Văn phòng Ngân sách quốc hội Mỹ cảnh báo Bộ Tài chính 'cháy túi'

CBO cảnh báo, Bộ Tài chính Mỹ có thể cạn tiền mặt vào cuối tháng 9/2019 nếu cơ quan lập pháp không có hành động để gia hạn đình chỉ áp dụng mức trần nợ công hoặc tăng trần nợ công.
Đồng USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ Tài chính Mỹ có thể cạn tiền mặt vào cuối tháng 9/2019 nếu cơ quan lập pháp không có hành động để gia hạn đình chỉ áp dụng mức trần nợ công hoặc tăng trần nợ công.

Văn phòng Ngân sách quốc hội Mỹ (CBO) đã đưa ra cảnh báo trên, trong bối cảnh Quốc hội Mỹ trước đây đã đồng ý đình chỉ việc quy định mức trần nợ công đến ngày 1/3 tới.

Hết thời hạn này, nếu không có luật bổ sung, Bộ Tài chính Mỹ sẽ phải tuyên bố "giai đoạn ngừng nợ" và áp dụng "các biện pháp đặc biệt" để vay mượn các nguồn kinh phí bổ sung sao cho không vi phạm trần nợ công.

Theo CBO, với các nguồn thu từ thuế lớn trong tháng 4, việc áp dụng các biện pháp đặc biệt có thể giúp Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục cấp kinh phí cho các hoạt động của chính phủ trong vài tháng.

[Nhà Trắng lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ trong năm 2019]

Tuy nhiên, nếu mức trần nợ công vẫn không thay đổi, nguồn kinh phí vay được nhờ sử dụng các biện pháp đặc biệt cũng sẽ hết, và Bộ Tài chính Mỹ có thể rơi vào tình trạng "cháy túi" vào cuối năm tài khóa hiện tại (kết thúc vào ngày 30/9) hoặc đầu tài khóa mới.

Mức trần nợ công của Mỹ trước đó được quy định 20.500 tỷ USD. Tháng 2/2018, Quốc hội Mỹ đã chấp thuận đình chỉ thực hiện quy định này cho đến ngày 1/3 nhằm đạt được thỏa thuận về dự luật chi tiêu ngân sách năm 2019 giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.

Trên thực thế, theo số liệu báo cáo hồi đầu tháng 2/2019 của Bộ Tài chính Mỹ, nợ công của Mỹ trong năm 2018 đã tăng lên mức kỷ lục 22.000 tỷ USD.

Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED), Jererome Powell (Giê-rôm Pâu-oen) cho biết có nhiều ý kiến cho rằng tình trạng nợ của chính phủ liên bang đang có chiều hướng không chống đỡ được./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục