10/5), sáng 11/5, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 213/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn hoạt động của thị trường vàng, khắc phục ngay tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao. Bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 24, quy định pháp luật về cạnh tranh và các quy định pháp luật có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 5/2024, không để chậm trễ hơn nữa.
Ngay sau động thái này của Chính phủ, chiều cùng ngày, giá vàng miếng SJC đã giảm 1,1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều còn 88,8-91,3 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, dù giảm nhưng thương hiệu này vẫn ở mức rất cao và cao hơn thế giới tới gần 18 triệu đồng/lượng./.