Vận mệnh Brexit và sự bất đồng trong giới chính trị Anh

Thủ tướng Anh đã cảnh báo đảng Bảo thủ đang bị chia rẽ của bà rằng sẽ “không có Brexit nào hết” nếu như những người này phá hoại kế hoạch thúc đẩy một mối quan hệ thân thiết với EU.
Vận mệnh Brexit và sự bất đồng trong giới chính trị Anh ảnh 1Cờ Anh và cờ của EU. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Reuters, Thủ tướng Anh Theresa May ngày 15/7 đã cảnh báo đảng Bảo thủ đang bị chia rẽ của bà rằng sẽ “không có Brexit nào hết” nếu như những người này phá hoại kế hoạch thúc đẩy một mối quan hệ thân thiết với Liên minh châu Âu (EU) sau khi Anh rời khởi khối thương mại lớn nhất thế giới này.

Trên Facebook cá nhân, bà viết: “Thông điệp tuần này tôi muốn gửi đến đất nước rất đơn giản: Chúng ta cần tập trung vào kết quả cuối cùng, nếu không có thể sẽ không có một Brexit nào hết.”

Việc liên kết vận mệnh của Brexit với sự sống còn của chính bản thân mình theo một cách thẳng thắn như vậy cho thấy vị trí của bà May vẫn đang lung lay thế nào sau khi chính phủ của bà rơi vào khủng hoảng và Tổng thống Mỹ Donald Trump thì công khai chỉ trích chiến lược Brexit của bà.

Chỉ còn chưa đầy 9 tháng trước khi Anh chính thức rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019 tới đây, cả đất nước, giới chóp bu chính trị và các lãnh đạo doanh nghiệp vẫn đang chia rẽ sâu sắc về cách mà Brexit sẽ được tiến hành.

Với việc cảnh báo rằng bản thân vấn đề Brexit cũng đang rất rủi ro, bà May đang gửi đi một thông điệp trực tiếp tới hàng chục người ủng hộ một "Brexit cứng" trong đảng của bà rằng nếu họ phá hoại vai trò thủ tướng của bà thì sẽ có nguy cơ để mất chiến thắng trong cuộc "ly hôn" với EU mà họ đã mơ ước từ nhiều thập kỷ nay.

Một số thành viên đảng Bảo thủ ủng hộ Brexit lo ngại về một thỏa thuận có thể khiến Anh vẫn phải chịu các điều khoản của EU và Brexit chỉ là trên danh nghĩa.

Chính phủ Anh cũng đang xúc tiến kế hoạch cho cái gọi là một Brexit “không ràng buộc” có thể khiến các thị trường tài chính hoảng loạn và các dòng chảy thương mại trong và ngoài châu Âu trở nên rối ren.

Bà May đã nhiều lần nói rằng Brexit vẫn sẽ diễn ra và loại bỏ khả năng tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân mới, dù Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tỷ phú đầu tư George Soros đã gợi ý rằng Anh nên suy nghĩ lại.

Trong quá trình tìm kiếm sự cân bằng giữa những người muốn có một "Brexit mềm" và những người lo ngại việc duy trì sự thân thiết với EU, bà May đã nỗ lực giành được sự ủng hộ của các bộ trưởng cấp cao đối với các kế hoạch của mình.

Sau nhiều giờ thảo luận tại dinh thự Thủ tướng Chequers ở ngoại ô, bà May có vẻ đã giành được sự nhất trí từ nội các của mình, thế nhưng chỉ hai ngày sau thì David Davis đã từ chức Bộ trưởng Brexit rồi hôm sau nữa đến lượt Ngoại trưởng Boris Johnson cũng rời nhiệm sở.

Ngày 15/7, cố vấn bộ trưởng, nhà lập pháp Robert Court, cũng từ chức, đồng thời phát biểu trên Twitter rằng ông không thể nói với các cử tri rằng ông ủng hộ kế hoạch Chequers theo kiểu này.

["Ác mộng" Brexit của Anh kẹt giữa Mỹ và EU]

“Kiện EU”

Ngày 15/7, bà May đã kêu gọi đất nước ủng hộ kế hoạch “trao đổi hàng hóa không va chạm” của bà, cho rằng đó là lựa chọn duy nhất để tránh làm xói mòn hòa bình ở Bắc Ireland và duy trì sự thống nhất của Vương quốc Anh.

Trong khi đó, ông Davis cũng viết trên tờ Sunday Times rằng việc khẳng định không có một sự thay thế nào hiệu quả cho kế hoạch của bà May là một “tuyên bố giả dối đáng kinh ngạc.”

Theo ông, kế hoạch này sẽ cho phép các điều lệ của EU gây tổn hại cho các hãng chế tạo của Anh.

Steve Baker, nhà lập pháp kỳ cựu từng làm Thứ trưởng Brexit trước khi từ chức cùng Bộ trưởng Davis, cho biết bà May đang chỉ huy một âm mưu “che đậy và giả dối” nhằm làm suy yếu Brexit.

Vị thế của bà May còn bị Trump làm xói mòn thêm nữa khi ông phát biểu trong một cuộc phỏng vấn đăng trên tờ Rupert Murdoch’s Sun hôm 13/7 rằng những đề xuất của bà có thể “giết chết” mọi cơ hội cho một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đáp lại, bà May ngày 15/7 đã tiết lộ rằng chính ông Trump vừa khuyên bà nên kiện EU thay vì tiến hành đàm phán với khối này về cuộc “ly hôn.”

Mặc dù Trump sau đó đã nói ngược lại những bình luận nêu trên của mình khi đưa ra hứa hẹn về một thỏa thuận thương mại lớn của Mỹ, song ông lại thể hiện rõ sự ngưỡng mộ của mình với vị bộ trưởng ngoại giao Anh 54 tuổi vừa từ chức Boris Johnson, người được ông đánh giá một ngày nào đó có thể trở thành một thủ tướng Anh vĩ đại.

Steve Bannon, cựu cố vấn của Trump, thậm chí còn được tờ nhật báo Telegraph của Anh dẫn lời nói rằng hiện là thời điểm để ông Johnson thách thức vị trí của bà May.

Căng thẳng trong Quốc hội

Sau khi đệ đơn từ chức hôm 9/7 với lời cảnh báo rằng “giấc mơ Brexit” đang bị “bóp nghẹt” bởi những hoài nghi không đáng có, Johnson, bộ mặt của chiến dịch Brexit, hiện vẫn giữ im lặng.

Trong khi đó, khi được hỏi liệu bà có giữ vững lập trường của mình nếu như một làn sóng tranh cãi nổ ra trong đảng Bảo thủ, bà May đã né tránh trả lời trực tiếp mà chỉ nói rằng “tôi sẽ vẫn ở đây về lâu dài.”

Những nguy cơ ngày càng gia tăng với bà May từ những thành phần phản đối trong đảng của bà sẽ càng rõ nét hơn trong hai cuộc tranh luận tại quốc hội trong tuần này.

Giới lập pháp ủng hộ "Brexit cứng" được cho là sẽ tận dụng một cuộc thảo luận ngày 16/7 về luật đánh thuế nhập khẩu để ép bà phải cứng rắn hơn trong kế hoạch Brexit, trong khi một cuộc họp về thương mại vào ngày 17/7 sẽ chứng kiến nỗ lực ủng hộ xúc tiến quan hệ thân thiết hơn nữa với EU của những nhà lập pháp thân khối này.

Những nhân vật bất đồng chính kiến với bà May không có nhiều khả năng giành được sự ủng hộ trong quốc hội, song cuộc tranh luận này sẽ phơi bày số lượng những nhân vật trong đảng Bảo thủ sẵn sàng bỏ phiếu chống lại bà vào một thời điểm ai đó tìm cách tập trung lực lượng cần thiết để thách thức vị trí lãnh đạo của bà.

Nếu bà May thực sự có thể đạt được một thỏa thuận Brexit với các lãnh đạo EU, giới lập pháp vẫn có thể bỏ phiếu chống lại nó.

Điều này có thể châm ngòi một cuộc khủng hoảng chính trị lớn ở Anh, kéo theo sự sụp đổ của mọi sự dàn xếp về thương mại, nhập cư và an ninh thời hậu Brexit./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục