Văn phòng Chủ tịch nước công bố 9 Luật và Pháp lệnh

Sáng 12/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 Luật và Pháp lệnh.

Sáng 12/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật đất đai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng; Luật tiếp công dân; Luật việc làm; Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân

Luật đất đai năm 2013 có 14 chương với 212 điều, tăng 7 chương và 66 điều so với Luật đất đai năm 2003; hiệu lực thi hành từ 1/7/2014. Luật đã khắc phục, giải quyết những tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình thi hành Luật đất đai năm 2003.

Trên cơ sở tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, Luật đất đai 2013 đã bổ sung thêm nhiều điều luật để quy định về các quyền của Nhà nước.

Quy định cụ thể về nghĩa vụ của Nhà nước đối với người sử dụng đất như quy định về những bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất; trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp; trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai cho người dân.

Luật đất đai năm 2013 đã đổi mới các nội dung điều tra cơ bản về đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…


Không lấy danh hiệu thi đua để làm căn cứ xét khen thưởng

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn để phù hợp với yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay.

Trong tổng số 103 điều của Luật thi đua, khen thưởng hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung từ Chương I đến Chương VI, gồm 47 điều và bổ sung Điều 91a, sửa đổi tên Chương IV, Chương V, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung về hệ thống tiêu chuẩn của danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, đảm bảo chặt chẽ hơn, không lấy danh hiệu thi đua để làm căn cứ xét khen thưởng nhằm tránh việc tích lũy thành tích trong khen thưởng.

Đặc biệt, Luật xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể đối với các hình thức khen thưởng huân chương, bằng khen, giấy khen cho nông dân, công nhân, người lao động trực tiếp. Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến quy định chung, nguyên tắc khen thưởng, thẩm quyền ban hành danh hiệu thi đua, khen thưởng và thủ tục hồ sơ xét tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2014.

Nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức trong tiếp công dân

Luật tiếp công dân gồm 9 chương với tổng số 36 điều, hiệu lực thi hành từ 1/7/2014. Để đáp ứng yêu cầu của công tác tiếp công dân trong giai đoạn hiện nay, Luật quy định về trách nhiệm tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tổ chức hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị và điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân.

Ngoài ra Luật cũng quy định việc tiếp đại diện của cơ quan, tổ chức đến khiếu nại, kiến nghị, phản ánh, tiếp người nước ngoài đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được thực hiện như đối với tiếp công dân.

Luật có các quy định để nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong hoạt động tiếp công dân, đồng thời bảo đảm thiết lập trật tự kỷ cương tại nơi tiếp công dân và ngăn chặn trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối trật tự công cộng.

Lần đầu tiên có văn bản luật về việc làm

Luật việc làm gồm 7 chương và 62 điều, điều chỉnh 5 nhóm vấn đề lớn gồm chính sách hỗ trợ tạo việc làm; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2015.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật về việc làm điều chỉnh mọi người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc.

Đây cũng là lần đầu tiên thông tin thị trường lao động được quy định trong văn bản luật, góp phần phát triển thị trường lao động năng động, cạnh tranh, minh bạch và thống nhất.

Về Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Luật việc làm vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành nhưng có tiếp thu, sửa đổi quy định về mức hỗ trợ của Nhà nước theo hướng nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp căn cứ tình hình kết dư Quỹ từng thời kỳ.

Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, bảo đảm an toàn và được Nhà nước bảo hộ.


Bổ sung một số nguyên tắc về phòng, chống sinh vật gây hại

Nội dung mới cơ bản trong Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật là đã bổ sung một số nguyên tắc về phòng, chống sinh vật gây hại thực hiện theo phương châm phòng là chính; áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp sinh vật gây hại theo hướng bền vững, trong đó ưu tiên biện pháp sinh học, sử dụng giống cây trồng chống chịu sinh vật gây hại, biện pháp kỹ thuật canh tác, thực hành nông nghiệp tốt; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải thực hiện nguyên tắc bốn đúng để đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái.

Luật cũng đã quy định cụ thể một số chính sách của Nhà nước như các chính sách đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại để tạo ra thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc bảo vệ thực vật ít độc hại, giống cây trồng chống chịu sinh vật gây hại và các biện pháp quản lý sinh vật gây hại theo hướng bền vững…

Luật có 5 chương, 77 điều; hiệu lực thi hành từ 1/1/2015.


Làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí

Với 5 chương, 80 điều, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí (sửa đổi) đã kết cấu lại và làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh về: thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Tương ứng với phạm vi điều chỉnh, Luật quy định đối tượng điều chỉnh gồm 3 nhóm đối tượng: Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên; tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khác. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014.

Giúp nhà thầu Việt Nam tiếp nhận công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến

Luật đấu thầu năm 2013 gồm 13 chương, 96 điều được xây dựng trên cơ sở sửa đổi toàn diện Luật đấu thầu năm 2005; hiệu lực thi hành từ 1/7/2014.

Luật ưu tiên phát triển nguồn lực, tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước trúng thầu và tạo việc làm cho lao động trong nước, ưu đãi đối với nhà thầu và hàng hóa sản xuất trong nước nhằm thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về “Khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đồng thời từng bước giúp nhà thầu Việt Nam tiếp nhận công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tự chủ, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh để tiến tới trở thành nhà thầu độc lập thực hiện các gói thầu lớn, công nghệ cao, phức tạp không chỉ tại thị trường Việt Nam mà cả trên thị trường quốc tế.

Luật có một số nội dung mới về đơn giản hóa quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu phù hợp; lựa chọn nhà thầu trong mua sắm tập trung; lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, vật tư y tế…

Nâng cao trách nhiệm của công dân trong phòng cháy và chữa cháy

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy đã sửa đổi, bổ sung 33 điều trên tổng số 65 điều của Luật phòng cháy và chữa cháy; hiệu lực thi hành từ 1/7/2014.

Luật đã bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng hơn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình, cá nhân trong việc chỉ đạo, tuyên truyền, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

Luật bổ sung quy định nghiêm cấm các hành vi mang hàng và chất dễ cháy, nổ trái phép vào nơi tập trung đông người và không báo cháy khi có điều kiện báo cháy; trì hoãn việc báo cháy.

Quy định này nhằm phòng ngừa nguy cơ cháy, nổ, bảo đảm tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở những nơi tập trung đông người; đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của công dân trong công tác phòng cháy và chữa cháy.

Mở rộng đối tượng được phép sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp

Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực từ 1/3/2014, đã mở rộng đối tượng được phép sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp là doanh nghiệp nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (quy định trước phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được Thủ tướng giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng).

Pháp lệnh đã bổ sung trang bị vũ khí cho lực lượng Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục