Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), kể từ khi Nga bị các nước phương Tây trừng phạt vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, vàng của Nga đã chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường châu Á, bao gồm Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Hong Kong (Trung Quốc) và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thay vì vận chuyển số lượng lớn đến London để đưa vào hầm các ngân hàng hàng đầu như JPMorgan Chase và HSBC, các lô hàng kim loại quý của Nga đang được chuyển từng phần đến những nơi như UAE, Hong Kong và Thổ Nhĩ Kỳ, nơi không bị hạn chế.
Trong số các quốc gia kể trên, UAE đã trở thành thị trường quan trọng nhất của vàng Nga sau khi lệnh cấm vận của phương Tây cắt đứt các thị trường xuất khẩu truyền thống.
Ngay sau khi nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine, nhiều ngân hàng đa quốc gia, nhà cung cấp dịch vụ hậu cần và nhà tinh chế kim loại quý đã ngừng xử lý vàng của Nga.
Từ ngày 7/3/2022, Hiệp hội Thị trường Vàng London đã cấm vàng sản xuất tại Nga. Đến cuối tháng 8/2022, Anh, Liên minh châu Âu (EU), Thụy Sĩ, Mỹ, Canada và Nhật Bản cũng thông báo cấm nhập khẩu vàng của Nga.
Tuy nhiên, hồ sơ xuất khẩu cho thấy, các nhà sản xuất vàng của Nga đã nhanh chóng tìm thấy thị trường mới ở các nước chưa áp lệnh trừng phạt chống Moskva như UAE, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc.
Hãng tin Reuters cho biết kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, UAE đã nhập khẩu 75,7 tấn vàng Nga, trị giá 4,3 tỷ USD, tăng kỷ lục từ 1,3 tấn trong năm 2021.
UAE từ lâu có một ngành công nghiệp vàng phát triển mạnh. Dữ liệu thương mại cho thấy UAE nhập khẩu trung bình khoảng 750 tấn vàng nguyên chất mỗi năm trong giai đoạn từ 2016-2021.
Điều này có nghĩa là các lô hàng vàng xuất khẩu của Nga chiếm khoảng 10% lượng nhập khẩu vàng của UAE, nhà xuất khẩu lớn trong lĩnh vực vàng thỏi và trang sức.
Theo nguồn tin từ một công ty vận chuyển một lượng lớn vàng của Nga đến UAE, các công ty tinh luyện vàng của Nga đã bán vàng thỏi sang UAE với mức chiết khấu khoảng 1% so với giá chuẩn toàn cầu.
Xếp sau UAE là Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, mỗi nước nhập khoảng 20 tấn vàng từ ngày 24/2/2022 đến ngày 3/3/2023.
Theo dữ liệu của hải quan Nga, ba quốc gia trên nhập đến 99,8% lượng vàng xuất khẩu của Moskva trong giai đoạn này.
[Nga đứng trước thử thách mới khi Phương Tây cấm nhập khẩu vàng]
Trước đó, Mỹ từng cảnh báo các nước có thể không được tiếp cận thị trường G7 nếu hợp tác kinh doanh với các thực thể chịu lệnh trừng phạt của Washington. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy UAE, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm lệnh trừng phạt.
Hầu hết các lô hàng vàng của Nga đến Trung Quốc đều thông qua Hong Kong. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hợp tác của Trung Quốc với Nga sẽ không dừng lại hoặc chịu bất kỳ sự ép buộc từ bất các bên thứ ba.
Nga là quốc gia sản xuất vàng lớn thứ hai thế giới. Trong khoảng một thập kỷ qua, phần lớn vàng của Nga được xuất khẩu đến Anh - trung tâm giao dịch vàng miếng lớn nhất thế giới.
Vàng của Nga xuất khẩu chỉ riêng sang thị trường London được chính phủ Anh ước tính trị giá 12,6 tỷ bảng Anh (15,5 tỷ USD) trong năm 2021.
Những người khai thác vàng ở Nga chủ yếu bán vàng cho các ngân hàng thương mại trong nước. Các ngân hàng này sau đó thường bán cho Ngân hàng Trung ương hoặc xuất khẩu.
Công ty Polyus là nhà sản xuất vàng lớn nhất của Nga, tiếp theo là Polymetal.
Trước các lệnh trừng phạt quốc tế, sản lượng kim loại quý của Moskva đã Nga tăng vọt do nhu cầu cao đối với tài sản trú ẩn an toàn trong nước.
Đài RT dẫn dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Thống kê Nhà nước Liên bang (Rosstat) cho biết các công ty khai thác vàng của Nga đã tăng sản lượng lên 26,5% so với cùng kỳ trong tháng 3/2023.
So với tháng Hai, sản lượng vàng đã tăng hơn 30%. Tổng cộng, sản lượng trong quý 1 cao hơn 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Ngân hàng Trung ương Nga, kho dự trữ vàng thỏi của nước này cũng tiếp tục tăng trong năm qua. Dự trữ vàng của Nga đã tăng 1 triệu ounce trong năm ngoái lên 74,9 triệu ounce tính đến ngày 1/3.
Theo Bộ Tài chính Nga, nhu cầu về vàng trong dân chúng cũng đang tăng lên, người Nga đã mua hơn 75 tấn vàng thỏi để đầu tư trong năm 2022./.