Hướng đến Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám sắp diễn ra một cuộc triển lãm đồ dùng học đường xưa và nay có liên quan đến mọi nhà, đặc biệt lại đúng vào thời điểm năm học mới vừa bắt đầu.
Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám về cuộc triển lãm này.
- Thưa Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc, ông có thể cho biết, từ đâu mà ý tưởng triển lãm các đồ dùng học tập tại Trung tâm Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã hình thành?
Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc: Như chúng ta đều biết, Văn Miếu-Quốc Tử Giám là trường Đại học đầu tiên của nước nhà. Hướng đến Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, việc tổ chức triển lãm đồ dùng trong trường học xưa và nay sẽ rất phù hợp và khá hấp dẫn. Hoạt động tưng bày này nằm trong chương trình 30 ngày trước Đại lễ. Triển lãm sẽ diễn ra sau ngày khai giảng, từ ngày 8/9 đến cuối tháng 9/2010.
-Ông hãy phác thảo khái quát kế hoạch tái hiện trường lớp xưa và nay cùng đồng hiện trong dịp này, thưa ông?
Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc: Đó là cuộc trưng bày các đồ dùng giảng dạy, học tập qua các thời kỳ: Thời phong kiến, thời “Bình dân học vụ”, thời bao cấp và hiện nay.
- Khi chưa đến với triển lãm này người xem có thể sẽ thắc mắc về việc trưng bày sẽ theo trật tự nào? Theo các giai đoạn, theo chủ đề hay theo các phân cảnh, xin ông cho biết chi tiết?
Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc: Chúng tôi chia làm hai giai đoạn chính là xưa và nay theo các chủ đề. Chủ đề thứ nhất là đồ dùng giảng dạy, học tập thời phong kiến. Lấy mốc từ năm 1075, triều Lý tổ chức khoa thi đầu tiên tuyển chọn nhân tài, mở đầu cho công cuộc lựa chọn Hiền tài thông qua thi cử.
Trải qua gần 1000 năm (1075-1919), nền giáo dục Nho học đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước. Chủ đề này tập trung giới thiệu một số đồ dùng giảng dạy, học tập thời thời phong kiến.
Hiện vật bao gồm: Văn phòng tứ bảo với đèn dầu, nghiên mực, bút lông, giấy dó. Các sách Nho học như tứ thư, ngũ kinh. Các bài thi Hương của nho sinh ngày xưa, gánh sách của người học xưa. Một số hình ảnh về việc học hành khoa cử xưa. Còn có các đồ dùng của học đường xưa như ống quyển, quán tẩy, hộp mực dấu…
- Có phải tiếp theo sẽ là đồ dùng giảng dạy thời “Bình dân học vụ,” đặc biệt là sắp tới chúng ta kỷ niệm 65 năm ngày phát động phong trào “Bình dân học vụ”(8/9/1945- 8/9/2010)?
Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc: Đúng vậy, chủ đề thứ hai là đồ dùng giảng dạy thời sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Song song với công cuộc kiến thiết đất nước, Hồ Chủ tịch đã kêu gọi toàn dân tiến hành “Diệt giặc dốt”.
Kết quả, phong trào “Bình dân học vụ” này đã thu được nhiều thành tựu đáng kể, để lại một dấu ấn quan trọng trong lịch sử giáo dục việt Nam. Hiện vật trưng bày chúng tôi đã tuyển chọn bao gồm: Bàn học rất đơn sơ thời đó, khuôn in dùng để in tài liệu và sách giáo khoa, đèn dầu, vở học văn hóa, văn bản “Lời hiệu triệu”, sách “Chương trình bổ túc cơ bản”…, sách “Vần quốc ngữ”…
- Như Tiến sĩ vừa cho biết thì hẳn chủ đề thứ ba sẽ là đồ dùng giảng dạy, học tập thời “bao cấp”?
Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc: Đó là chủ đề trưng bày thời kỳ trước năm 1985. Sau khi thống nhất đất nước, trong điều kiện đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, nên các đồ dùng học tập tại các trường học ở Hà Nội trong giai đoạn này có các nước xã hội chủ nghĩa tài trợ.
Chủ đề này tập trung giới thiệu một số đồ dùng giảng dạy và học tập trước thời kỳ đổi mới. Hiện vật bao gồm: Đồng hồ bấm giây dùng trong môn thể dục, Sơ đồ chỗ làm việc của Thợ nguội, Sơ đồ lò cao, Sơ đồ quá trình bơm xăng, Radio- máy nghe nhạc quay đĩa, Ampe kế mặt vát do Ba Lan sản xuất năm 1968…
- Thế còn các đồ dùng hôm nay vốn “quen mắt” nên việc trưng bày đồ dùng học đường đương đại hẳn không hấp dẫn bằng các hiện vật “về” từ các giai đoạn lịch sử trước?
Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc: Cũng dễ bị hiểu lầm là vậy, thực tế đã chứng minh các đồ dùng học đường hiện tại lại có giá trị tạo so sánh với đồ dùng trước đây. Vì thế càng tôn lên những hiện vật xưa. Ý nghĩa giáo dục của việc tạo ra thế so sánh này là học sinh thời nay dễ dàng nhận ra điều kiện học tập bây giờ có rất nhiều thuận lợi để nỗ lực hơn…
Đồ dùng giảng dạy, học tập đương đại cũng khá phong phú với 350 hiện vật bao gồm: Nhóm đồ dùng học tập trong các môn khoa học xã hội, Nhóm đồ dùng học tập trong các môn khoa học tự nhiên, Nhóm đồ dùng học tập trong các môn tin học, công nghệ, năng khiếu. Tất cả đều hiện đại và mang đến hình ảnh học đường bây giờ từ trang vở trắng tinh đến chiếc máy tính mới ra.
- Xin ông cho biết “nguồn” của các hiện vật và đâu là điểm đặc sắc của triển lãm?
Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc: Tôi nghĩ là sẽ rất ấn tượng. Hơn 600 đồ dùng giảng dạy sẽ được trưng bày trong triển lãm. Các trường ở Hà Nội nhiệt tình cho chúng tôi mượn các hiện vật. Đó là các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở như trường Nguyễn Trãi, trường Hoàng Hoa Thám, trường Chu Văn An, trường Trần Phú. Đặc biệt có các dụng cụ do giáo viên và học sinh tự làm.
Ban tổ chức sẽ mời luôn học sinh và phụ huynh của các trường có tham gia đến làm khách mời.
Những hiện vật ngày xưa thì chúng tôi mượn từ Bảo tàng Cách mạng, mượn ở các gia đình “Danh gia vọng tộc”, các nhà sưu tầm cổ vật văn hóa… Ví dụ như có nhà sưu tấm đã cho mượn gánh sách ngày xưa. Bên cạnh đó là các tư liệu, hiện vật quý mà Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã lưu giữ được.
Tôi khẳng định đây là triển lãm về đồ dùng giảng dạy và học tập mọi thời kỳ, sẽ đặc sắc chưa từng có. Nếu không phải là cuộc này thì người xem khó thấy ở đâu tổng hợp được nhiều đồ dùng học đường thú vị như thế.
Đối tượng quan tâm và liên quan đến triển lãm rất rộng. Đó là các học sinh, sinh viên, giáo viên và phụ huynh. Và ai trong chúng ta cũng có kỷ niệm học tập gắn với một thời cắp sách để bâng khuâng muốn tìm về...
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Anh (Vietnam+)