Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (UNOCHA) ngày 25/4 đã buộc phải giảm hoạt động tại nhiều nơi Sudan do giao tranh ác liệt.
Người phát ngôn UNOCHA, ông Jens Laerke cho biết: “Tại những nơi giao tranh ác liệt làm ảnh hưởng đến hoạt động nhân đạo, chúng tôi đã buộc phải giảm các chương trình hỗ trợ của mình.”
Tuy nhiên, ông Laerke nhấn mạnh UNOCHA cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân Sudan.
Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 25/4, ít nhất 459 người đã thiệt mạng và gần 4.072 người bị thương do giao tranh tại Sudan trong 10 ngày qua.
Đại diện WHO tại Sudan, ông Nima Saeed cũng cảnh báo "nguy cơ cao về rủi ro sinh học" khi một trong hai bên giao tranh ở Sudan chiếm một phòng thí nghiệm.
[Các quốc gia tiếp tục nỗ lực sơ tán công dân bị mắc kẹt ở Sudan]
Trong khi đó, các nước đang tận dụng một thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ làm trung gian, kéo dài 72 giờ bắt đầu từ nửa đêm 24/4 (giờ địa phương) để xúc tiến sơ tán công dân.
Chính phủ Anh ngày 25/4 thông báo khởi động một chiến dịch sơ tán quy mô lớn dành cho các công dân nước mình, sau khi các phe phái tại quốc gia Bắc Phi này nhất trí thỏa thuận ngừng bắn dài 72 giờ.
Anh cho biết các chuyến bay quân sự sẽ khởi hành từ một sân bay ở ngoại ô thủ đô Khartoum và sẽ đón những người có hộ chiếu Anh.
Ưu tiên sẽ dành cho các nhóm gia đình có con nhỏ, người cao tuổi và các cá nhân đang cần điều trị y tế.
London ước tính khoảng 4.000 công dân Anh đang có mặt tại Sudan. Anh cho biết đang phối hợp với các đối tác quốc tế để sắp xếp hoạt động sơ tán và cũng đang tìm các giải pháp khác để hỗ trợ công dân nước này rời Sudan.
Trước đó, theo phóng viên TTXVN tại Rome, 2 máy bay quân sự của Italy đã sơ tán 96 người có quốc tịch khác nhau khỏi Sudan và đã hạ cánh tại thủ đô của Italy.
Trong khi đó, Pháp cđã sơ tán 538 người, trong đó có 209 công dân nước này. Ukraine cũng đã sơ tán 138 người, trong đó có công dân Gruzia và Peru, 35 phụ nữ và 12 trẻ em.
Những người được sơ tán đang ở Ai Cập và được chăm sóc y tế, cung cấp thức ăn và nước uống.
Cùng ngày 25/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo hầu hết công dân nước này ở Sudan đã được sơ tán an toàn theo nhóm đến các cửa khẩu biên giới của các nước láng giềng.
Phát biểu họp báo thường kỳ, người phát ngôn bộ trên, bà Mao Ninh cho biết đến nay chưa nhận được bất kỳ báo cáo thương vong nào liên quan đến công dân Trung Quốc ở Sudan.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, quân đội Indonesia (TNI) đang triển khai các binh sỹ thuộc Lực lượng phản ứng nhanh của Không quân (Kopasgat) để hỗ trợ sơ tán các công dân nước này khỏi Sudan.
Trong một diễn biến khác, Cộng hòa Cyprus ngày 25/4 cho biết đã khởi động một cơ chế cứu hộ nhân đạo để sơ tán công dân của 3 quốc gia từ Sudan đến Cyprus.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Cyprus nêu rõ: “Cộng hòa Cyprus có ý định tạo điều kiện cho các quốc gia thân hữu sơ tán công dân mình thông qua Cyprus.”
Trước đó, Cyprus cũng đã tạo điều kiện cho các hoạt động sơ tán nhân đạo. Hàng chục nghìn người đã được sơ tán khỏi Liban qua Cyprus năm 2006 trong cuộc giao tranh giữa Liban với Israel.
Đối với người dân Sudan, cuộc chiến ở Khartoum cũng đang chia rẽ các gia đình, bởi một số người quyết định ở lại trong khi những người thân yêu của họ lựa chọn ra đi. Dania Atabani, 23 tuổi cho biết cha mẹ, dì và anh em họ của cô đều rời thành phố nhưng cô quyết định ở lại chăm sóc ông bà.
Nhiều người trẻ tuổi khác như Sammer Hamza, 26 tuổi, vẫn chưa quyết định nên đi hay ở lại. Các cuộc đụng độ tiếp tục leo thang trong khu vực của cô khiến việc ra ngoài trở nên rất nguy hiểm.
Nhưng ngay cả khi lựa chọn chạy trốn trở nên an toàn hơn, Hamza nói rằng việc rời khỏi ngôi nhà - và thành phố yêu dấu - sẽ là lựa chọn khó khăn nhất mà cô từng phải thực hiện.
Chia sẻ với Al Jazeera qua điện thoại khi đang cố kìm lại nước mắt, Hamza nói: “Tôi thực sự không muốn rời khỏi nhà. Tôi hy vọng chiến tranh sẽ không bao giờ xảy ra ở Sudan. Tôi hy vọng rằng chiến tranh sẽ không bao giờ xảy ra ở Khartoum”./.