Văn học nghệ thuật đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hoá, xây dựng con người; đấu tranh với mọi biểu hiện sai trái, tạo ra bầu không khí lành mạnh trong xã hội.
Đó là lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (25/7/1948-25/7/2023) diễn ra ngày 25/7 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
'Văn nghệ chiếu sáng cuộc sống'
Theo Tổng Bí thư, trong lịch sử phát triển hàng nghìn năm của dân tộc, văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam đã hun đúc nên một truyền thống sâu sắc và độc đáo. Đó là nền văn hóa, văn học, nghệ thuật yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với Nhân dân và dân tộc, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước.
Nhìn lại chặng đường 75 năm qua, Tổng Bí thư vui mừng nhận thấy các văn nghệ sỹ dưới “mái nhà chung” của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có sự phát triển, trưởng thành đầy ấn tượng, góp phần to lớn vào công cuộc sáng tạo các sản phẩm văn hoá, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của người dân, đưa văn hoá ngày càng thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; xứng đáng là lực lượng nòng cốt sáng tạo các giá trị văn hóa, là đội ngũ văn nghệ sỹ - chiến sỹ tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Tổng Bí thư cũng chỉ ra rằng những thành tựu văn học nghệ thuật trong những năm qua chưa thật tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Chất lượng chưa hài hòa với số lượng, chưa có nhiều tác phẩm tạo được sự thu hút, sự quan tâm rộng lớn của công chúng và có sức lan tỏa làm rung động lòng người, còn ít những tác phẩm đỉnh cao, những văn nghệ sỹ lớn.
[Xây dựng chuẩn mực con người VN: Kích hoạt sức mạnh mềm của dân tộc]
Theo Tổng Bí thư, vẫn còn một số người phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, xem nhẹ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Tác phẩm của họ thường xa rời thực tiễn đời sống của đất nước, của Nhân dân. Một số phát ngôn, viết hồi ký, sách báo, trang điện tử, sử dụng YouTube có nội dung thiếu xây dựng, thậm chí rất cực đoan. Cá biệt có hiện tượng "bôi đen" giá trị thiêng liêng của lịch sử, của chế độ, đề cao quá mức cái tôi để kêu gọi tự do sáng tác... phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn học nghệ thuật.
Do đó, Tổng Bí thư đề nghị các văn nghệ sỹ trao đổi, thảo luận thẳng thắn, "tự soi, tự sửa" nhằm khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém trong sáng tác và lý luận phê bình văn học nghệ thuật cũng như trong việc tổ chức và hoạt động của các Hội và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật trong cả nước.
Để tạo điều kiện cho văn học, nghệ thuật phát triển, Đảng và Nhà nước luôn luôn khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sỹ, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn học nghệ thuật và văn nghệ sỹ phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tổng Bí thư cũng tâm sự với các văn nghệ sỹ trẻ rằng cuộc sống có rất nhiều điều để nói, để viết, nhưng quan trọng là nói như thế nào và viết như thế nào? Nhiều người thường bảo, văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình; văn nghệ bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người.
Tổng Bí thư bày tỏ mong mỏi các văn nghệ sỹ nhận thức được: “Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hoà nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống Nhân dân, chứ không phải chỉ sa vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ chỉ đơn giản như là một thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một sự đam mê tầm thường.”
‘Thổi bùng lên ngọn đuốc nhân văn’
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam điểm lại chặng đường 75 năm hình thành và phát triển của liên hiệp.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Hồng Quân cũng thẳng thắn thừa nhận rằng những thành tựu đạt được trong lĩnh vực văn hóa-văn học nghệ thuật trong thời gian gần đây còn chưa thực sự tương xứng với những kỳ tích của dân tộc, chưa đáp ứng được yêu cầu và sự kỳ vọng của Nhân dân, của Đảng và Nhà nước.
Đó là sự vắng bóng của những công trình, tác phẩm có tầm vóc, được công chúng trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao; sự lúng túng, sa sút nghiêm trọng của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian và bác học. Đó còn là xu thế "nghiệp dư" hóa trong sáng tác và biểu diễn, đó là sự "lên ngôi" của những loại hình, tác phẩm bị dư luận gọi là "thị trường", "nhảm nhí" nhằm đáp ứng thị hiếu của một bộ phận công chúng. Cùng với nó là các sản phẩm văn hóa ngoại lai, chất lượng thấp, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, thậm chí xấu độc tác động vào môi trường văn hóa, nhân cách con người.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, nhiệm vụ của văn nghệ sỹ chân chính là không ngừng sáng tác những tác phẩm giá trị, lấy cái đẹp dẹp cái xấu.
Trong bối cảnh văn học nghệ thuật được xem là "xương sống" của công nghiệp văn hóa, ông Đỗ Hồng Quân cho rằng toàn bộ sự phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam phải được đặt trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia để tăng cường "sức mạnh mềm", đưa văn hóa Việt Nam ra với thế giới.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Hồng Quân khẳng định, trách nhiệm và sứ mệnh của đội ngũ văn nghệ sỹ rất vẻ vang, nhưng cũng thật nặng nề. Giới văn nghệ sỹ hôm nay nguyện noi gương các thế hệ tiền nhân, tiếp tục dấn thân, cống hiến hết mình cho Tổ quốc.
“Mỗi văn nghệ sỹ, bằng những tác phẩm của mình phải góp thêm một tia lửa sáng tạo để thổi bùng lên ngọn đuốc trí tuệ-nhân văn, để văn hóa thực sự trở thành một nguồn lực nội sinh mạnh mẽ nhất, một nguồn năng lượng tinh thần, làm giàu có thêm, nhân ái thêm đời sống tinh thần của Nhân dân, góp phần đưa nước ta trở thành một quốc gia phát triển bền vững, giàu có phồn vinh và hạnh phúc,” ông Đỗ Hồng Quân nói.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Nghệ sỹ Nhân dân Tâm Chính cho hay Liên hiệp đã làm tốt vai trò tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sỹ hoạt động và đóng góp cho sự phát triển nước nhà.
Ở cương vị Chủ tịch Liên chi hội Xiếc Việt Nam, bà Tâm Chính nhận thấy liên hiệp đã hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chính trị để nghệ sỹ xiếc có những tác phẩm tốt, giàu giá trị tư tưởng, có chất lượng cao về mặt nghệ thuật.
Là một người trẻ, ca sỹ, nhạc sỹ Hoàng Hồng Ngọc (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) cho rằng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã “chỉ đường, vạch lối” để thế hệ nghệ sỹ trẻ trau dồi chuyên môn sáng tạo và cống hiến hết mình cho nghệ thuật, cho đất nước.
“Nhờ sự quan tâm và định hướng mà chúng tôi có thể sáng tạo, vận dụng khả năng của bản thân mà vẫn có được những tác phẩm có tư tưởng, có chủ đề và quan trọng là có thể tiệm cận được với giới trẻ. Ngày nay, các tác phẩm viết về cảm xúc cá nhân, tình yêu đôi lứa rất nhiều nhưng viết về Bác Hồ, Đảng hay tinh thần dân tộc thì rất ít. Vì vậy, tôi mong liên hiệp sẽ tiếp tục tổ chức các trại sáng tác, các lớp tập huấn để cho văn nghệ sỹ trẻ có thêm cảm hứng sáng tạo,” Hoàng Hồng Ngọc bày tỏ./.