Trong thời đại bùng nổ công nghệ 4.0 nhưng văn hóa bản địa lại chính là sức hấp dẫn khách du lịch thế giới. Ngay tại Việt Nam, những chuyến đi đơn thuần nghỉ dưỡng đã không còn được lựa chọn nhiều. Du khách đang tỏ ra quan tâm hơn tới việc điểm đến đó có nhiều trải nghiệm thú vị hay không.
[Những xu hướng du lịch mới của thế giới và Việt Nam]
Nắm bắt được xu hướng mới này, ngành du lịch Việt Nam đã xây dựng chiến lược phát triển văn hóa bản địa, bắt đầu từ cái nôi của nền văn minh lúa nước Việt Nam: Đồng bằng sông Hồng.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục Trưởng Tổng cục Du lịch đã có những chia sẻ về vấn đề này.
- Thưa ông, đồng bằng sông Hồng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng thực tế chưa phát huy được tối đa tiềm năng này. Vậy trong tương lai phía Tổng Cục Du lịch có hỗ trợ như nào để có thể giúp du lịch khu vực này “cất cánh”?
Ông Hà Văn Siêu: Định hướng phát triển của du lịch Việt Nam thời gian tới sẽ nhắm vào phát triển những sản phẩm du lịch mang tính văn hóa bản địa, khai thác yếu tố văn hóa địa phương trở thành thế mạnh khác biệt và độc đáo của từng miền. Chiến lược phát triển này cũng đề cao vai trò người dân với tinh thần tự tôn tình yêu quê hương, đất nước.
Đối với vùng đồng bằng sông Hồng, các tỉnh có dày đặc di tích lịch sử cũng như nếp sống, văn hóa ngàn đời gắn với văn minh lúa nước sông Hồng và là niềm tự hào, tài nguyên vô giá để hình thành nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú.
Chúng tôi sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật cũng như định hướng phát triển sản phẩm du lịch. Từ những yếu tố riêng có của từng địa phương mà khuyến khích yếu tố sáng tạo trong phát triển các sản phẩm du lịch mới, những sản phẩm du lịch mang nặng tính đặc sắc địa phương và liên kết vùng từ những cái riêng có để tạo ra những chuyến đi đậm nét văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng cho du khách.
Những gợi ý, định hướng về phát triển sản phẩm cùng với ứng dụng công nghệ sẽ tạo ra khả năng liên kết tốt nhất và bổ sung cho nhau giữa các địa phương. Tính liên kết vùng sẽ tạo ra tính đa dạng và làm cho nhiều sản phẩm có tính hấp dẫn cao hơn.
[Du lịch xanh Việt Nam loay hoay ‘tìm đường’ giữa biển rác]
- Năm 2020 Ninh Bình được lựa chọn đăng cai Năm du lịch Quốc gia. Tỉnh này vốn là điểm đến nổi tiếng, vậy trong năm 2020, Tổng Cục Du lịch hy vọng sẽ mang đến diện mạo mới như thế nào cho Ninh Bình?
Ông Hà Văn Siêu: Năm Du lịch Quốc gia 2020 ở Ninh Bình hiện đã được khởi động, ban chỉ đạo và ban tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2020 đã họp và đưa ra những kết luận rõ nét để địa phương đăng cai cũng như các địa phương liên quan hưởng ứng.
Thông điệp của Năm Du lịch Quốc gia 2020 là ứng dụng công nghệ để tạo tính liên kết cao giữa Ninh Bình và các địa phương khác trên cả nước có những sự kiện, hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia.
Điểm nhấn của Năm Du lịch Quốc gia 2020 tại Hoa Lư, Ninh Bình là bước tiếp theo, kế thừa kết quả của Năm Du lịch Quốc gia những năm trước. Chúng tôi rất kỳ vọng sự kiện tại Ninh Bình sẽ phát triển mạnh các sản phẩm du lịch đồng bằng sông Hồng.
Trong chương trình hành động quốc gia về du lịch, tháng Tám vừa qua, Tổng Cục Du lịch đã đưa các đoàn khảo sát đến với Ninh Bình và gắn Ninh Bình với các điểm đến khác tại vùng đồng bằng sông Hồng, trong đó có Thái Bình, Nam Định, Hà Nam…
Cần nói thêm về liên kết này vì Thái Bình là tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, có tính đặc sắc, đặc trưng của văn minh lúa nước, không chỉ có các di tích lịch sử mà còn gắn với các dòng nghệ thuật khác như chiếu chèo.
Chúng tôi khuyến khích, gợi ý cũng như hướng cho Thái Bình phát huy thế mạnh của mình về văn hóa, cảnh quan, lối sống, cũng như sự hiếu khách của người dân quê lúa.
Chính sự hiếu khách đã hình thành nên ngành du lịch. Vì thế chúng tôi cũng khuyến nghị tất cả các địa phương phải bằng sự hiếu khách của mình giúp du khách có thời gian nghỉ ngơi, trải nghiệm tốt nhất...
- Trong thời gian qua, ngành du lịch cũng đặc biệt hướng tới phát triển du lịch xanh, phát triển du lịch bền vững, vậy thì đồng bằng sông Hồng nói riêng và các địa phương khác trên cả nước trong tương lai sẽ cần có những hành động thiết thực như nào cho mục tiêu này, thưa ông?
Ông Hà Văn Siêu: Phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm với môi trường, với xã hội là một xu hướng đồng thời là hướng phát triển của du lịch Việt Nam trong yêu cầu cũng như định hướng chiến lược phát triển.
Chúng tôi đưa ra những tiêu chí để các địa phương, các điểm đến, các doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch theo những tiêu chí xanh và trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường. Khi và chỉ khi các sản phẩm du lịch đạt được các tiêu chí xanh và trách nhiệm đó thì sẽ ngày càng được chào đón, thu hút quan tâm và hấp dẫn được du khách.
Ngày nay, với các điểm đến thân thiện môi trường, điểm đến gần gũi với thiên nhiên, con người tìm được về với cội nguồn cũng như nét văn hóa đặc sắc địa phương. Chính các chuyến đi du lịch của những du khách tiên phong dẫn dắt trào lưu đó đã tạo ra xu hướng mới cho dòng khách du lịch xanh, du lịch thân thiện với môi trường. Điều này đòi hỏi các chính quyền địa phương, các doanh nghiệp phải bắt kịp được với du hướng đó trong việc phát triển du lịch xanh.
- Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.