Vàng có còn là 'hầm trú ẩn an toàn' trong bối cảnh đại dịch bệnh?

Theo nhà phân tích Margaret Yang Yan của CMC Markets, niềm tin của giới đầu tư vẫn rất “mong manh” và quan điểm “tiền mặt là vua” vẫn là xu hướng chủ đạo trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay.
Khách hàng giao dịch vàng miếng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Vàng - tài sản vốn được mệnh danh là “hầm trú ẩn an toàn” dường như đang bị soán ngôi trong bối cảnh dịch COVID-19 đang làm thị trường tài chính toàn cầu chao đảo.

Vì sao giá vàng chao đảo?

Giá vàng liên tục sụt giảm trong khoảng 2 tuần trước do các nhà đầu tư tìm cách thu hồi tiền mặt giữa những cơn hoảng loạn và rung lắc mạnh của thị trường chứng khoán và tài chính toàn cầu.

Vandana Bharti, trợ lý Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu hàng hóa của SMC Comtrade, nhận định vàng không còn đóng vai trò như một tài sản đảm bảo và tình trạng thoái vốn diễn ra ở khắp mọi nơi.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 23/3 thông báo sẽ bắt đầu thực hiện một loạt biện pháp tín dụng chưa từng có tiền lệ dành cho các hộ gia đình, các doanh nghiệp nhỏ và các chủ sở hữu lao động lớn, vốn đang phải đối mặt với tình trạng cực kỳ khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19.

Tai Wong, chuyên gia cấp cao của Công ty BMO cho biết, thị trường đã phản ứng ngay lập tức với việc chứng khoán và giá vàng tăng mạnh sau động thái trên của Fed. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng vấn đề là liệu tâm lý lạc quan này có kéo dài hay không.

Cụ thể, giá vàng thế giới đã tăng hơn 5% trong phiên 24/3, khi nhà đầu tư phản ứng tích cực trước gói nới lỏng định lượng của Fed, qua đó giúp ngừng hoạt động bán tháo trên thị trường.

Song giới quan sát cũng chỉ ra giá vàng giao ngay thế giới tăng vọt nhưng không cao như giá vàng kỳ hạn Mỹ. Điều này là do thị trường đang lo lắng rằng những hạn chế đi lại bằng đường hàng không và việc đóng cửa một số nhà máy sản xuất vàng lớn sẽ ảnh hưởng tới khả năng đáp ứng các hợp đồng vàng kỳ hạn tại Mỹ.

Ông David Meger, người phụ trách mảng giao dịch kim loại tại Công ty môi giới đầu tư High Ridge Futures cho biết các chương trình kích thích khổng lồ và nới lỏng định lượng của Fed tiếp tục hỗ trợ vàng trong khi khiến đồng USD suy yếu. Kim loại quý như vàng sẽ tiếp tục đà đi lên trong môi trường đó.

Tuy nhiên, đà đi lên của kim loại quý nhanh chóng bị cản trở bởi "tâm lý muốn tăng tích trữ tiền mặt" của nhà đầu tư.

Theo nhà phân tích Margaret Yang Yan của CMC Markets, niềm tin của giới đầu tư vẫn rất “mong manh” và quan điểm “tiền mặt là vua” vẫn là xu hướng chủ đạo. Việc giá vàng giao ngay thấp hơn giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ là một tín hiệu cho thấy thị trường đang quan ngại về những biện pháp hạn chế đi lại bằng đường không và hoạt động sản xuất vàng bị đình trệ sẽ tác động tiêu cực tới xuất khẩu kim loại quý này sang thị trường Mỹ.

Giá vàng cũng chịu sức ép đi xuống sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho thấy các đơn đặt hàng lâu bền đã tăng hơn dự kiến trong tháng 2/2020, với mức tăng 1,2%, so với mức tăng 0,1% của tháng trước đó.

Có nên nắm giữ vàng?

Ở thị trường trong nước, những ngày qua, giá vàng có lúc đã biến động không cùng nhịp với giá vàng thế giới. Giá vàng trong nước đã giảm chậm chạp trong khi giá vàng thế giới lao dốc nhanh. Điều này đã khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới được nới rộng.

Điển hình như trong phiên giao dịch ngày 20/3, trong khi giá vàng thế giới quy đổi ở mức hơn 40 triệu đồng/lượng thì giá vàng trong nước vẫn giao dịch quanh mốc 46 triệu đồng/lượng.

Nhìn nhận về vấn đề này, tiến sỹ Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế, cho rằng giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới chắc chắn không phải do đầu cơ. Người dân hiện không xem vàng như kênh trú ẩn an toàn còn giới đầu cơ đang chờ đợi giá vàng phục hồi lại.

[Giá vàng trong nước giảm mạnh tới 500.000 đồng mỗi lượng]

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh kể từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời, gần như tại Việt Nam không còn tình trạng đầu cơ, thanh khoản vàng miếng rất ế ẩm.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định thị trường vàng đang chứng kiến một nghịch lý, thông thường khi có khủng hoảng tài chính thì vàng được coi là nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, trong những ngày qua, khi những tin tức về dịch bệnh ngày càng xấu đi thì giá vàng trên thị trường thế giới lao dốc không phanh. Vàng bỗng chốc trở thành "nạn nhân" của đại dịch toàn cầu này.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng vàng vẫn là một kênh đầu tư có thể xét tới trong năm 2020. Khi nền kinh tế trở lại bình thường, vàng là kênh đầu tư có thể được chú ý nhưng người dân vẫn nên thận trọng, không nên bỏ hết trứng vào một giỏ. Người dân có tiền nên phân bổ vào các kênh đầu tư khác như: gửi tiết kiệm, đầu tư sản xuất kinh doanh.

Ảnh minh họa. (Nguồn: THX/TTXVN)

Bà Nguyễn Thị Luyến, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu cũng nhận định khi bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội thì vàng trở thành công cụ trú ẩn an toàn và có khả năng sinh lời.

Tuy nhiên, bà Luyến cũng chia sẻ trong thời điểm giá vàng phức tạp như hiện nay, các nhà đầu tư và khách hàng hãy cân nhắc, thận trọng khi đưa ra quyết định mua hoặc bán. Muốn đầu tư vàng hiệu quả hãy cân nhắc và thường xuyên theo dõi thị trường để “mua đáy, bán đỉnh." Đồng thời, nên lựa chọn những doanh nghiệp uy tín, thương hiệu để đảm bảo tối đa quyền lợi của mình khi giao dịch.

Ở một góc nhìn khác, Tiến sỹ Bùi Quang Tín cho rằng bài học những năm 2008-2012 vẫn còn đó. Vàng không bao giờ được xem là kênh đầu tư an toàn bởi nó luôn tiềm ẩn rủi ro, chỉ nên coi đó là món tài sản để dành.

"Cho tới khi nào dịch bệnh chưa được kiểm soát thì vàng không được xem là hầm trú ẩn an toàn. Trong khoảng vài tháng tới, vàng chưa thể lên giá. Với đánh giá của nhiều chuyên gia, giá vàng sẽ ở mức thấp như hiện nay cho đến cuối quý 2/2020," Tiến sỹ Bùi Quang Tín nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục