Mặc dù đảo chiều đi lên trong phiên giao dịch cuối tuần, song giá vàng thế giới vẫn chứng kiến tháng giảm thứ sáu liên tiếp, ghi dấu chuỗi tháng đi xuống dài nhất trong hai thập kỷ qua.
Sau khi đi lên trong hai phiên giao dịch đầu tuần, nhờ đồng USD suy yếu, giá vàng thế giới quay đầu giảm trong hai phiên giao dịch liền sau đó, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất như dự đoán và dự báo kinh tế sẽ tăng trưởng thêm ba năm nữa.
Kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày (25-26/9) Fed đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, lên biên độ 2-2,25%, với nhận định nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ “tận hưởng” thêm ít nhất ba năm tăng trưởng nữa. Đây là lần tăng lãi suất thứ ba của Fed trong năm nay.
Vàng khá nhạy cảm với lãi suất cao bởi điều này có xu hướng đẩy đồng USD đi lên, qua đó khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn cho những người mua nắm giữ đồng tiền khác. Việc nâng lãi suất cũng giúp lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao, và làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Ngày 27/9, đồng USD ghi nhận phiên tăng theo ngày mạnh nhất trong hơn một tháng qua nhờ các số liệu tích cực của nền kinh tế Mỹ và tình hình bất ổn chính trị tại Italy đang làm suy yếu đồng euro. Điều này đã khiến giá vàng mất khoảng 1%.
Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 28/9, vàng bật tăng trở lại, khi số liệu về hoạt động chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ, một thước đo tình hình lạm phát, yếu hơn dự kiến trong tháng 9/2018, cùng với hoạt động mua vào vàng giá hời được đẩy mạnh đã góp phần hỗ trợ thị trường kim loại quý trong phiên này.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/9, tại sàn COMEX, giá vàng giao ngay tăng 0,9%, lên 1.193,32 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 17/8 vào giữa phiên. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 12/2018 tăng 8,8 USD (0,7%), lên 1.196,20 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng kỳ hạn vẫn mất 0,4%. Trong tháng 9, vàng kỳ hạn lùi 0,9%, đánh dấu sáu tháng sụt giảm liên tiếp, qua đó nâng tổng mức giảm trong quý III lên 4,6%.
Tuy nhiên, đồng USD vẫn leo lên mức cao nhất hai tuần so với rổ các đồng tiền chủ chốt trong phiên này, giữa bối cảnh các số liệu kinh tế tích cực khác của Mỹ vẫn chứng tỏ rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn trên đà tăng trưởng ổn định.
Như vậy, vàng đã giảm hơn 13% kể từ mức cao của tháng Tư, chủ yếu do đồng USD mạnh và lo ngại về nguy cơ bùng nổ cuộc chiến thương mại toàn cầu. Nhà đầu tư hiện có xu hướng mua đồng USD thay vì vàng như là một trong các tài sản an toàn.
Cũng trong phiên 28/9, giá bạc tăng 3,4% lên 14,68 USD/ounce, còn giá bạch kim tiến 1,1% lên 817,8 USD/ounce. Trong lúc đó, giá palađi lại giảm 0,3% xuống 1.078,40 USD/ounce, nhờ nhu cầu của ngành công nghiệp tăng mạnh./.