Giữa lúc các thị trường chứng khoán phục hồi trở lại sau khi lao dốc do đại dịch COVID-19, các chuyên gia tư vấn đang hối thúc giới nhà giàu trên thế giới nắm giữ nhiều vàng hơn, đồng thời bày tỏ sự hoài nghi về đà khởi sắc của chứng khoán cũng như tác động dài hạn từ các chính sách kích thích của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.
Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hầu hết các ngân hàng tư đều khuyến nghị khách hàng không giữ hay chỉ nên giữ rất ít vàng.
Nhưng giờ đây họ lại hướng đến 10% danh mục đầu tư của khách hàng vào kim loại quý này, khi các biện pháp kích thích khổng lồ của các ngân hàng trung ương đang làm giảm lợi suất trái phiếu và làm tăng nguy cơ lạm phát vốn sẽ làm giảm giá trị của các đồng tiền và các loại tài sản khác, từ đó khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn.
[Giá vàng thế giới ổn định nhờ hy vọng về vắcxin phòng COVID-19]
Dù giá vàng đã tăng 14% kể từ đầu năm nay lên 1.730 USD/ounce, nhiều ngân hàng tư nhân tin rằng vàng, vốn là biện pháp phòng trừ rủi ro cho cả trường hợp lạm phát và giảm phát, sẽ còn tăng cao hơn nữa.
UBS, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, cho rằng giá vàng có thể đạt 1.800 USD/ounce trước cuối năm nay, nhờ được thúc đẩy bởi lãi suất siêu thấp và giới đầu tư tìm đến vàng để phòng trừ rủi ro cho các khoản đầu tư của mình.
Thậm chí, giá vàng còn được dự đoán sẽ lên đến 2.000 USD/ounce trong trường hợp xảy ra làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai.
Hầu hết các ngân hàng lớn đều đang cung cấp dịch vụ giữ vàng thỏi, trong đó nhiều ngân hàng cho biết nhu cầu đối với loại hình dịch vụ này đã gia tăng, đặc biệt ở những địa điểm như Thụy Sỹ và Singapore.
Ông Andre Portelli, một quản lý cấp cao của Ngân hàng Barclays, cho biết dù nhiều khách hàng đang bắt đầu tăng cường nắm giữ lượng vàng vật chất vào đầu năm 2020, nhưng xu hướng này vẫn còn tiếp diễn.
Ông nói thêm sự gián đoạn nguồn cung vàng vật chất trong tháng Ba và tháng Tư do nhiều nhà sản xuất vàng thỏi lớn phải đóng cửa và năng lực vận chuyển quốc tế bị giới hạn cũng góp phần làm gia tăng nhu cầu của khách hàng./.