Ngày 30/9, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hóa, con người Vĩnh Phúc trong phát triển bền vững."
Phát biểu tại hội thảo, bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc khẳng định Vĩnh Phúc tự hào là trung tâm sinh tụ, nơi phát lộ dấu tích của người Việt cổ, là miền giao thoa giữa vùng văn hóa Hùng Vương với văn hóa Kinh Bắc-Thăng Long, nơi lưu giữ hàng nghìn di tích lịch sử-văn hóa với đủ các loại hình.
Tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống, nổi tiếng cùng hàng trăm lễ hội độc đáo; có 3 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 4 di sản được ghi danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia.
[Vĩnh Phúc: Gìn giữ và bảo tồn lễ hội truyền thống xã Đại Đồng]
Vĩnh Phúc là một trong những trung tâm nho học với 86 tiến sỹ, minh chứng cho sự phát triển rực rỡ của nền khoa bảng của tỉnh, góp mặt trong sự phát triển hưng thịnh của văn hiến nước nhà.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, tỉnh xác định việc tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc hơn, làm rõ nét giá trị văn hóa của vùng đất, con người Vĩnh Phúc; vai trò, vị trí, đóng góp của Vĩnh Phúc trong tiến trình phát triển của dân tộc là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội bền vững, tạo tiền đề để xây dựng và phát triển tỉnh Vĩnh Phúc giàu có, phồn vinh.
Quan tâm đến vấn đề xây dựng, phát huy các giá trị di sản văn hóa, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam khẳng định, địa phương có kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, phong phú và đa dạng gồm cả di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể.
Do đó, Vĩnh Phúc cần nhận thức sâu sắc vai trò của di sản văn hóa. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phải trở thành một trong những nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên. Đặc biệt, phát huy vai trò của cộng đồng, tổ chức và cá nhân trong xã hội vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về di sản văn hóa của tỉnh với nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế; gắn kết chặt chẽ giữa di sản văn hóa và phát triển du lịch, xây dựng Vĩnh Phúc thành một điểm đến hấp dẫn.
Còn theo Tiến sỹ Nguyễn Hữu Mùi, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, người Vĩnh Phúc tạo ra chế độ khuyến học mạnh mẽ, mang tính đột phá trong việc xây dựng hệ thống nơi thờ Nho giáo với bốn cấp độ hành chính.
Vĩnh Phúc có 86 người đỗ Tiến sỹ Nho học, nhiều vị để lại dấu ấn cho sự phát triển văn hóa dân tộc như Triệu Thái, Nguyễn Duy Thì, Nguyễn Tiến Sách…
Tiến sỹ Nguyễn Hữu Mùi cho rằng, tỉnh cần giới thiệu về truyền thống hiếu học và khoa bảng mà người dân địa phương đã tạo lập trong quá khứ như tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng về truyền thống hiếu học và khoa bảng của tỉnh; làm phim hoạt hình về danh nhân khoa bảng của tỉnh; thi tìm hiểu về danh nhân khoa bảng cho học sinh trong tỉnh, xuất bản công trình nghiên cứu về giáo dục, khoa bảng của tỉnh...
Tỉnh cần xem xét, lập kế hoạch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cho ba làng Sơn Đông, Lý Hải và Văn Trưng, bởi đây là những làng khoa bảng Nho học nổi tiếng của tỉnh cũng như cả nước.
Như thế sẽ giúp các thế hệ học sinh của tỉnh biết đến truyền thống hiếu học và khoa bảng của cha ông, từ đó phấn đấu vươn lên trong học tập, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh.
Nhấn mạnh vai trò của việc xây dựng văn hóa chính trị, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, tỉnh cần giáo dục cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, sự cần thiết phải nâng cao văn hóa chính trị, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa trong chính trị.
Nâng cao trình độ tri thức về mọi mặt, đặc biệt về tri thức chính trị cho cán bộ, đảng viên của Vĩnh Phúc.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên của Vĩnh Phúc phải không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, nhân cách, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tỉnh cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm hoạt động đào tạo, bồi dưỡng văn hóa chính trị cho cán bộ, đảng viên.
Đặc biệt, Vĩnh Phúc nên phát động sâu, rộng phong trào học tập và thực hành văn hóa lãnh đạo theo tấm gương Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp.
Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học, nghiên cứu đã đóng góp ý kiến về chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử tại địa phương và những khuyến nghị với tỉnh; bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống để khai thác, phát triển du lịch ở Vĩnh Phúc…
Tiếp thu ý kiến đóng góp tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định, ý kiến, nguồn tư liệu về văn hóa, con người được các nhà khoa học đưa ra tại hội thảo là những thông tin mới, cơ sở quan trọng về lý luận và thực tiễn để Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành nghị quyết về xây dựng văn hóa, con người Vĩnh Phúc trong phát triển bền vững.
Vĩnh Phúc sẽ chú trọng đầu tư cho cơ sở vật chất trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tương xứng với sự phát triển của địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung bảo vệ, khai thác giá trị di sản văn hóa Vĩnh Phúc, gắn với phát triển du lịch, trong đó, tỉnh đầu tư, khai thác giá trị di sản có trọng tâm di sản văn hóa được công nhận mang giá trị, ý nghĩa biểu tượng văn hóa Vĩnh Phúc như, Tháp Bình Sơn, đình Thổ Tang, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên-Tam Đảo, di chỉ Đồng Đậu, các di tích cách mạng, di tích lưu niệm Bác Hồ tại thị trấn Tam Đảo, di tích Chiến khu Ngọc Thanh, tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên.../.