Nạn “vàng tặc” bùng phát trên thượng nguồn từ năm 2005 và kéo dài đến tận ngày nay, đang gây ô nhiễm nặng nề và đe dọa biến sông Hiến thành dòng “sông chết”, nếu như các cấp chính quyền ở địa phương vẫn không có những giải pháp quyết liệt xóa bỏ tận gốc.
Phá nát thượng nguồn
Từ thị xã Cao Bằng ngược lên sông Hiến khoảng 10km theo tuyến đường lên 2 huyện Thạch An và Hoà An, sự tàn phá dòng sông Hiến do “vàng tặc” gây ra đã rất nhức nhối.
Lòng sông đang bước vào đỉnh điểm của mùa cạn, phơi bày những núi đất đá ngạo nghễ nối tiếp nhau do “vàng tặc” khai quật lên, bóp nghẹt dòng chảy với màu nước đỏ quạch.
Hầu hết các thửa ruộng “bờ xôi ruộng mật“ nằm dọc 2 bên sông giờ trở thành những thùng đấu sâu hoắm, có chỗ lấn sát cột điện và khoét cả vào gần móng tuyến đường liên huyện vừa được nâng cấp.
Càng đi sâu lên thượng nguồn sông Hiến, sự tàn phá càng khốc hại hơn. Chỉ đếm sơ bộ khúc sông thuộc địa bàn xã Minh Khai, huyện Thạch An đã có ít nhất 30 điểm khai thác vàng trái phép giữa “thanh thiên bạch nhật”, tiếng máy móc đào bới đất đá tìm vàng gầm rú như một công trường thuỷ lợi đang gấp rút thi công.
Tiếp cận với "chủ vàng" Linh Văn Huy trú tại thôn Pác Ruốt, xã Minh Khai đang chỉ đạo một nhóm khai thác vàng bằng máy xúc ngay giữa lòng sông, anh ta cho biết: "Muốn khai thác vàng trên sông chỉ cần được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và Trưởng Công an xã gật đầu. Mỗi tháng nộp khoảng 3 triệu đồng cho lực lượng chức năng là xong."
Còn mua ruộng ven sông để khai thác thì mỗi thửa có giá từ 50 triệu tới 300 triệu đồng tuỳ thuộc vào tỷ lệ vàng trong đất.
Riêng Huy ít vốn chỉ thuê 1 máy xúc với giá 30 triệu đồng/tháng, còn 4 lao động ngoài cơm ăn mỗi người được trả công 60.000 đồng/ngày. Trừ chi phí, bình quân mỗi tháng Huy có thể đút túi trên dưới 100 triệu đồng.
Đây là thu nhập chỉ có trong mơ đối với người dân các xã thượng nguồn sông Hiến, khi mà tỷ lệ hộ nghèo đói vẫn còn trên mức 40%. Bởi vậy, hơn 5 năm qua phong trào “bán ruộng, đào đãi vàng” bùng phát và lan rộng như cháy rừng tre nứa vào mùa khô.
Trừ một số ít là người từ một vài tỉnh khác đến, còn đại đa số “vàng tặc” ở đây đều là dân các xã Quang Trọng, Minh Khai, Canh Tân (huyện Thạch An); xã Lê Trung, Vĩnh Quang (huyện Hoà An) và xã Đề Thám (thị xã Cao Bằng).
Đến Trụ sở xã Minh Khai vào đúng giờ hành chính, nhưng khi biết chúng tôi là nhà báo thì cán bộ xã lảng dần, chỉ còn ông Đinh Văn Nông, Bí thư Đảng ủy gượng gạo ngồi tiếp chuyện.
Ông thừa nhận chuyện dân phá ruộng, moi móc lòng sông Hiến tìm vàng là phổ biến; xã đã nhiều lần tuyên truyền quán triệt; các đoàn liên ngành tỉnh, huyện, xã nhiều lần tổ chức kiểm tra, truy quét nhưng không hiệu quả và xã cũng chưa bao giờ xử phạt một ai vi phạm.
