Theo bài phân tích của Reuters, kể từ khi nhậm chức hồi tháng 2/2021, Thủ tướng Italy Mario Draghi đã đưa ra một biện pháp ổn định chính trị cho Italy và giám sát quá trình phục hồi kinh tế đất nước sau cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, các nghị sỹ Italy có thể sớm hủy hoại tiến bộ mong manh này bằng cách bầu ông Draghi làm tổng thống.
Dự kiến, cuối tháng 1/2022, Quốc hội Italy sẽ nhóm họp để lựa chọn một tổng thống mới. Ông Draghi, từng giữ chức Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), là một nhân vật được ưa thích để thay thế Tổng thống đương nhiệm Sergio Mattarella - người từng tuyên bố rõ rằng ông không muốn đảm nhiệm cương vị này thêm một nhiệm kỳ 7 năm nữa.
Tuy nhiên, một động thái như vậy có thể khiến giới đầu tư lo lắng. Bởi những nhà đầu tư coi ông Draghi là nhân vật an toàn nhất để giám sát việc quản lý quỹ phục hồi sau đại dịch của Liên minh châu Âu (EU) trị giá hơn 200 tỷ euro (khoảng 230 tỷ USD) - một quỹ được coi là có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của Italy.
Việc ông Draghi được bầu làm tổng thống cũng có thể đẩy Italy, quốc gia đã trải qua 7 đời thủ tướng trong thập kỷ qua, rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị và cản trở những nỗ lực nhằm ban hành những cải cách quan trọng.
Theo kế hoạch, cho đến nửa đầu năm 2023, Italy mới tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia mới. Giới phân tích cho rằng chính phủ đương nhiệm cần một năm nữa để tiếp tục thực hiện các biện pháp mà họ đã thống nhất với Brussels để đổi lấy các khoản giải ngân thường xuyên từ quỹ phục hồi EU.
Do đó, Italy và Draghi phải đối mặt với tình thế khó khăn. Thủ tướng Draghi tỏ ra hữu dụng hơn trong vai trò hiện hành, vốn sẽ hết hạn trong vòng hơn một năm nữa, hay trong vai trò tổng thống Italy cho đến năm 2029?
Từ một nhân vật chủ yếu mang tính biểu tượng trong các sự kiện nghi lễ của đất nước, Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã có vai trò tích cực hơn nhiều trong những năm gần đây trong bối cảnh cục diện chính trị Italy rạn nứt khiến ông Sergio Mattarella thường xuyên phải can thiệp để giải quyết những cuộc khủng hoảng và quyết định ai sẽ thành lập chính phủ.
[Thủ tướng Italy: Thế giới đã có thể lạc quan hướng đến tương lai]
Giovanni Orsina, Giáo sư chính trị tại Đại học LUISS ở Rome, bình luận: “Tổng thống là trụ cột của hệ thống chính trị và là người bảo đảm cho các hiệp định quốc tế của Italy. Với quỹ phục hồi EU, quan hệ giữa Italy và EU có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Và với việc các đảng phái chính trị đang trong tình trạng khủng hoảng, tổng thống sẽ có vai trò chủ chốt trong 7 năm tới."
Bỏ phiếu kín
Không có ứng cử viên chính thức nào trong các cuộc bầu cử tổng thống Italy và việc bỏ phiếu được tổ chức theo hình thức “kín,” cho phép các nghị sỹ có quyền bỏ qua bất kỳ mệnh lệnh nào từ các nhà lãnh đạo đảng của họ.
Với kinh nghiệm làm việc tại ECB và là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy, Thủ tướng Draghi đã có tầm ảnh hưởng hiếm có ngay cả trước khi lên lãnh đạo một chính phủ đoàn kết dân tộc trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Nhiều chính trị gia kỳ cựu Italy đã công khai ủng hộ ông Draghi nắm cương vị tổng thống.
Cho đến nay, ông Draghi đã né tránh trả lời những câu hỏi về việc liệu ông có muốn trở thành tổng thống hay không. Sự im lặng này được hiểu rằng ông sẽ không từ chối vị trí danh giá nhất ở Italy nếu được đề nghị đảm nhiệm cương vị này.
Mặc dù việc hoạch định chính sách vẫn nằm trong tay thủ tướng và nội các, song một số chính trị gia đã đề xuất rằng những vai trò truyền thống có thể được điều chỉnh một cách không chính thức để cho phép ông Draghi tiếp tục chèo lái nền kinh tế trên cương vị tổng thống.
Cuối tháng 9/2021, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Italy Giancarlo Giorgetti nhận định: "Ông Draghi sẽ trở thành De Gaulle," ám chỉ Charles De Gaulle người đã củng cố quyền lực tổng thống ở Pháp trong những năm 1960.
Những người chỉ trích nói rằng việc mở rộng quyền hạn của tổng thống như vậy sẽ vi phạm hiến pháp của Italy. Bộ trưởng Kinh tế Italy Daniele Franco, một nhà kỹ trị không đảng phái, có khả năng sẽ là ứng cử viên hàng đầu cho việc thay thế vị trí thủ tướng của ông Draghi, song đây sẽ là một thách thức khó khăn.
Các ứng cử viên thay thế
Một quan chức cấp cao thuộc chính phủ Italy cho rằng ông Draghi là người duy nhất có khả năng duy trì và điều hành "những nhân vật ôn hòa và những vật diều hâu" cùng làm việc trong nội các. Nếu liên minh đoàn kết sụp đổ, các cuộc bầu cử có thể sẽ diễn ra trước một năm so với kế hoạch.
Nhiều nghị sỹ hiện tại sẽ mất quyền hưởng lương hưu béo bở nếu kỳ quốc hội hiện nay phải kết thúc sớm. Vì vậy, điều này cũng làm dấy lên lo ngại rằng việc ủng hộ Draghi trở thành tổng thống có thể vô tình dẫn đến một cuộc bỏ phiếu sớm và điều này cũng có thể thuyết phục nhiều người trong số họ ủng hộ một nhân vật khác.
Các phương tiện truyền thông Italy hàng ngày vẫn viện dẫn một loạt những ứng cử viên thay thế trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống đang chi phối cuộc tranh luận chính trị ở Rome. Đảng Forza Italia đã đề xuất lãnh đạo của mình, cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, là ứng cử viên lựa chọn đầu tiên cho toàn bộ khối trung hữu. Ông Berlusconi là một nhân vật gây tranh cãi mà phe trung tả sẽ không bao giờ có thể ủng hộ.
Các ứng cử viên khác nhận được nhiều đồng tình hơn gồm cựu Thủ tướng Giuliano Amato, cựu Chủ tịch Hạ viện Pier Ferdinando Casini và Bộ trưởng Tư pháp Marta Cartabia. Bà Marta Cartabia từng là người đứng đầu Tòa án Hiến pháp Italy và nhận được sự ủng hộ của những người muốn thấy Italy có nữ tổng thống đầu tiên. Mặc dù vậy, không ai trong số những nhân vật nói trên chiếm được sự ủng hộ đa số./.