Vận hành trở lại Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước

Các cổ đông Toyo Thai New Energy, PVOIL, Licogi 16 đã góp thêm vốn còn thiếu để chuẩn bị vận hành trở lại Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước.
Vận hành trở lại Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước ảnh 1Một góc Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước. (Nguồn: PVN)

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị cho việc khởi động trở lại Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước.

Theo phụ trách Ban Khí và Chế biến Dầu khí PVN Bùi Ngọc Dương, hiện các cổ đông Toyo Thai New Energy, PVOIL, Licogi 16 đã góp thêm vốn còn thiếu để chuẩn bị vận hành trở lại nhà máy.

Bên cạnh đó, Liên danh nhà thầu VSP-Licogi 16 đã hoàn thành công tác bảo dưỡng, sửa chữa nhà máy giai đoạn 1 để sẵn sàng vận hành trở lại.

Đối với công tác tuyển dụng, đào tạo nhân sự, chủ đầu tư dự án - Công ty trách nhiệm hữu hạn nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF) cũng đã tuyển các nhân sự chủ chốt thuộc khối trực tiếp và gián tiếp; thực hiện công tác đào tạo nhằm phục vụ nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa và vận hành nhà máy.

Riêng công tác chuẩn bị tiêu thụ sản phẩm và vận hành trở lại nhà máy, PVOIL và OBF đã đàm phán hợp đồng bao tiêu E100; trong đó PVOIL sẽ ứng trước tiền hàng để hỗ trợ OBF có vốn lưu động mua nguyên liệu phục vụ sản xuất.

[Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất sẵn sàng hoạt động trở lại]

Cùng với đó, OBF đã làm việc với các ngân hàng đồng tài trợ về công tác xử lý nợ vay để giải quyết vấn đề tài chính cho nhà máy. Các ngân hàng ủng hộ Nhà máy vận hành trở lại cũng đề nghị OBF gửi cho ngân hàng kết quả sản xuất kinh doanh để họ xem xét quyết định phương án tái cơ cấu nợ, tài trợ vốn lưu động.

Ông Bùi Ngọc Dương cũng cho biết do giá sắn tăng cao nên các cổ đông đang tính toán và lựa chọn phương án tối ưu khởi động lại nhà máy; đồng thời xem xét phương án PVOIL thuê nhà máy gia công 1.200 m3 E100 để phục vụ pha chế xăng E5 của PVOIL tại thị trường phía Nam.

Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước vận hành từ tháng 4/2012 và sản xuất được hơn 16.000 m3 ethanol cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên đến tháng 4/2013, nhà máy phải dừng sản xuất do khó khăn đầu ra sản phẩm dẫn đến sản xuất kinh doanh bị thua lỗ.

Dự án nhà máy này được góp vốn bởi nhiều cổ đông: PVOIL (đơn vị thành viên của PVN góp 29%, còn lại là của các cổ đông khác; trong đó cổ đông nước ngoài là Công ty trách nhiệm hữu hạn Toyo Thai New Energy góp 49% vốn)./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục