Trong phiên giao dịch chiều 7/9 tại thị trường châu Á, giá vàng tăng lên mức “đỉnh” trong 2 tuần rưỡi ngay sau khi thị trường đón nhận số liệu kinh tế kém khả quan của Mỹ, làm dấy lên đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chưa vội nâng lãi suất trong cuộc họp chính sách trong tháng này.
Cụ thể, vào lúc 13 giờ 43 phút giờ Việt Nam, tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.351,10 USD mỗi ounce.
Trong phiên này, có lúc giá vàng đã tăng chạm mức 1.352,65 USD mỗi ounce, mức cao nhất kể từ ngày 19/8.
Viện quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) trước đó công bố báo cáo cho thấy lĩnh vực dịch vụ của nước này trong tháng Tám tăng trưởng chậm lại đáng kể, ở mức thấp nhất trong hơn sáu năm qua.
Cụ thể, chỉ số các nhà quản lý mua hàng (PMI) thuộc lĩnh vực dịch vụ, một trong những thước đo chính đánh giá tình hình “sức khỏe” của nền kinh tế Mỹ, đứng ở mức 51,4 trong tháng Tám vừa qua, so với mức 55,5 trong tháng Bảy.
Các đơn đặt hàng mới và hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này giảm mạnh, kết hợp với tăng trưởng việc làm yếu đã tạo nên kết quả đáng thất vọng trên.
Tuy nhiên, thông tin này lại có lợi cho giá vàng, bởi nó góp phần làm chậm lại lộ trình nâng lãi suất của Fed.
Giá vàng khá nhạy cảm với chính sách tiền tệ của Mỹ, do lãi suất tăng có xu hướng làm giảm nhu cầu đầu tư vào vàng và làm đồng USD tăng giá nên tác động đến giá kim loại quý này.
Ông Kent Li, người phụ trách hoạt động giao dịch vàng thuộc Wing Fung Precious Metals, dự đoán thị trường sẽ giao dịch trầm lắng cho tới khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra quyết định lãi suất vào ngày 8/9.
Lượng vàng do Quỹ trao đổi vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust nắm giữ tính đến phiên 6/9 đạt 952,14 tấn, tăng 1,52% so với phiên trước, mức tăng cao nhất kể từ ngày 5/7./.