Trả lời câu hỏi có biện pháp gì ngăn chặn nạn “vàng tặc” hay không? Ông thẳng thắn nói ngay: “Xã bó tay vì bí kế rồi. Tôi đang chờ xem huyện với tỉnh có làm được không!”
Mặc dù trước Tết Canh Dần, rồi liên tiếp trong các ngày 3/3, ngày 9/3 và ngày 13/3, các đoàn công tác Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Bảo vệ Môi trường cùng các ngành chức năng tỉnh tiến hành kiểm tra giải tỏa các điểm khai thác vàng trái phép tại khu vực này, nhưng ngay sau đó hoạt động khai thác trái phép lại tiếp tục tái diễn.
Đặc biệt, đoạn sông tiếp giáp địa phận tỉnh Bắc Kạn có 3 nhóm khai thác thủ công khiến nước sông từ địa phận tỉnh này chảy vào địa phận xã Quang Trọng, tỉnh Cao Bằng ngầu đục.
Hạ lưu gánh hậu quả
Đề cập về nạn “vàng tặc” trên sông Hiến, ông Đặng Nhật Quân, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên cấp nước tỉnh Cao Bằng bức xúc, sông Hiến là một trong 2 nguồn nước chủ yếu để công ty xử lý sản xuất nước sạch phục vụ nhu cầu của người dân thị xã Cao Bằng.
Nhưng 5 năm trở lại đây, nguồn nước này thường xuyên bị ô nhiễm với mức độ trầm trọng năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt là vào mùa khô hạn, mà nguyên nhân chính yếu là do nạn khai thác vàng bừa bãi trên thượng nguồn sông Hiến.
Công ty đã nhiều lần gửi công văn báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh về vấn đề này, gần đây nhất là công văn “kêu cứu” số 29 ngày 1/2/2010 vì nguồn nước sông Hiến quá ô nhiễm, song tỉnh vẫn không hồi âm và nguồn nước lấy từ sông này vẫn “đục như bát đất”, riêng tỷ lệ độ đục trong nước thành phẩm đã cao gấp 4-5 lần mức cho phép, chưa tính những hoá chất độc hại trong quá trình khai thác vàng thải ra.
Trong lúc nạn “vàng tặc” đang phá nát sông Hiến trước sự bất lực của các cấp chính quyền địa phương, đã và đang làm ô nhiễm nguồn nước, biến dạng dòng chảy gây nên lũ lớn và sạt lở đất cho vùng hạ lưu vào mùa mưa lũ hàng năm, ngày 20/1/2009, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng vẫn ban hành Quyết định số 125 phê duyệt kết quả đấu giá mức nộp thuế khoán khai thác một số điểm vàng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Theo quyết định này, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo Phát được khai thác tại Phiêng Đẩy, xã Quang Trọng, huyện Thạch An với diện tích 8,2ha, mức khoán nộp ngân sách vẻn vẹn 671 triệu đồng. Chưa kể Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Ngọc được thu thập tài liệu, tìm hiểu thực tế khoáng sản vàng tại khu vực Khau Xiểm, xã Minh Khai.
Trước đó ngày 17/6/2008, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã cấp phép cho Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển kinh tế Đại Bảo được khai thác vàng trên diện tích 18ha tại Khau Xiểm cũng thuộc xã Minh Khai trong thời hạn 1 năm.
Tại những điểm khai thác của 3 công ty nêu trên, nhiều diện tích rừng bị chặt phá đào bới nham nhở; các loại chất thải đều xử lý theo kiểu đối phó rồi xả thẳng ra môi trường.
Riêng khu vực Khau Xiểm là điểm cấp phép cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Ngọc thăm dò, mặc dù đã hết thời hạn từ cuối tháng 11/2009 nhưng chưa tháo dỡ nhà xưởng. Còn Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển kinh tế Đại Bảo đã ngừng hoạt động tại điểm vàng Khau Xiểm, song một số dân địa phương vẫn đang tổ chức khai thác và xả thẳng chất thải ra môi trường./.
Phá nát thượng nguồn
Từ thị xã Cao Bằng ngược lên sông Hiến khoảng 10km theo tuyến đường lên 2 huyện Thạch An và Hoà An, sự tàn phá dòng sông Hiến do “vàng tặc” gây ra đã rất nhức nhối.
Lòng sông đang bước vào đỉnh điểm của mùa cạn, phơi bày những núi đất đá ngạo nghễ nối tiếp nhau do “vàng tặc” khai quật lên, bóp nghẹt dòng chảy với màu nước đỏ quạch.
Hầu hết các thửa ruộng “bờ xôi ruộng mật“ nằm dọc 2 bên sông giờ trở thành những thùng đấu sâu hoắm, có chỗ lấn sát cột điện và khoét cả vào gần móng tuyến đường liên huyện vừa được nâng cấp.
Càng đi sâu lên thượng nguồn sông Hiến, sự tàn phá càng khốc hại hơn. Chỉ đếm sơ bộ khúc sông thuộc địa bàn xã Minh Khai, huyện Thạch An đã có ít nhất 30 điểm khai thác vàng trái phép giữa “thanh thiên bạch nhật”, tiếng máy móc đào bới đất đá tìm vàng gầm rú như một công trường thuỷ lợi đang gấp rút thi công.
Tiếp cận với "chủ vàng" Linh Văn Huy trú tại thôn Pác Ruốt, xã Minh Khai đang chỉ đạo một nhóm khai thác vàng bằng máy xúc ngay giữa lòng sông, anh ta cho biết: "Muốn khai thác vàng trên sông chỉ cần được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và Trưởng Công an xã gật đầu. Mỗi tháng nộp khoảng 3 triệu đồng cho lực lượng chức năng là xong."
Còn mua ruộng ven sông để khai thác thì mỗi thửa có giá từ 50 triệu tới 300 triệu đồng tuỳ thuộc vào tỷ lệ vàng trong đất.
Riêng Huy ít vốn chỉ thuê 1 máy xúc với giá 30 triệu đồng/tháng, còn 4 lao động ngoài cơm ăn mỗi người được trả công 60.000 đồng/ngày. Trừ chi phí, bình quân mỗi tháng Huy có thể đút túi trên dưới 100 triệu đồng.
Đây là thu nhập chỉ có trong mơ đối với người dân các xã thượng nguồn sông Hiến, khi mà tỷ lệ hộ nghèo đói vẫn còn trên mức 40%. Bởi vậy, hơn 5 năm qua phong trào “bán ruộng, đào đãi vàng” bùng phát và lan rộng như cháy rừng tre nứa vào mùa khô.
Trừ một số ít là người từ một vài tỉnh khác đến, còn đại đa số “vàng tặc” ở đây đều là dân các xã Quang Trọng, Minh Khai, Canh Tân (huyện Thạch An); xã Lê Trung, Vĩnh Quang (huyện Hoà An) và xã Đề Thám (thị xã Cao Bằng).
Đến Trụ sở xã Minh Khai vào đúng giờ hành chính, nhưng khi biết chúng tôi là nhà báo thì cán bộ xã lảng dần, chỉ còn ông Đinh Văn Nông, Bí thư Đảng ủy gượng gạo ngồi tiếp chuyện.
Ông thừa nhận chuyện dân phá ruộng, moi móc lòng sông Hiến tìm vàng là phổ biến; xã đã nhiều lần tuyên truyền quán triệt; các đoàn liên ngành tỉnh, huyện, xã nhiều lần tổ chức kiểm tra, truy quét nhưng không hiệu quả và xã cũng chưa bao giờ xử phạt một ai vi phạm.
Trả lời câu hỏi có biện pháp gì ngăn chặn nạn “vàng tặc” hay không? Ông thẳng thắn nói ngay: “Xã bó tay vì bí kế rồi. Tôi đang chờ xem huyện với tỉnh có làm được không!”
Mặc dù trước Tết Canh Dần, rồi liên tiếp trong các ngày 3/3, ngày 9/3 và ngày 13/3, các đoàn công tác Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Bảo vệ Môi trường cùng các ngành chức năng tỉnh tiến hành kiểm tra giải tỏa các điểm khai thác vàng trái phép tại khu vực này, nhưng ngay sau đó hoạt động khai thác trái phép lại tiếp tục tái diễn.
Đặc biệt, đoạn sông tiếp giáp địa phận tỉnh Bắc Kạn có 3 nhóm khai thác thủ công khiến nước sông từ địa phận tỉnh này chảy vào địa phận xã Quang Trọng, tỉnh Cao Bằng ngầu đục.
Hạ lưu gánh hậu quả
Đề cập về nạn “vàng tặc” trên sông Hiến, ông Đặng Nhật Quân, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên cấp nước tỉnh Cao Bằng bức xúc, sông Hiến là một trong 2 nguồn nước chủ yếu để công ty xử lý sản xuất nước sạch phục vụ nhu cầu của người dân thị xã Cao Bằng.
Nhưng 5 năm trở lại đây, nguồn nước này thường xuyên bị ô nhiễm với mức độ trầm trọng năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt là vào mùa khô hạn, mà nguyên nhân chính yếu là do nạn khai thác vàng bừa bãi trên thượng nguồn sông Hiến.
Công ty đã nhiều lần gửi công văn báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh về vấn đề này, gần đây nhất là công văn “kêu cứu” số 29 ngày 1/2/2010 vì nguồn nước sông Hiến quá ô nhiễm, song tỉnh vẫn không hồi âm và nguồn nước lấy từ sông này vẫn “đục như bát đất”, riêng tỷ lệ độ đục trong nước thành phẩm đã cao gấp 4-5 lần mức cho phép, chưa tính những hoá chất độc hại trong quá trình khai thác vàng thải ra.
Trong lúc nạn “vàng tặc” đang phá nát sông Hiến trước sự bất lực của các cấp chính quyền địa phương, đã và đang làm ô nhiễm nguồn nước, biến dạng dòng chảy gây nên lũ lớn và sạt lở đất cho vùng hạ lưu vào mùa mưa lũ hàng năm, ngày 20/1/2009, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng vẫn ban hành Quyết định số 125 phê duyệt kết quả đấu giá mức nộp thuế khoán khai thác một số điểm vàng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Theo quyết định này, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo Phát được khai thác tại Phiêng Đẩy, xã Quang Trọng, huyện Thạch An với diện tích 8,2ha, mức khoán nộp ngân sách vẻn vẹn 671 triệu đồng. Chưa kể Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Ngọc được thu thập tài liệu, tìm hiểu thực tế khoáng sản vàng tại khu vực Khau Xiểm, xã Minh Khai.
Trước đó ngày 17/6/2008, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã cấp phép cho Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển kinh tế Đại Bảo được khai thác vàng trên diện tích 18ha tại Khau Xiểm cũng thuộc xã Minh Khai trong thời hạn 1 năm.
Tại những điểm khai thác của 3 công ty nêu trên, nhiều diện tích rừng bị chặt phá đào bới nham nhở; các loại chất thải đều xử lý theo kiểu đối phó rồi xả thẳng ra môi trường.
Riêng khu vực Khau Xiểm là điểm cấp phép cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Ngọc thăm dò, mặc dù đã hết thời hạn từ cuối tháng 11/2009 nhưng chưa tháo dỡ nhà xưởng. Còn Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển kinh tế Đại Bảo đã ngừng hoạt động tại điểm vàng Khau Xiểm, song một số dân địa phương vẫn đang tổ chức khai thác và xả thẳng chất thải ra môi trường./.
Văn Hào-Thanh Tuấn (Vietnam+)