Vận tải hàng hóa liên vận đường sắt Việt Nam-Trung Quốc liên tục tăng trưởng

Ngày 11/12, tại Hội nghị đường sắt biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 44, lãnh đạo ngành đường sắt hai nước thảo luận, đề xuất các giải pháp nâng cao khối lượng vận tải hàng hóa liên vận quốc tế.
Quang cảnh Hội nghị. (Nguồn: Đường sắt Việt Nam)

Khối lượng hàng hóa liên vận đường sắt Việt Nam-Trung Quốc giữa hai nước liên tục tăng trưởng thời gian qua.

Đây là nhận định chung được đưa ra tại Hội nghị Đường sắt biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 44 do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức, diễn ra trong hai ngày 11-12/12, tại Hà Nội.

Theo Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Trần Thiện Cảnh, công tác tổ chức Hội nghị Đường sắt biên giới Việt Nam-Trung Quốc đã bị gián đoạn gần 4 năm gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tuy vậy, ngành đường sắt hai nước đã nỗ lực thực hiện đúng các điều khoản của Nghị định thư Hội nghị lần thứ 43; đồng thời phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện tối đa trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong vận tải hàng hóa giữa hai bên.

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt giữa Việt Nam-Trung Quốc liên tục tăng trưởng; trong đó, năm 2022 ghi nhận sản lượng đạt xấp xỉ 1,2 triệu tấn. Năm 2023, khối lượng giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới. Tuy nhiên, sang năm 2024, khối lượng hàng hóa liên vận quốc tế đã từng bước phục hồi và tăng trưởng.

Ông Dương Bân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục Nam Ninh, Trưởng đoàn đại biểu Đường sắt Trung Quốc, nhấn mạnh từ Hội nghị Đường sắt biên giới lần thứ 43 đến nay, dưới sự nỗ lược chung của hai bên, công tác liên vận đường sắt quốc tế không ngừng phát triển, giữ gìn ổn định và an toàn trong công tác vận tải đường sắt.

Thống kê trong 11 tháng của năm nay, chuyến tàu container hai chiều đã vận tải 33.400 TEU container, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 145%, trong đó nhập cảnh Trung Quốc 12.400 TEU container, so với cùng kỳ tăng 29%; từ Trung Quốc xuất cảnh Việt Nam 21.000 TEU container, so với cùng kỳ tăng 460%.

Kể từ khi hai nước Việt Nam Trung Quốc ký Hiệp định đường sắt biên giới Việt Nam-Trung Quốc năm 1992 và đặc biệt là kể từ khi liên vận đường sắt quốc tế giữa hai nước được khai thông lại vào năm 1996 đến nay, Hội nghị đường sắt biên giới Việt Nam-Trung Quốc được mỗi nước tổ chức luân phiên thường niên và là một cơ chế hợp tác thực chất và hiệu quả.

Trong thời gian gần đây, mối quan hệ hợp tác về phát triển đường sắt được đặt biệt tăng cường, thể hiện rõ trong các Tuyên bố chung trong các chuyến thăm cấp nhà nước giữa lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và đặc biệt ngay trong tháng 12 này, Chính phủ Việt Nam đã hoàn tất thủ tục nội bộ và ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Việt nam ký Thỏa thuận giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về hợp tác triển khai các dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối giữa Việt Nam-Trung Quốc.

Để triển khai thực hiện nhận thức chung giữa lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đang tích cực triển khai chuẩn bị đầu tư ba tuyến đường sắt kết nối Việt Nam-Trung Quốc gồm: tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng kết nối với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, phấn đấu khởi công trong năm 2025; lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt Đồng Đăng-Hà Nội và Hải Phòng-Hạ Long-Móng Cái kết nối với tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. Dự tính, sau khi được đầu tư, sản lượng vận tải và lượng hành khách liên vận quốc tế sẽ tăng lên đáng kể, tương xứng với tiềm năng và nhu cầu giao thương giữa hai nước.

Theo kế hoạch, lễ ký kết Nghị định thư Đường sắt biên giới Việt Nam-Trung Quốc sẽ được tiến hành ngay sau khi đoàn đàm phán hai nước thống nhất các vấn đề đưa ra thảo luận, đàm phán trong khuôn khổ hội nghị này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục